Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những lần viết về trẻ có H

Tạp Chí Giáo Dục

Trưc đây tôi vn nghĩ nhng ngưi nhim HIV là thành phn hư hng ca xã hi, đó thưng là gái mi dâm, con nghin… Cho đến khi “liu mng” viết v nhng đa tr có H, cái nhìn ca tôi v nhng ngưi nhim HIV đã khác. Thì ra không phi c có H đu là thành phn hư hng, đáng chê trách mà thc tế có nhiu trưng hp rt đáng thương, nht là tr em…


Nhng đa tr có H đang đưc nhân viên công tác xã hi Bnh vin Nhi đng 1 hưng dn k năng sng

1.Cách đây gần 20 năm, lần đầu tiên tôi viết về trẻ có H tại Trung tâm Mai Hòa. Đây là nơi chăm sóc và nuôi dưỡng các bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có cả các trường hợp đã chuyển sang AIDS.

Trung tâm Mai Hòa nằm ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km. Cách đây 20 năm, việc tìm đường không phải cứ lên Google là xong mà  phải sử dụng bản đồ, hoặc gọi 1080 để được hướng dẫn. Ngoài ra còn có một cách nữa là vừa đi vừa hỏi đường. Tôi đã áp dụng cả 3 phương thức trên để di chuyển từ tòa soạn (đường Điện Biên Phủ, quận 3) tới Trung tâm Mai Hòa. Và tôi phải mất tới 3 tiếng đồng hồ để tới được đây.

Vào thời điểm tôi đến Trung tâm Mai Hòa, nơi này không chỉ đang chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS người lớn mà có hàng chục bệnh nhân trẻ em. Nếu gặp những đứa trẻ này ở ngoài Trung tâm Mai Hòa thì chắc chắn mọi người không nghĩ các bé đang có H. Bởi các em cũng vui vẻ, lanh lợi, có da có thịt như bao trẻ em bình thường khác.

Thấy “nhà có khách”, các bé chạy ra chào. Thậm chí có một cô bé khoảng 7 tuổi cứ lẽo đẽo theo tôi. Cô bé sờ vào máy ảnh, túi xách, quần, áo của tôi. Rồi cô bé gọi là mẹ và nắm lấy tay tôi hôn lấy hôn để…

Là phóng viên y tế nên tôi cũng có chút kiến thức về bệnh HIV. Và tôi biết HIV chỉ lây qua 3 đường, gồm: quan hệ tình dục không an toàn, lây truyền từ mẹ sang con và lây qua đường máu. Thậm chí tôi cũng biết, lây qua đường máu là con đường có tỷ lệ lây nhiễm nhiều nhất và cũng dễ nhất. Xui một cái là trước hôm tôi tới Trung tâm Mai Hòa viết bài thì bị đứt tay, vết thương vẫn chưa kịp khô miệng, còn miếng băng dán lại bị bong ra trong lúc chạy xe máy từ quận 3 về Củ Chi. Thực lòng mà nói khi thấy cô bé hôn lên tay mình, tôi có chút hoang mang. Tuy nhiên tôi lại không thể tỏ thái độ, vì sợ đứa trẻ sẽ bị tổn thương. Đồng thời tôi cũng ngại nhân viên của trung tâm nói tôi đã kỳ thị với người nhiễm mà còn đi viết bài về trẻ có H. Bởi vậy tôi đã ngồi xổm xuống để chỉ cao bằng cô bé, rồi lấy 2 bàn tay đặt lên 2 cánh tay của cô bé từ từ vừa đẩy ra vừa tươi cười nói: “Con ra chơi với các bạn nhé, lát nữa cô sẽ chơi với con. Còn bây giờ cô phải làm việc với các cô, chú rồi”. Khi cô bé đi rồi, tôi nói với bạn nhân viên rằng muốn đi vệ sinh. Vừa vào nhà vệ sinh là tôi vội vã lấy xà bông rửa tay, tôi rửa đi rửa lại cả chục lần… Trong quá trình đó, tôi chợt nhớ đến phát biểu của bác sĩ Lê Trường Giang (lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) về khả năng lây nhiễm HIV qua đường máu giữa một đứa trẻ có H học chung trường với những đứa trẻ bình thường. Theo đó, đứa trẻ có H chỉ có thể lây virus HIV cho bạn trong trường hợp nó cắn bạn sâu và gây chảy máu nhiều. Nhờ nghĩ đến phát biểu này mà tôi đã tự trấn an bản thân là việc cô bé có H hôn lên tay tôi sẽ không sao cả. Dù vậy để an toàn hơn tôi vẫn phải lấy băng dán vết thương lại…

Gần 5 tiếng đồng hồ trò chuyện với các nhân viên của Trung tâm Mai Hòa, những người nhiễm HIV đang điều trị tại đây và quan sát các bé có H học chữ, chơi đùa, ăn uống, cái nhìn của tôi về những trường hợp không may này đã bớt ác cảm. Có những trường hợp vì lầm đường lạc lối mà vô tình nhiễm phải căn bệnh thế kỷ và họ đang cố gắng sống những năm tháng còn lại của cuộc đời có ý nghĩa hơn. Cũng có những trường hợp nhiễm HIV là do tai nạn và họ là nạn nhân. Riêng với các bé có H đang được nuôi dưỡng ở đây đều lây từ mẹ. Và các bé bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng, chính vì vậy mà chúng rất cần tình thương của cha mẹ. Có lẽ đấy cũng là lý do mà cô bé đó cứ lẽo đẽo theo tôi và gọi tôi là mẹ…

2.Lần thứ 2 tôi viết về trẻ có H là khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Thời điểm đó bệnh viện điều trị ngoại trú (khám, phát thuốc, tham vấn kỹ năng sống…) cho các bé có H ở TP.HCM.

Tại đây tôi đã gặp một cậu bé có H đến khám và nhận thuốc ARV. Theo lời kể của người bà  thì cậu bé không có cha; sau khi sinh con, người mẹ bỏ cậu lại cho bà ngoại rồi đi đâu không ai biết. Bà ngoại không có công việc ổn định mà sống bằng nghề lượm lặt ve chai. Từ nhỏ, cậu bé đã bắt đầu lửng thửng theo bà tới hết đống rác nhỏ này đến bãi rác to khác để bươi rác tìm ve chai. Số tiền kiếm được từ bán ve chai cũng chỉ đủ cho hai bà cháu rau cháo qua ngày. Còn chỗ ở thì được mấy người khó khăn ít hơn cho ở ké. Chuyện học hành lại càng xa vời đối với cậu bé. Thứ nhất là cậu bé có H nên không trường nào dám nhận, vì nhà trường có nhận thì những phụ huynh khác cũng không chịu. Đó là chưa kể tiền đâu để đóng học phí, mua sách vở… Bởi vậy cậu bé chỉ biết được năm bảy chữ, đếm được vài con số từ những người hàng xóm tốt bụng dạy cho.

Năm cậu bé lên 6 tuổi thì bắt đầu tách khỏi bà ngoại để đi lượm ve chai. Vì hai bà cháu đi 2 hướng thì sẽ lượm được nhiều ve chai hơn, điều này cũng đồng nghĩa có nhiều tiền hơn. Nhưng cuộc đời lại một lần nữa không ngọt ngào với đứa trẻ bất hạnh này. Một lần vào công viên đi nhặt ve chai, cậu bé đã đạp trúng kim tiêm. Khoảng 2 tháng sau đó thì cậu bé bị sốt, đau họng, ho khan, phát ban, sụt cân nên bà ngoại đưa cậu bé đi khám. Sau các xét nghiệm và điều tra dịch tễ, các bác sĩ cho biết cậu bé đã có H.

Hôm tôi gặp bà cháu họ thì cậu bé đã 10 tuổi, nghĩa là gần 4 năm qua cậu bé phải sống chung với H. Phải uống thuốc ARV mỗi ngày và thường xuyên phải chịu những tác dụng phụ của thuốc như nôn ói, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, nổi ban đỏ và ngứa… Cuộc sống khó khăn của hai bà cháu từ ngày cậu bé có H càng trở nên khốn khó hơn.

Hơn 20 năm làm báo, tôi đã gặp rất nhiều những đứa trẻ có H. Những đứa trẻ đó đã cho tôi một cái nhìn khác về căn bệnh thế kỷ này. Và tôi nhận ra những người kỳ thị người có H mới thật sự đáng bị kỳ thị…

Hòa Triu

 

 

Bình luận (0)