Dạy những tác phẩm cổ điển này “khổ” cho cả người dạy lẫn người học. Khi người dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh, các em khó tiếp nhận (có thể nói rằng rất ít học sinh có thể cảm nhận được hồn của bài thơ) nên hiệu quả không cao. Thế nhưng trong chương trình sách Ngữ văn 7 hiện hành có rất nhiều tác phẩm văn không phù hợp với thời đại, lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh. Học sinh phải “gánh” nhiều tác phẩm cổ điển quá sức của mình nên các em dễ “đuối”, tiết học trở nên nhàm chán cho cả thầy và trò.
Ở chương trình học kỳ 1 có quá nhiều thơ của những nhà thơ nổi tiếng đời Đường và những bài thơ được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm theo thể thơ Đường. Học sinh phải tiếp cận với 13 tác phẩm và đoạn trích (trong đó có 8 tác phẩm và đoạn trích thơ Đường luật của văn học Việt Nam và 5 tác phẩm thơ Đường của Trung Quốc). Đây là những tác phẩm cổ điển tiêu biểu của văn học Việt Nam và Trung Quốc nhưng rất khó tiếp cận được cái hay, cái đẹp bởi trình độ học sinh lớp 7 và thời đại khác xa. Chẳng hạn như những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường: “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư sơn bộc bố), “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” (Tĩnh dạ tứ) của Lý Bạch, “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” (Hồi hương ngẫu thư) của Hạ Tri Chương, “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” (Mao ốc vị thu phong sở phá ca) của Đỗ Phủ. Những bài thơ này rất hay và ý nghĩa, thế nhưng thời đại ngày nay khác xưa rất nhiều ở nhiều phương diện, trình độ học sinh chỉ mới lớp 7 thì không thể hiểu và cảm nhận sâu sắc về tác phẩm. Có chăng dạy các tác phẩm này cho các em khác nào “cưỡi ngựa cũng chẳng xem được hoa”. Hay tác phẩm “Bánh trôi nước” và đoạn trích “Sau phút chia ly” lại càng không phù hợp với trình độ của học sinh. Học sinh khó cảm nhận được thân phận “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát” để cảm thương sâu sắc cho thân phận phụ nữ cũng như trân trọng vẻ đẹp trong trắng, son sắt của họ. Và học sinh càng không thể cảm nhận được nỗi sầu chia ly, tố cáo chiến tranh phi nghĩa cũng như niềm khát khao hạnh phúc của người chinh phụ. Giáo viên có kinh nghiệm thế nào cũng rất khó giảng để chạm được trái tim của các em. Bên cạnh đó, chương trình học kỳ 2 cũng có nhiều bất cập. Chẳng hạn văn bản đưa vào văn bản đọc thêm “Có hiểu đời mới hiểu văn” (Theo Nguyễn Hiến Lê, “Hương sắc trong vườn văn”) cũng không phù hợp lứa tuổi. Văn bản này nên đưa vào chương trình THPT, nhất là trình độ lớp 12.
Không riêng gì sách Ngữ văn 7. Nhiều văn bản trong chương trình ngữ văn bậc THCS và THPT hiện nay quá nhiều bất cập. Kiến thức nặng, nhiều bài quá lạc hậu và xa rời thực tế. Cần sớm thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa để nền giáo dục Việt Nam ngày càng vững bước, bởi không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ. Sách giáo khoa của nhiều bộ môn cần phải sớm thay đổi. Có thay đổi chương trình phù hợp thì mới thay đổi được phương pháp mới. Còn với những tác phẩm cổ điển không nên đưa nhiều vào chương trình. Nếu được, hãy cho một vài tác phẩm tiêu biểu nhất để đưa vào lứa tuổi phù hợp, nhất là bậc THPT.
Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THCS –
THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)