Bài thơ “Trong lời mẹ hát” của nhà thơ Trương Nam Hương được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 (bộ Chân trời sáng tạo) thể hiện nỗi lòng của người con khi nhớ về tuổi thơ ấm áp trong lời ru dịu dàng của mẹ. Lời ru ấy trở thành cội nguồn yêu thương, là ước mơ chắp cho con đôi cánh để bay về tương lai phía trước.
Lời ru của mẹ chòng chành, đong đưa theo nhịp võng (ảnh minh họa). Ảnh: IT
Lời ru của mẹ vừa bình dị, đơn sơ nhưng cũng lớn lao và cao đẹp lạ thường, nhờ đó đã đưa con đi cùng đất nước thiêng liêng và cuộc đời rộng lớn. Bài thơ có tám khổ, có thể chia thành ba phần: ba khổ đầu là những hình ảnh bình dị, thân thương của quê hương, đất nước hiện lên qua lời ru của mẹ; bốn khổ tiếp gợi tả hình tượng người mẹ qua lời ru thiết tha, sâu lắng; khổ kết khái quát và nêu bật ý nghĩa lời ru của mẹ đối với cuộc đời con. Tuy nhiên, các phần trong bài thơ vẫn có sự xuyên thấm và giao hòa cảm xúc, tâm tình qua từng ý thơ, khổ thơ như một mạch ngầm bắt nguồn từ cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Trong khổ thơ mở đầu, tác giả sử dụng thủ pháp so sánh, ẩn dụ để miêu tả lời ru của mẹ. Quả vậy, tuổi thơ của con chở đầy lời ru thăm thẳm, dịu dàng và thiết tha của mẹ. Lời ru ấy chứa đựng biết bao câu chuyện cổ tích, ngọt ngào như dòng sông để đưa con đi cùng đất nước mến yêu, tươi đẹp và bình dị. Lời ru của mẹ chòng chành, đong đưa theo nhịp võng. Mẹ ru con bằng những lời ca dao yêu thương, tình nghĩa, nhờ đó con lớn lên biết được cội nguồn, thấu hiểu lẽ đời từ những gì mẹ trao truyền qua khúc hát ru nôi:“Tuổi thơ chở đầy cổ tích/ Dòng sông lời mẹ ngọt ngào/ Đưa con đi cùng đất nước/ Chòng chành nhịp võng ca dao”.
Trong lời ru của mẹ, người con bắt gặp biết bao hình ảnh thân thương, bình dị của đồng quê, thôn xóm nước Việt mến yêu: một cánh cò trắng, một dải đồng xanh, một vàng hoa mướp và cả hình ảnh “con gà cục tác lá chanh”. Tất cả cứ chấp chới hiện về trong ký ức tuổi thơ con hồn nhiên, trong sáng: “Con gặp trong lời mẹ hát/ Cánh cò trắng, dải đồng xanh/ Con yêu màu vàng hoa mướp/ “Con gà cục tác lá chanh””.
Không những thế, trong lời ru ngọt ngào của mẹ, tuổi thơ con hiện ra với xóm làng thân thuộc nhưng cũng đầy huyền thoại. Khóm trúc bên hiên nhà, lùm tre trên con đường làng xanh biếc. Đó cũng là vũ khí làm nên chiến công của chàng Gióng anh hùng đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ Tổ quốc. Đẹp nhất là hình ảnh ẩn dụ “Vầng trăng mẹ thời con gái” hiện ra lung linh tỏa sáng như vẻ đẹp dịu hiền, tình yêu của mẹ cha “vấn vít dây trầu” và thơm ngát hương cau ngập tràn kỷ niệm: “Khóm trúc, lùm tre huyền thoại,/ Lời ru vấn vít dây trầu,/ Vầng trăng mẹ thời con gái,/ Vẫn còn thơm ngát hương cau”.
Trong lời ru của mẹ, con lắng nghe biết bao nỗi đời vất vả, gian lao mà mẹ đã từng trải qua. Con nghe tiếng chày giã gạo của mẹ mỗi đêm khuya để làm ra hạt gạo nuôi con khôn lớn nên người. Con nghe cánh đồng dập dờn sóng lúa, thương mẹ một mình dãi nắng dầm mưa. Tuy cuộc sống nhiều gian khổ, nhưng mẹ vẫn giàu tiếng ru nôi, giàu tình thương con vô hạn. Phép điệp “con nghe…” ở hai khổ thơ bốn và năm đã tạo âm hưởng luyến láy như thể nhà thơ tự nhắn nhủ với chính mình và gửi thông điệp đến mỗi người, đồng thời tạo nhịp thơ ngân nga, vang vọng như nhịp điệu ru nôi. Các hình ảnh thơ ở đây cũng giàu sức gợi nhờ khả năng liên tưởng mang nét riêng trong ngòi bút của Trương Nam Hương: “Con nghe thập thình tiếng cối/ Mẹ ngồi giã gạo ru con/ Lạy trời đừng giông đừng bão/ Cho nồi cơm mẹ đầy hơn…/ Con nghe dập dờn sóng lúa/ Lời ru hóa hạt gạo rồi/ Thương mẹ một đời khốn khó/ Vẫn giàu những tiếng ru nôi”.
Tiếp nối mạch thơ khắc họa hình tượng người mẹ, hai khổ thơ sáu và bảy hiện ra một người mẹ nghèo lam lũ, cơ cực và chịu nhiều hy sinh qua chiếc áo “bạc phơ bạc phếch”, “bục mối chỉ sờn” và màu tóc “trắng đến nôn nao”. Đời mẹ là vậy, không có lấy một tấm áo lành lặn dành riêng cho mình, chỉ có lời ru vẫn thảo thơm nguyên vẹn xuyên thấu thời gian. Một ngày bất chợt, con giật mình nhận ra mẹ mình đã già, lưng còng tóc bạc để cho con được trưởng thành, khôn lớn: “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch/ Vải nâu bục mối chỉ sờn/ Thương mẹ một đời cay đắng/ Sao lời mẹ vẫn thảo thơm”.
Nhà thơ Trương Nam Hương sinh ngày 23-10-1963 tại Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội và vào TP.HCM từ năm 12 tuổi. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM; từng biên tập sách ở Nhà xuất bản Công an nhân dân, làm Báo An ninh Thế giới. Nguyên ủy viên Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII và khóa IX); nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn TP.HCM 3 khóa, từ 2000 đến 2015); nguyên Trưởng ban Công tác hội viên Hội Nhà văn TP.HCM khóa VII (2015-2020). Hiện tại ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn TP.HCM VIII, 2021-2025). |
Hình ảnh nhân hóa và nghệ thuật đối lập là hai biện pháp tu từ chính trong khổ thơ thứ bảy. Thời gian vốn vô hình bỗng hóa hữu hình, biết “chạy qua tóc mẹ” khiến cho con cảm tưởng sao tháng năm đi qua nhanh quá, mới đó mà mẹ đã già để rồi thảng thốt khi nhìn trên tóc mẹ đã nhiều sợi bạc, lưng mẹ đã còng xuống nhiều hơn. Nghệ thuật đối lập giữa áo mẹ bạc phếch và lời ru thảo thơm, tấm lưng mẹ còng xuống và con ngày thêm cao lớn đã biểu đạt sâu sắc tình cảm, cảm xúc của nhà thơ về sự hy sinh lớn lao của mẹ: “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao/ Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao”.
Đến khổ thơ cuối bài, mạch cảm xúc “Trong lời mẹ hát” khép lại nhưng được nhà thơ liên tưởng khái quát hơn, sâu hơn và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Không để lại tiền tài, vật chất, mẹ chỉ cho con lời ru như đôi cánh thiên thần để con đi cùng trời cuối đất, thấu suốt cuộc đời rộng lớn mênh mông: “Mẹ ơi trong lời mẹ hát/ Có cả cuộc đời hiện ra/ Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa”.
Toàn bộ bài thơ “Trong lời mẹ hát” được viết theo thể thơ sáu tiếng, gieo vần gián cách đã tạo nhịp điệu đều đều, êm ả như tiếng ru nôi. Đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm, Trương Nam Hương sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như: cổ tích, nhịp võng ca dao, cánh cò, đồng xanh, hoa mướp, dây trầu, vầng trăng, sóng lúa, hạt gạo, vải nâu, chỉ sờn, cay đắng, thảo thơm… đã diễn tả tinh tế, sâu sắc cuộc đời vất vả, gian nan và sự hy sinh vô cùng lớn lao của mẹ. Bài thơ nhờ đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, gợi cảm xúc yêu thương thành kính đối với người mẹ của tất cả những ai sống ở trên đời.
Lê Thành Văn
Bình luận (0)