Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bỏ biên chế trong giáo dục: Có thể gây xáo trộn cuộc sống giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục là một ngành rất đặc thù, muốn trở thành giáo viên (GV) phải đầu tư học vấn lâu dài, nên ai cũng muốn ổn định. Nếu bỏ biên chế và chuyển sang hợp đồng khiến cho GV bất an thì đó cũng là một vấn đề cần phải tính đến.

Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, bỏ biên chế trao quyền tuyển dụng cho người đứng đầu đơn vị cần phải thực hiện công khai và dân chủ, tránh lãnh đạo có thể lạm quyền để loại những người giỏi không “ăn cánh” với mình (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Đó là ý kiến của PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) khi bàn về chủ trương bỏ biên chế GV theo dự kiến của Bộ GD-ĐT. Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, đối với những GV có trình độ khá giỏi, được đào tạo chính quy thì việc bỏ biên chế không ảnh hưởng gì đến họ vì ở đâu cũng cần những người tài giỏi, đạo đức tốt và làm việc hiệu quả. Còn đối với những GV có trình độ chắp vá, việc bỏ biên chế khiến họ lo lắng thì đó lại là một tín hiệu tích cực của chủ trương này.

Nhiều nguồn đào tạo chưa chất lượng

Trước đây việc đào tạo GV rất khó khăn. Vì nghề giáo là nghề cao quý và có thu nhập tốt, nên rất nhiều học sinh ưu tú thi vào. Các trường sư phạm là những trường có chất lượng cao nhất trong hệ thống ĐH. Thế nhưng, sau này số lượng học sinh tăng vọt, việc đào tạo ĐH theo kiểu tinh hoa không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nên người ta tuyển GV từ rất nhiều nguồn, trong tình hình hệ thống ĐH bung ra một cách vô tội vạ. Vì thế, việc đào tạo ĐH cho ngành sư phạm chỉ dành cho các thành phố lớn, còn các tỉnh chỉ đào tạo cấp CĐ trở xuống. Đến nay thì các trường TC, CĐ được nâng lên thành ĐH hết, các tỉnh cũng  đào tạo cả GV THPT, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó, không ít người thi rớt ĐH sư phạm, về tỉnh học ĐH tư thục, tại chức, liên thông liên kết, sau đó học thêm một khóa sư phạm ngắn hạn là trở thành GV dạy THCS, THPT.

Nhìn sang các nước có nền giáo dục tiên tiến, để có thể đào tạo được một người GV không hề dễ chút nào. Người ta phải căn cứ vào số lượng giáo sư, tiến sĩ của trường ĐH để xác định chất lượng. Có nước còn quy định trường ĐH phải đào tạo được 18 chuyên ngành tiến sĩ (tức là có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ) thì mới được cấp bằng cử nhân, và có bằng cử nhân thì mới đi học nghiệp vụ sư phạm hàng năm trời để trở thành GV. Chứ không phải như ở ta, có trường chỉ có vài ba tiến sĩ nhưng xin được mã ngành sư phạm là có thể đào tạo GV. Vì vậy, việc quy hoạch lại hệ thống ĐH, quy định trường ĐH như thế nào mới được đào tạo sư phạm là cần thiết.

PGS.TS Đoàn Lê Giang chia sẻ: “Tôi nghe một người bạn làm trưởng phòng giáo dục một huyện nói GV của huyện ấy 2/3 là tốt nghiệp ĐH dân lập tỉnh bên. Và tôi đã từng có một cuộc điều tra bỏ túi trong một lớp bồi dưỡng GV cho thấy, trong số 30 người thì chỉ 5 người tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, còn lại 25 người học các trường sư phạm tỉnh mới nâng lên ĐH, hoặc tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học hay liên thông liên kết”. Rõ ràng với việc tuyển dụng như vậy thì khó còn chỗ cho những sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm chính quy hay các ĐH danh tiếng khác.

Đề cao dân chủ trong trường học

Tuy nhiên, không phải tất cả những người học ở trường yếu thì cũng đều yếu kém vì còn có năng lực và sự nỗ lực cá nhân, nhưng những cá nhân có quá trình đào tạo không chính quy, thành tích học tập không tốt thì cần đưa vào diện xem xét. Nếu muốn thanh lọc GV yếu kém, không chỉ căn cứ vào bằng cấp hiện tại là thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, mà còn phải xem cá nhân ấy học ở trường nào, điểm thi ĐH bao nhiêu, thành tích học ở phổ thông thế nào, bên cạnh việc đánh giá trình độ, năng lực sư phạm, phẩm chất đạo đức, thái độ công việc hiện tại.

“Trước hết sẽ thí điểm bỏ biên chế từ khu vực ĐH và phổ thông có điều kiện. Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng. GV và đội ngũ quản lý cần được đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ ba Quốc hội (sáng 9-6-2017). 

Hiện nay, theo phản ánh của báo chí và quan sát thực tế, nhiều lãnh đạo các trường học đang được ví như những “ông vua” và tình trạng mất dân chủ trong trường học là hoàn toàn có thật. Nếu không có dân chủ trong trường học mà thực hiện chủ trương bỏ biên chế trong nhà trường có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống GV. Để đánh giá khả năng chuyên môn của một GV, cần có ý kiến của hội đồng sư phạm, và nếu cần có thể tham khảo ý kiến của một đơn vị độc lập, có chuyên môn cao như các trường ĐH chẳng hạn.

“Nếu không có dân chủ trong trường học mà thực hiện chủ trương bỏ biên chế trong nhà trường có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống GV. Tuy nhiên, để việc bỏ biên chế có tính khả thi, khi thực hiện vấn đề này cần chú ý tới một số điều. Trước hết cần có quy định riêng đối với những GV có thâm niên cống hiến, đã dành gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Có thể quy định những GV nằm trong độ tuổi từ 45 tuổi trở lên và có trên 20 năm tuổi nghề thuộc diện này. Còn những GV mới tuyển dụng hay thâm niên chưa lâu thì cần xem xét trình độ, quá trình đào tạo và ý thức nghề nghiệp để cân nhắc mỗi khi đến hạn ký hợp đồng”, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho biết.

PGS.TS Đoàn Lê Giang cho biết thêm, việc bỏ biên chế trao quyền tuyển dụng, hủy hợp đồng cho người đứng đầu đơn vị cần phải thực hiện công khai và dân chủ, tránh lãnh đạo có thể lạm quyền như người ta dùng chế độ hợp đồng để loại những GV giỏi, ngay thẳng mà không “ăn cánh” với mình, nhưng lại tuyển dụng những người yếu kém theo kiểu quen biết. Có như vậy chủ trương bỏ biên chế trong giáo dục mới tránh được những tiêu cực, góp phần đổi mới công tác quản lý phù hợp với xu thế phát triển của ngành giáo dục.

Nguyễn Hoàng Anh 

Bình luận (0)