Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giúp trẻ có niềm vui ngày Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Tết là một dịp đặc biệt trong năm mà với mỗi người có thể có những trải nghiệm khác nhau. Với trẻ nhỏ, những ấn tượng thuở ấu thơ về ngày Tết chắc không chỉ để lại những trải nghiệm, những ký ức mà còn góp phần tác động đến việc hình thành nhân cách.

Bởi, một đứa trẻ lớn lên không có những cái Tết đầm ấm, sum họp gia đình hoặc trong cảnh túng thiếu sẽ có trải nghiệm kém vui hơn nhiều so với một đứa trẻ lớn lên qua những cái Tết đoàn viên, vui vẻ; cũng vì vậy, tính tình của hai đứa trẻ đó chắc cũng có sự khác nhau mà liên quan từ việc được sống qua những ngày Tết thuở nhỏ. Do đó, gia đình, nhà trường nên quan tâm đến việc tạo điều kiện cho trẻ được ăn Tết, chơi Tết, vui Tết một cách thực sự, mà cái ăn, cái chơi đó thực sự trở thành cái vui và ý nghĩa.

Ngày Tết trước hết là ngày sum họp, đoàn viên. Cha hoặc mẹ đi làm ăn, đi công tác xa thì ngày Tết cần thu xếp về nhà để vợ chồng con cái đầm ấm bên nhau. Hẳn nhà nào mà ngày Tết khuất hẳn bóng người chồng, người cha hoặc người vợ, người mẹ thì không khí Tết trầm hẳn xuống, tiếng nói tiếng cười không còn rộn rã. Do đó, tránh vì mải mê kiếm tiền hoặc hờn giận nhau mà ngày Tết không ở gần bên gia đình, con cái. Trong ngày Tết, những đứa trẻ được cùng cha mẹ đến chúc Tết họ hàng hoặc đi tham quan, du lịch thì hẳn là những ngày vui. Tất nhiên, gia đình trong trường hợp có người nhận nhiệm vụ đặc biệt (như đang thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng ở nơi biên giới, hải đảo…) thì tuy kém vui nhưng bù lại được sự quan tâm của các cấp và mỗi thành viên trong gia đình lại được thấy tự hào khi đang hy sinh niềm vui riêng để mọi người được niềm vui chung.

Ngày Tết cũng là ngày thăm viếng họ hàng, đặc biệt là ông bà, những người thân thuộc. Nhìn chung, bây giờ nhiều gia đình phải đi xa quê nên con cháu không được gần ông bà; nhiều gia đình có bên nội ở một nơi, bên ngoại ở một nơi không gần nhau; vì vậy, bình thường trẻ rất khó có điều kiện để được gặp ông bà. Do đó, ngày Tết là dịp để các gia đình về quê gần gũi với ông bà, họ hàng và những người thân khác; mỗi gia đình nên cố gắng thu xếp thăm ông bà vào dịp Tết, nếu nội ngoại ở xa nhau thì cũng nên cố gắng xen kẽ hàng năm để trẻ được về quê nội ngoại. Sự thăm viếng đó không chỉ để nhìn nhận bà con, phân biệt vai thứ mà còn để thắt chặt tình quyến thuộc, tạo sự gắn kết và trách nhiệm của trẻ đối với họ hàng, dòng tộc. Nhất là với những dòng họ thường thực hiện các nghi lễ đặc biệt vào dịp Tết, việc trẻ được dự các sinh hoạt đó cũng là cách hun đúc tình cảm gia đình, quê hương, từ đó trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm với những việc làm thiết thực.

Ngày Tết còn là dịp thực hiện một số tập quán, nghi thức có tính truyền thống mang đậm bản sắc từng dân tộc. Chẳng hạn, trước Tết có hoạt động tảo mộ, là dịp trẻ được biết đến phần mộ của ông bà, của gia tộc, từ việc xác định mộ ở đâu, mộ như thế nào cho đến tạo những ấn tượng đầu tiên về việc xây dựng mộ, việc quan tâm, chăm sóc các phần mộ… Ngày trước, nhiều mộ chỉ đắp đất nên qua một năm nấm mộ bị mưa gió bào mòn, cỏ dại mọc nhiều nên cần phải dẫy cỏ, đắp thêm nấm; bây giờ nhiều mộ được xây kiên cố nhưng thời gian cũng làm hư hỏng, bong tróc, nên cần sơn sửa lại. Hay trong dịp Tết còn có một số nghi thức mang đậm văn hóa của dân tộc như đưa ông Táo về trời, rước ông bà, cúng giao thừa, tiễn ông bà, hạ cây nêu, cúng tất… Với một số gia đình có nền nếp tốt, trong dịp này người chủ gia đình thực hiện các nghi thức một cách trang trọng với áo dài khăn đóng, hương đèn, mâm quả… và huy động các thành viên có mặt đầy đủ, thì chính là dịp để trẻ học được những lễ nghi cần thiết và sau này duy trì nền nếp đó. Ngay cả tập tục mừng tuổi đầu năm mới cũng phải xem là một tập tục tích cực, đó là dịp để mọi người mừng tuổi nhau và chúc nhau may mắn – người lớn lì xì để trẻ mau lớn, học giỏi; còn người trẻ mừng tuổi người lớn bằng một khoản tiền là để chúc thọ, mong ông bà sống lâu, sống khỏe, vui vầy với con cháu… Những ý nghĩa đó cần được chỉ bảo đầy đủ, rõ ràng với trẻ chứ đừng để trẻ xem việc nhận lì xì như là một cách “xin tiền”.

Ngưi ln có th giúp tr ln thêm lên, trưng thành hơn sau ngày Tết, không ch có thêm mt tui, mà còn có thêm nhng suy nghĩ, nhn thc mi chín chn hơn!

Hiện nay, ngày Tết còn trở thành ngày vui với nhiều hoạt động tham quan, du lịch, thưởng lãm, tín ngưỡng… Do đó, trẻ cũng cần được hướng dẫn, chỉ bảo thực hiện những điều đúng đắn, tránh sự tùy tiện, thoải mái quá đáng. Trong việc này, người lớn cần phải làm gương với cách ứng xử đúng mực. Chẳng hạn, khi đi lễ chùa, cần có cách hành lễ phù hợp, tránh có hành vi khiếm nhã nơi tôn nghiêm, tránh bẻ cành cây để lấy lộc, tránh hoạt động vụ lợi, “buôn thần bán thánh”…, nhất là thể hiện điều đó trước mặt trẻ. Hay khi đi tham quan, phải dạy cho trẻ cách thưởng lãm phù hợp, tránh hái hoa hoặc làm hư hại hoa kiểng, vật trang trí, tránh để lại dấu tích ở nơi đặt chân đến… Khi ra nước ngoài, những điều đó càng phải lưu ý, không chỉ để tránh rắc rối với pháp luật nước sở tại mà còn không tạo ra hình ảnh xấu của người Việt Nam với bạn bè…

Trong việc này, trách nhiệm của gia đình dĩ nhiên là rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà trường cũng có ý nghĩa không kém. Trong các sinh hoạt của trường, của lớp, trong các hoạt động ngoại khóa chuẩn bị đón năm mới, giáo viên cũng nên có những định hướng phù hợp để học sinh có những suy nghĩ, những gợi mở về ngày Tết, như giá trị văn hóa, ý nghĩa về mặt tinh thần, tác động đối với xã hội… của ngày Tết cổ truyền, cũng như trách nhiệm của bản thân, những ý niệm về tương lai trong những ngày vừa vui vẻ vừa có ý nghĩa đặc biệt này.

Xu hướng chung là ngày Tết càng vui hơn nhưng có một số nền nếp truyền thống của dân tộc dần phai nhạt. Để góp phần gìn giữ những nét đẹp trong ngày Tết, trẻ cần được chỉ bảo, hướng dẫn và tham gia các hành động vui Tết một cách phù hợp và tích cực. Ngày Tết với mỗi đứa trẻ thực sự là những ngày lễ vui tươi, an lành và có ý nghĩa giáo dục. Do đó, người lớn phải chuẩn bị đón Tết một cách tích cực và phù hợp với điều kiện cụ thể của gia đình mình, của địa phương mình, không chỉ để gia đình có một cái Tết yên vui mà còn góp phần hình thành nhân cách cho con em của mình.

Và qua đó, người lớn có thể giúp trẻ lớn thêm lên, trưởng thành hơn sau ngày Tết, không chỉ có thêm một tuổi, mà còn có thêm những suy nghĩ, nhận thức mới chín chắn hơn!

Nguyn Minh Hi

 

Bình luận (0)