Đây là khẳnh định được ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM) đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức mới đây tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9).
Học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cùng nhiều đơn vị khác. Bên cạnh cung cấp những thông tin hữu ích về kỳ thi THPT quốc gia 2019, chương trình còn đưa ra những giải đáp sớm về mùa tuyển sinh ĐH năm 2019.
Các trường có thể thay đổi đề án tuyển sinh vào… phút chót
Thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019, ThS. Phùng Quán cho biết nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì vậy, bộ đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT ban hành chính là cơ sở để học sinh và giáo viên tham khảo, định hướng trong việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
ThS. Phùng Quán cho biết thêm, kỳ thi THPT quốc gia 2019 hầu như giống các năm trước khi vẫn đảm bảo cả 2 mục tiêu là vừa xét tốt nghiệp, vừa dùng làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Tương tự, bài thi vẫn gồm 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là KHXH, KHTN. “Nói là tự chọn, trên nguyên tắc là học sinh có thể chọn cả 2 bài thi nhưng khuyến khích các em chỉ chọn 1 bài thi để bớt nặng nề trong quá trình học. Vì nếu chọn cả 2 bài thi thì các em bắt buộc phải hoàn thành hết 2 bài thi. Như thế sẽ rất áp lực bởi các em bắt buộc phải học hết 9 môn trong quá trình ôn tập”, ThS. Phùng Quán khuyên.
Điểm thay đổi lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo ThS. Phùng Quán, chính là phương thức xét tốt nghiệp khi dự kiến sẽ tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia lên đến 70% thay vì 50% như mọi năm. Trước thay đổi này, ThS. Phùng Quán cho rằng học sinh, nhất là những học sinh yếu càng phải cố gắng để có kết quả thi tốt, từ đó nâng tỷ lệ này lên cao thì mới có khả năng tốt nghiệp.
Đề cập đến vấn đề xét tuyển ĐH, CĐ, ThS. Phùng Quán cho rằng một điểm mới cũng đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm nay chính là Bộ GD-ĐT tăng tính tự chủ của các trường trong tuyển sinh. Vì vậy, năm 2019 nhiều trường đã mạnh dạn đưa thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới, nâng số phương thức tuyển sinh lên 5. Bên cạnh các phương thức truyền thống như sử dụng điểm thi THPT quốc gia, xét tuyển bằng học bạ, ưu tiên tuyển thẳng, tại nhiều trường còn sử dụng kỳ thi riêng, sử dụng các chứng chỉ có giá trị quốc tế… “Với phương thức dùng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển, các em cần phải đăng ký ngay trong phiếu đăng ký. Phương thức này Bộ GD-ĐT không giới hạn số nguyện vọng và các nguyện vọng cũng đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, các em chỉ nên sử dụng từ 5-6 nguyện vọng. Bởi đăng ký càng nhiều nguyện vọng thì càng loãng trong quá trình lựa chọn và học. Điều các em cần cân nhắc là các nguyện vọng yêu thích nhất phải được đưa lên hàng đầu để tránh sự tiếc nuối sau khi có điểm số”, ThS. Phùng Quán lưu ý.
Đặc biệt, theo ThS. Phùng Quán, các trường ĐH có thể thay đổi đề án xét tuyển cũng như chỉ tiêu tuyển sinh ngay sát thời gian thi. Do đó, để nắm chắc và có kế hoạch ôn tập, định hướng rõ ràng, các em cần phải theo dõi liên tục thông tin tuyển sinh của các trường mà mình quan tâm.
Nhiều trường sử dụng điểm thi năng lực của ĐHQG TP.HCM để xét tuyển
Điểm thay đổi lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo ThS. Phùng Quán, chính là phương thức xét tốt nghiệp khi dự kiến sẽ tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia lên đến 70% thay vì 50% như mọi năm. Trước thay đổi này, ThS. Phùng Quán cho rằng học sinh, nhất là những học sinh yếu càng phải cố gắng để có kết quả thi tốt, từ đó nâng tỷ lệ này lên cao thì mới có khả năng tốt nghiệp. |
Năm 2019, với vai trò tự chủ của các trường ĐH trong tuyển sinh, rất nhiều trường ĐH đã dùng thêm kỳ thi riêng để làm phương thức xét tuyển. ThS. Phùng Quán thông tin, năm nay ngoài các trường ĐH thành viên của ĐHQG TP.HCM, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM còn được 8 trường ĐH, CĐ khác sử dụng để xét tuyển, gồm: ĐH An Giang, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Lạc Hồng, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một và CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. “Kỳ thi diễn ra trong 2 đợt: tháng 3 và tháng 7. Ở đợt 1 sẽ mở cổng đăng ký thí sinh dự thi từ ngày 18-1 đến 28-2. Thời gian mở cổng đăng ký dự thi đợt 2 từ ngày 15-4 đến 31-5. Thí sinh có thể đăng ký dự thi ở đợt 1, đợt 2 hoặc cả hai đợt. Kết quả đợt nào cao nhất sẽ sử dụng làm điểm xét tuyển. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Bài thi sẽ gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Kiến thức trong bài thi là tích hợp về cả kiến thức lẫn tư duy”, ThS. Phùng Quán thông tin.
“Trồng cây cà chua đừng mong hái được… trái cam”
Chia sẻ bí quyết để bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 một cách an nhiên nhất, ThS. tâm lý Đỗ Văn Sự cho hay áp lực trong kỳ thi là điều hiển nhiên sẽ có. Và đó cũng là tâm lý hết sức bình thường của con người. Tuy nhiên, chính sự lựa chọn của các em lại quyết định “biến áp lực trở thành động lực hay trở thành nỗi sợ hãi đứng im một chỗ”. “Cách vượt qua nỗi sợ hãi tốt nhất chính là sự chuẩn bị của bản thân các em. Có rất nhiều các cơ hội đang chờ đón các em, điều quan trọng là các em phải vượt qua chính mình để nắm bắt lấy các cơ hội đó”, ThS. Đỗ Văn Sự nhắn nhủ.
Trao đổi thêm, ThS. Đỗ Văn Sự nói: “Nếu các em trồng cây cà chua, trái mà các em thu hoạch được chỉ có thể là trái cà chua. Không bao giờ là trái cam. Có nghĩa là những gì các em đánh đổi ngày hôm nay sẽ được trả công xứng đáng vào ngày mai. Vì vậy, hãy học tập, bắt đầu ngay từ ngày hôm nay để hái được trái ngọt vào ngày mai”.
Yến Hoa
Bình luận (0)