“Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì chia sẻ thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin”… Một chuyên gia truyền thông chia sẻ với hơn 100 sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trong một buổi nói chuyện mới đây về báo chí, truyền thông thời công nghệ số.
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng
Thách thức chuyển đổi số
Tại buổi nói chuyện, diễn giả đã dành thời lượng khá lớn lắng nghe người nghe là những sinh viên mới tiếp cận kiến thức về báo chí, truyền thông thu nhận được ở năm thứ nhất bậc đại học. Bạn Ngọc Thảo đặt câu hỏi: “Đầu ra của các tờ báo thời công nghệ số, từ đâu ạ?”. Minh Hiếu, tiếp lời Thảo: “Báo chí tiếp cận người đọc từ đâu, trên các nền tảng số hay tại các sạp báo?”. Một nữ sinh viên khác hỏi: “Quy trình kiểm duyệt báo chí ngày nay có gì khác so với báo chí những năm đầu thế kỷ XX?”… Những câu hỏi nặng về kiến thức lịch sử báo chí và lý thuyết báo chí chuyển đổi số trong các bài giảng ở giảng đường đại học, cho thấy thực tế báo chí thời công nghệ số đến chưa nhiều đối với nguồn lực báo chí, truyền thông trong tương lai. Đưa ra góc nhìn thực tế của một tờ báo tại TP.HCM vào thời đỉnh điểm trước kia có số phát hành mỗi ngày hơn 400 ngàn tờ, thì nay chỉ còn trên dưới 10 ngàn tờ/ ngày. Hay số sạp báo hiện nay từ chỗ hàng trăm và hàng ngàn người bán báo dạo mỗi buổi sáng, thì nay chỉ còn vài chục người bán tại các trục đường lớn hay nơi công cộng với số báo đến được bạn đọc rất ít. “Các nền tảng số trên không gian mạng đã làm thay người bán báo, giúp báo chí đưa những trang báo nóng hổi thời sự đến người dân ở mọi lúc, mọi nơi và nhanh nhất có thể. Một lượng lớn quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của hàng ngàn doanh nghiệp, tổ chức cũng đi theo con đường này và đã tạo ra doanh thu khá lớn nuôi sống các tờ báo”. Diễn giả giải đáp. “Thế còn kiểm duyệt báo chí của các cơ quan chức năng theo cách nào ạ?”. Bạn nữ sinh viên lặp lại câu hỏi. “Báo chí những năm đầu thế kỷ XX đã trải qua hơn một thế kỷ nay rồi. Quy trình kiểm duyệt báo chí những năm qua, và đặc biệt ở thời công nghệ số là chính người dân thông qua các nền tảng số. Quy trình kiểm duyệt của cơ quan chức năng đã không còn từ rất lâu ở Việt Nam chúng ta”, diễn giả chia sẻ.
“Đào tạo nguồn nhân lực phải bằng nhiều cách. Thứ nhất là khơi dậy nhận thức của từng phóng viên. Nếu chuyển đổi số là yếu tố con người, thì trong con người phải là chính nội tại phóng viên, nhận thức được sự nắm bắt công nghệ để không bị tụt hậu. Sau đó đến vai trò của tòa soạn rất quan trọng. Tòa soạn phải tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, trải nghiệm thực tế, giao việc, kiểm tra, động viên, khuyến khích, khen thưởng các tập thể, cá nhân đã chủ động chuyển đổi số. Từng bộ phận phải tạo nên không khí chuyển đổi số cho tòa soạn”. (Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) |
Ở một góc nhìn khác của sinh viên báo chí, truyền thông đặt ra trong thực tế hiện nay về chuyển đổi mô hình sản xuất, xuất bản báo chí, và đặc biệt là truyền thông hội tụ, cũng cho thấy khoảng cách giữa thực tế với đào tạo nguồn lực báo chí cho tương lai. Khi nói về tác động, ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội với báo chí và đặc biệt với truyền thông hội tụ, Chuyên gia truyền thông, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, chia sẻ: “Công nghệ số đã thay đổi, phát triển quá nhanh, quá lớn, và sự tác động của nó với xã hội, với đời sống người dân cũng đang rất lớn. Công nghệ số đã đã xóa nhòa ranh giới giữa các loại hình báo chí. Báo chí hiện chỉ còn mang tính nội dung, trong khi truyền thông trên các nền tảng số truyền dẫn đi thông tin, hình ảnh, giọng nói mang tính tương tác cao, không còn ranh giới và những hạn chế giữa công nghệ và kỹ thuật truyền dẫn. Bản chất của báo chí đã không có những ranh giới giữa hình thức của báo chí truyền thống như trước nữa, mà nó chỉ còn tài năng và nội dung mà báo chí thể hiện ra. Các cơ quan báo chí mà tập trung đầu tư vào công cụ sản xuất, cộng với năng lực, tài năng của con người thì sẽ đạt được hiệu quả cao trong tuyên truyền”.
Gắn báo chí truyền thống với công nghệ số
Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/ 21-6-2024) là dịp để báo chí TP.HCM nhìn lại lịch sử báo chí từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, tròn gần nửa thế kỷ với những phát triển vượt bậc. Người đọc hiện nay đã thay đổi cách tiếp cận thông tin. Nhu cầu tiếp cận thông tin lúc nào cũng có, nhưng cách tiếp cận thì người dân mong muốn nhanh hơn, thuận lợi hơn. Thời bùng nổ thông tin trên không gian mạng đã giúp báo chí nắm bắt được yêu cầu của người dân. Đến các tòa soạn báo sẽ thấy được không khí làm việc hiện đại hơn, nhanh nhẹn hơn, bám sát được hơi thở cuộc sống. Sự chuyển động này luôn gắn giữa truyền thống với xu thế phát triển của chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày, từng giờ với yêu cầu ngày một cao.
Có thể khẳng định, thời công nghệ số cho thấy đã lấy đi một số việc cũ nhưng trong thực tế lại tạo ra rất nhiều việc mới. Chính vì vậy, báo chí phải làm những việc mới trên nền tảng của công nghệ mới. Thực tế đặt ra với báo chí thời công nghệ số hiện nay so với báo chí truyền thống là một không gian rộng hơn nguyên lý “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”. Bởi hiện nay, độc giả mong muốn biết những gì ở sau những tin tức kia. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước ở hiện tại và trong tương lai.
Nhà báo Phạm Hoài Nam
Bình luận (0)