Cách đây gần một tuần, chị Dương (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ thuê bao MobiFone nhận được 2 tin nhắn của nhà mạng thông báo việc phải đến điểm giao dịch để đăng ký lại thông tin trước ngày 21/6. Chị rất ngạc nhiên vì đã dùng số điện thoại này gần 20 năm và cung cấp đầy đủ thông tin với nhà mạng. Chủ thuê bao gọi điện lên tổng đài thì được nhân viên nhà mạng giải thích cần bổ sung ảnh chân dung chụp tại quầy, nhằm đáp ứng quy định mới của cơ quan quản lý."Lần làm lại sim gần nhất vào khoảng 6 năm trước, tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, chứng minh thư bản photo cho nhà mạng. Không có lý do gì để nói thông tin đó là không chính xác. Khi tôi nói như vậy thì nhân viên nhà mạng lại giải thích rằng ảnh chứng minh thư của tôi mờ nên cần chụp ảnh mới", chị Dương nói.
Chủ thuê bao càng bức xúc hơn khi được thông báo nếu sau ngày 21/6, chị không đến đăng ký lại thông tin thì sẽ bị khóa một chiều, tiếp đến là 2 chiều. "Nếu doanh nghiệp khóa mạng của tôi liệu có vi phạm hợp đồng hay không? Và nếu cung cấp hình ảnh cá nhân thì liệu nhà mạng có đảm bảo an toàn thông tin cho tôi hay không?", chủ thuê bao này thắc mắc.
Trước đó, Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông đã yêu cầu nhà mạng phải lấy ảnh chân dung đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017, sau khi rà soát có thông tin không đúng quy định, doanh nghiệp có 12 tháng để bổ sung và hoàn thiện bằng cách thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng.
Hiện trong số 3 nhà mạng lớn thì có 2 đơn vị là MobiFone và VinaPhone đã tiến hành chụp ảnh với các chủ thuê bao mới đến điểm giao dịch sau ngày 24/4. Riêng Viettel cho biết, từ 24/7 tới mới chính thức triển khai.
Theo lãnh đạo VinaPhone, ảnh chụp phải do chính nhân viên hoặc điểm cung cấp dịch vụ ủy quyền của đơn vị này thực hiện khi khách hàng đến giao kết hợp đồng, tránh những trường hợp gửi ảnh về để cập nhật lên hệ thống. Ảnh chụp 100% không qua chỉnh sửa và lấy theo thời gian trên trường thông tin của file ảnh chụp khách hàng.
Tuy nhiên, đại diện nhà mạng cũng cho biết, thực tế trong 2 tháng triển khai thử nghiệm với những khách hàng mới, đơn vị này đã gặp phải khá nhiều vướng mắc. Trong đó ghi nhận nhiều chủ thuê bao có phản ứng rất gay gắt và không đồng ý cho chụp ảnh.
Đối với những thuê bao đăng ký trước ngày 24/4, MobiFone là nhà mạng đầu tiên triển khai nhắn tin thông báo với khách hàng về việc tới điểm giao dịch để chụp ảnh sau khi đơn vị này tiến hành rà soát.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên một điểm giao dịch của MobiFone tại Hà Nội cũng chia sẻ, tuy hạn rà soát và cập nhật thông tin các thuê bao cũ của nhà mạng là đến tháng 4/2018, nhưng do số lượng khách hàng lớn nên đơn vị này phải chia theo dải số ở từng giai đoạn để rà soát, nhắn tin đề nghị chủ thuê bao đến cập nhật thông tin, tránh tình trạng quá tải sau này tại các điểm giao dịch. Tuy nhiên, nhân viên này cũng cho hay, đề nghị chụp ảnh chủ thuê bao bị khá nhiều khách hàng phản ứng.
Mặc dù chưa triển khai việc nhắn tin cho các thuê bao cũ, song đại diện VinaPhone cho biết, đơn vị này tính đến phương án cho phép khách hàng gửi ảnh qua các ứng dụng và trên môi trường online. Nhà mạng này cũng đang xây dựng lộ trình nhằm cập nhật các thông tin thuê bao trước tháng 4/2018 – thời điểm bắt buộc phải hoàn thiện dữ liệu theo Nghị định 49. Để làm được điều này, VinaPhone đã tính đến các phương án như triển khai chương trình khuyến mại (tặng quà, tặng tài khoản, data…) với chủ thuê bao đến trực tiếp các điểm cung cấp dịch vụ để hoàn thiện thông tin, cử nhân viên đến gặp khách hàng để thu thập hoặc cung cấp các công cụ trên nền tảng internet để khách hàng có thể chủ động bổ sung.
Trong khi đó, nhà mạng lớn nhất thị trường là Viettel cho biết vẫn đang xây dựng phương án với nhóm chủ thuê bao cũ sau khi triển khai thử nghiệm với nhóm khách hàng mới từ ngày 24/7 tới.
Bộ Thông tin & Truyền thông lý giải, theo quy định của Nghị định 49, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại.
"Đối với người dùng mà doanh nghiệp có thông tin chính xác như (thuê bao trả sau, chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin) thì không cần chụp ảnh tại điểm giao dịch. Doanh nghiệp có thể nhận ảnh thuê bao gửi bổ sung qua mạng và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin của thuê bao đó", đại diện cơ quan này cho hay.
Trước một số ý kiến lo ngại về việc lưu trữ và bảo mật thông tin khách hàng, đại diện các nhà mạng cho biết đây không phải vấn đề đáng ngại bởi doanh nghiệp viễn thông thường có quy trình kiểm soát khá chặt chẽ.
"Chúng tôi lưu trữ ảnh chụp khách hàng và bảo mật trên cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của nhà mạng. Ngoài các mục đích trên, ảnh chụp khách hàng không được sử dụng vì bất cứ mục đích nào khác", đại diện một nhà mạng lớn khẳng định.
Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cũng nhấn mạnh, Nghị định 49 cũng quy định đến việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao trong đó có ảnh chụp.
"Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng, nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền 50-70 triệu đồng; và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", vị này nói.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 20/6, Đại biểu Nguyễn Chiến (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng về nguyên tắc dân sự, sử dụng dịch vụ hay không đều do thỏa thuận giữa hai bên. Nếu khách hàng không đồng ý thì nhà mạng không cung cấp dịch vụ. Đây là điều bình thường đối với các thuê bao mới.
Còn đối với khách hàng đã sử dụng trước khi nghị định này ra đời mà buộc phải cung cấp ảnh cá nhân là không cần thiết vì hợp đồng đã được giao kết trước khi nghị định này ra đời, không thể viện lý do không cung cấp ảnh để hủy hợp đồng. Cũng theo ông Chiến, quy định chụp ảnh đối với thuê bao di động chỉ nên áp dụng đăng ký thuê bao mới, hay thuê bao không rõ ràng về danh tính.
"Theo tôi không nên thực hiện máy móc, bắt buộc toàn bộ người dùng phải thực hiện vì trước đó đã bắt buộc đăng ký theo chứng minh thư. Chủ nhân của những thuê bao này đã có địa chỉ rõ ràng, vì vậy tổ chức chụp ảnh, lưu trữ là không cần thiết và gây tốn kém", ông Chiến nói.
Theo VnExpress
Bình luận (0)