Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm đề thi môn địa lý chú ý đến “từ khóa” trong câu hỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là gợi ý của cô giáo Phạm Thị Ái Vân – giáo viên môn địa lý Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nhằm giúp các em học sinh hoàn thành tốt bài thi môn địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.


Theo cô giáo Phạm Thị Ái Vân, cần chú ý đến “từ khóa” trong các câu hỏi của đề thi môn địa lý 

Cô Ái Vân cho rằng, đầu tiên các em học sinh cần phải tìm được “từ khóa” quan trọng trong mỗi câu hỏi. Đây chính là điểm cốt lõi để học sinh trả lời được câu hỏi. Mỗi khi đọc câu hỏi xong, xác định được từ khóa học sinh phải gạch chân “từ khóa” để làm nổi bật từ khóa trong câu hỏi. Từ đó, giúp học sinh định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ khóa ấy, nhanh chóng chọn được đáp án đúng và bỏ đáp án sai.

Biết phương pháp phán đoán, loại trừ: khi học sinh không có một đáp án thực sự chính xác thì phương pháp phán đoán loại trừ cũng là một cách hữu hiệu giúp các em tìm ra câu trả lời đúng. Có thể thay vì đi tìm đáp án đúng, các em sẽ đi tìm phương án sai… Đó cũng là một cách loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.

Hãy sử dụng Atlat, làm câu Atlat thật chắc: nếu không nhớ một câu lý thuyết nào đó, hãy sử dụng Atlat một cách triệt để để tìm được câu trả lời đúng. Chuẩn bị đúng Atlat được Bộ GD-ĐT cho phép mang vào theo chương trình GDPT 2006, lưu ý tránh cầm Atlat của chương trình GDPT mới 2018 (Atlat chương trình GDPT 2018 dành cho thí sinh tham dự kỳ thi năm 2025 và các năm về sau).

Trong quá trình sử dụng Atlat cần nắm chắc hệ thống các ký hiệu. Cụ thể, nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp… ở trang 3 của quyển Atlat. Trên mỗi trang Atlat cũng có những kí hiệu đặc thù riêng.

Xác định rõ câu hỏi để có thể dùng Atlat: tất cả các câu hỏi có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó… đều có thể dùng Atlat. Những câu hỏi yêu cầu sử dụng Atlat luôn, thì xác định rõ sử dụng trang nào của Atlat để tìm kiếm và xử lí thông tin.

Biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat: thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn…), cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.

Kết hợp các bản đồ trong Atlat cho một câu hỏi: trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, có thể xác định những trang bản đồ trong Atlat cần thiết dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat.

Thông thường, đề thi môn địa lý có 40 câu hỏi, phân theo mức độ từ nhận biết đến mức độ vận dụng cao. Trong đó, 21 câu hỏi liên quan đến những kiến thức địa lí mà học sinh đã được học trong sách giáo khoa lớp 11, 12, và 19 câu hỏi liên quan đến các kỹ năng địa lý thực hành trên Atlat, bảng biểu. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Vì vậy, các em học sinh chú ý phân bố thời gian hợp lý, làm bài theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau” để lấy được điểm các phần mình chắc chắn.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)