Trường ĐH CMC thông báo thành lập khoa Vi điện tử và Viễn thông, vị trưởng khoa đầu tiên của khoa này là TS Đặng Minh Tuấn, còn được gọi là 'Tuấn Vietkey'.
Năm 2024, ngành công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông thuộc Khoa Vi điện tử và Viễn thông sẽ bắt đầu tuyển sinh với dự kiến 80 chỉ tiêu trong năm đầu tiên.
Theo TS Đặng Minh Tuấn, Trường ĐH CMC có nhiều lợi thế trong việc đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Trường thuộc Tập đoàn CMC với hệ thống 11 công ty thành viên cũng như các đối tác toàn cầu đang rất "khát" nhân lực bán dẫn. Chẳng hạn như Samsung, một trong 2 nhà cung cấp, sản xuất chip hàng đầu thế giới, là nhà đầu tư lớn nhất tại CMC. Đây chính là những vị trí rộng mở cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Hiện CMC cũng đã đầu tư 2 phòng lab thiết kế vi mạch với bản quyền phần mềm từ Tập đoàn chip Synopsys, được đặt tại Trường ĐH CMC và Viện CMC ATI. Sinh viên sẽ có cơ hội thực hành với các công cụ thiết kế vi mạch chuẩn quốc tế từ sớm.
Sinh viên Trường ĐH CMC đang học tại một phòng lab của trường. LÊ QUỲNH
"Trường ĐH CMC nằm trong hệ sinh thái viện – trường – doanh nghiệp. Đây là một hệ sinh thái vô cùng mật thiết. Với việc trở thành trưởng khoa Vi Điện tử và Viễn thông kiêm Viện trưởng Viện ATI, tôi cho rằng đây là một điểm chạm để sự kết nối này càng bền chặt hơn", TS Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
TS Đặng Minh Tuấn, 58 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành toán cơ ở Học viện Quân sự VAAZ- Brno, Tiệp Khắc (nay thuộc Cộng hòa Czech); lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành cơ sở toán học cho tin học tại Viện Khoa học Công nghệ quân sự.
Ông là tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu và nhiều sản phẩm công nghệ, nhưng sản phẩm quen thuộc nhất với công chúng là bộ gõ Vietkey, một trong những phần mềm hỗ trợ gõ tiếng Việt đầu tiên. Bộ gõ Vietkey ra đời năm 2004, khi TS Đặng Minh Tuấn đang công tác tại Viện Tự động hoá Kỹ thuật quân sự, nhằm phục vụ các dự án chế bản điện tử và viễn ấn của các tòa soạn báo lớn nhất cả nước.
Sau này, khi trở thành Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ CMC, ông cùng các cộng sự tiếp tục cho ra đời gần 30 sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực AI, blockchain và vi mạch bán dẫn. Trong đó, giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS được xếp hạng top 1 tại Việt Nam và top 12 trên thế giới theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST).
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)