Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Triển khai sớm 3 luật liên quan đến bất động sản: Đảm bảo không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-8, 3 luật liên quan đến bất động sản (BĐS) gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sẽ có hiệu lực. Theo đó, thời gian 3 luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng (trước đó là ngày 1-1-2025). Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thi hành 3 luật này cũng như không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách khi điều chỉnh hiệu lực của các luật, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì 2 cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS và dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.


3 luật liên quan bất động sản có hiệu lực sớm kỳ vọng giải quyết được những bất cập của thị trường nhà, đất hiện nay

Cung cấp dịch vụ về bất động sản theo hướng số hóa

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS, GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội khóa XV – đề nghị, đối với quy định công khai thông tin về BĐS, dự án BĐS đưa vào kinh doanh và trách nhiệm xác thực thông tin, trong trường hợp doanh nghiệp (DN) không có trang web, cổng thông tin thì phải công bố trên trang web, sàn giao dịch BĐS tại khu vực có BĐS; công khai trên hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng trước khi đưa vào giao dịch và chỉ kết thúc sau khi đã hoàn thành giao dịch; trách nhiệm xác thực thông tin công bố của DN…

Về quy định dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu DN trên số vốn chủ sở hữu của DN kinh doanh BĐS, đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu quy định cụ thể tỷ lệ tổng dư nợ (tín dụng, trái phiếu) của DN trên tổng vốn sở hữu của DN kinh doanh BĐS chứ không phải trên tổng mức đầu tư của cả dự án.

Về điều kiện cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế – đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc một số tiêu chí như: Doanh thu bán, cho thuê; tổng mức đầu tư; số lượng BĐS kinh doanh trong 1 năm.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế – đề nghị Bộ Xây dựng phân cấp cho địa phương, tổ chức đủ điều kiện để đào tạo, quản lý hoạt động hành nghề môi giới BĐS; xây dựng bộ tiêu chí xác định chỉ số giá, chỉ số giao dịch BĐS, thời gian tồn kho của một BĐS phục vụ điều tiết thị trường BĐS.

TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Liên chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam – kiến nghị bổ sung loại hình nhà ở xã hội vào phạm vi cần điều tiết trên thị trường BĐS.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng để có tiêu chí hết sức cụ thể theo doanh thu đối với cá nhân kinh doanh BĐS, bổ sung quy định về cá nhân kinh doanh các BĐS hình thành trong tương lai; cơ quan soạn thảo rà soát các thủ tục chuyển nhượng BĐS hiện có, dựa trên nền tảng số, không được phát sinh thủ tục mới.

“Nghị định cần đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động sàn BĐS, cung cấp dịch vụ về BĐS theo hướng số hóa, lồng ghép các thủ tục, không phát sinh thủ tục mới; làm rõ trách nhiệm pháp lý, nội dung hoạt động, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thông tin DN, cá nhân, khả năng kết nối với các sàn BĐS khác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng khung chương trình kiến thức, điều kiện tổ chức sát hạch, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; công bố công khai, lập cơ sở dữ liệu và các chế tài xử lý vi phạm…

“Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị định theo đúng thời hạn đặt ra…”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với thực tế

Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo nghị định quy định rõ: Các địa phương không tổ chức HĐND cấp huyện thì UBND cấp huyện trình cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh để thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất thì cấp huyện căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt để tổ chức thực hiện; rà soát, sửa đổi tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất trồng cây lâu năm, đất khu công nghiệp.

Thảo luận nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho địa phương, đại diện UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị việc xác định chỉ tiêu phân bổ đất lúa cần căn cứ vào quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực; đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn có chính sách hỗ trợ người khai thác, sử dụng đất lúa; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho rằng, tiêu chí quan trọng để giao chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp cần căn cứ vào quy hoạch tỉnh, kết hợp tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM – kiến nghị, quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất (diện tích đất) nhỏ hẹp, xen kẹt cần chỉnh sửa theo hướng Nhà nước sẽ đấu giá sau khi đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, qua đó làm tăng giá trị của thửa đất (diện tích đất) nhỏ hẹp, xen kẹt.

Nhằm bảo đảm ổn định chính sách, môi trường đầu tư khi quy định về miễn, giảm tiền thuê đất (liên quan đến trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu), Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, chỉnh lý và xin ý kiến thành viên Chính phủ về chuẩn hóa khái niệm miễn, giảm tiền thuê đất; đối với các dự án đầu tư thuộc những lĩnh vực ưu tiên, địa bàn khó khăn được giao đất không thông qua đấu thầu, đấu giá, trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cho địa phương phải cụ thể, có tính định lượng, phù hợp với thực tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng bộ tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đối với từng loại đất (trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất khu công nghiệp…).

“Tinh thần là nghị định chỉ hướng dẫn những điểm mới của Luật Đất đai, chưa có trong các văn bản pháp luật và sẽ tự động hết hiệu lực khi bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành”, Phó Thủ tướng nêu nguyên tắc.

Đức Việt

 

Bình luận (0)