Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đầu tư học thạc sĩ: Liệu có vỡ mộng ?

Tạp Chí Giáo Dục

Một nghiên cứu công bố gần đây cho thấy có tới 47% người học thạc sĩ tại Mỹ "vỡ mộng" khi mức thu nhập sau khi tốt nghiệp thấp hơn kỳ vọng, hoặc không tương xứng với chi phí học tập đã bỏ ra.

Trong bối cảnh hiện nay ở VN, khoản đầu tư học thạc sĩ liệu có mang lại hiệu quả?

Học phí có thể hơn 100 triệu đồng/năm

Học phí (HP) chương trình thạc sĩ được quy định cụ thể trong Nghị định số 97/2023 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Theo đó, mức trần HP đối với đào tạo thạc sĩ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập được xác định bằng mức trần HP đào tạo ĐH nhân hệ số 1,5 tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ. Với quy định trên, HP chương trình thạc sĩ đắt gấp rưỡi so với bậc ĐH.

Hiện nay học phí bậc thạc sĩ đắt gấp rưỡi học phí bậc ĐH. HÀ ÁNH

Cụ thể, HP chương trình thạc sĩ tại trường ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trong năm học 2023 – 2024 thấp nhất là 18 triệu đồng/năm và cao nhất trên 36 triệu đồng/năm. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, HP từ 36 – 73,5 triệu đồng/năm. Đặc biệt, cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ toàn bộ), người học thạc sĩ phải đóng từ 45 đến gần 92 triệu đồng/năm tùy lĩnh vực đào tạo.

HP chương trình thạc sĩ tiếp tục tăng trong năm học 2024 – 2025. Trong đó, khối ngành cao nhất ở nhóm trường công lập tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư có thể trên 100 triệu đồng/năm.

Ngay trong từng trường, HP bậc cao học còn khác nhau tùy từng chương trình học. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện thu HP cao học toàn khóa năm học 2023 – 2024 mức 33 triệu đồng/năm, năm học 2024 – 2025 dự kiến thu 36 triệu đồng/năm và tiếp tục tăng lên 37,5 triệu đồng/năm trong năm học 2026 – 2027. Thạc sĩ chương trình tiếng Anh từ khóa 2021 đến nay được thu ở mức 80 triệu đồng/năm (2 học kỳ). Ở một số trường khác, các chương trình thạc sĩ đặc biệt có HP toàn khóa gần 200 triệu đồng. Ví dụ, ĐH Kinh tế TP.HCM công bố HP chương trình thạc sĩ ứng dụng cho đợt tuyển sinh 2024 ở mức 180 triệu đồng (gồm tài liệu học tập và luận văn tốt nghiệp). Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng tuyển sinh chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết với Vương quốc Anh có HP toàn khóa 179 triệu đồng… Đáng chú ý, ĐH RMIT VN công bố HP chương trình thạc sĩ năm 2024 các ngành cao nhất gần 870 triệu đồng/chương trình.

Như vậy, chỉ tính riêng HP, người học thạc sĩ tại VN hiện phải chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi khóa học trung bình 2 năm.

Tuyển dụng không phân biệt bằng ĐH và sau ĐH

Trong thực tế tuyển dụng, có những đơn vị không phân biệt ứng viên tốt nghiệp trình độ ĐH và sau ĐH.

Ông Quách Hồng Hà, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank – chi nhánh Kỳ Đồng), cho biết đơn vị này tuyển dụng chủ yếu người có trình độ ĐH và không phân biệt ứng viên có trình độ ĐH với các trình độ cao hơn. Trong đó, văn bằng tốt nghiệp cũng chỉ là một yếu tố nhỏ trong bộ lọc đầu vào gồm nhiều tiêu chí. Với các ứng viên mới ra trường, đơn vị còn thực hiện các bước tuyển dụng thông qua bài thi đến vòng phỏng vấn trực tiếp.

"Việc ứng viên có trình độ trên ĐH chỉ là điểm sáng hơn trong hồ sơ xin việc chứ không phải yếu tố quyết định trong tuyển dụng. Vietcombank cũng giống các ngân hàng khác, đã chuẩn hóa bảng mô tả các vị trí việc làm với mức thu nhập cụ thể từng vị trí. Do đó, thu nhập không dựa trên bằng cấp mà phụ thuộc vào hiệu quả từng công việc cụ thể", ông Hà nhấn mạnh.

Với người lao động đang làm việc, ông Quách Hồng Hà cho biết đơn vị khuyến khích và có chính sách hỗ trợ học tập phát triển bản thân. Tuy nhiên, việc bổ sung văn bằng tốt nghiệp cao hơn không giúp người lao động tăng thu nhập trong cùng một vị trí việc làm mà phụ thuộc vào tính chất từng công việc cụ thể.

Tuyển giảng viên: chuẩn thạc sĩ nhưng ưu tiên tiến sĩ

Giáo dục đào tạo là một lĩnh vực công việc đặc thù đòi hỏi ứng viên cần trình độ cao để đáp ứng yêu cầu công viêc. Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), trình độ tối thiểu các chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ. Nhưng cũng được quy định trong luật này, cơ sở giáo dục ĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên.

Nhiều trường ĐH hiện ưu tiên tuyển dụng người tốt nghiệp tiến sĩ vào làm giảng viên. K.P

Nhiều trường ĐH hiện chỉ tuyển dụng người tốt nghiệp tiến sĩ vào làm giảng viên. Ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ chỉ được tuyển cho ngạch chuyên viên hoặc ngạch giảng viên một số ngành đang thiếu.

PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết hầu hết các ngành của trường hiện chỉ tuyển giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Ứng viên có trình độ thạc sĩ, trường chỉ tuyển ở một số ngành cần có kinh nghiệm thực tiễn, ứng dụng gắn với chương trình đào tạo (như: thiết kế, truyền thông…). Đó là những ngành mới cần nhân lực chủ chốt để đào tạo hoặc một số ứng viên xuất sắc có trình độ thạc sĩ để xây dựng đội ngũ lâu dài. Tuy nhiên, trường ưu tiên tuyển thạc sĩ từng học ĐH tại ĐH Kinh tế TP.HCM trước đó. Theo mức thu nhập tham khảo được công bố trên website, ĐH này đang trả từ 20 – 35 triệu đồng/tháng cho giảng viên trình độ thạc sĩ tùy số năm công tác (thấp hơn trình độ tiến sĩ khoảng 5 triệu đồng khi tiến sĩ được trả thấp nhất 25 triệu đồng/tháng và cao nhất 40 triệu đồng/tháng tùy năm công tác). Cùng trình độ thạc sĩ nhưng ngạch chuyên viên có thu nhập thấp hơn từ 15 – 24 triệu đồng/tháng.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng cho biết trường hiện chỉ tuyển thạc sĩ cho một số ngành mới, ngành chưa có đào tạo tiến sĩ tại VN như: công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng…

"Trường khuyến khích người lao động chưa có bằng thạc sĩ học tập nâng cao trình độ. Khi có bằng thạc sĩ, hệ số lương và phụ cấp cao hơn trình độ ĐH khoảng 1/4 lần. Ngoài thu nhập, thạc sĩ được phụ cấp theo vị trí việc làm và học vị 2 triệu đồng/tháng, trong khi bậc ĐH thì chỉ 1 triệu đồng/tháng", ông Hoàn nói thêm.

Trường ĐH Văn Lang hiện cũng chỉ tuyển giảng viên trình độ thạc sĩ cho những ngành còn thiếu như: truyền thông, quan hệ công chúng… Nhưng tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết: "Thạc sĩ phải có kinh nghiệm giảng dạy, ưu tiên tốt nghiệp nước ngoài, có chuyên môn tốt, giảng dạy được tiếng Anh. Một lý lịch khoa học tốt thể hiện ở ngành học, nơi tốt nghiệp, loại hình đào tạo… Thu nhập thạc sĩ tại trường hiện trên 20 triệu đồng/tháng".

Với thực tế tuyển dụng và mức thu nhập vừa nêu, học thạc sĩ có "sinh lời" trong giai đoạn hiện nay? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Võ Văn Tuấn vẫn khẳng định: "Việc đầu tư học thạc sĩ chắc chắn là có lời. Quá trình học tập sẽ giúp người học có kiến thức chuyên môn tốt hơn trong lĩnh vực mình theo học so với trước đó".

Năm 2025, nhu cầu tuyển dụng tại TP.HCM trình độ ĐH trở lên chiếm 19%

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) đã đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực bình quân mỗi năm tại TP.HCM cần khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc (trong đó 135.000 – 140.000 chỗ làm mới) giai đoạn năm 2021 – 2025 đến năm 2030. Trong đó đến năm 2025, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm 87% nhưng trình độ ĐH trở lên chỉ chiếm 19%.

Số liệu từ báo cáo quý 1/2024 của đơn vị này cũng đặt ra lo ngại rằng TP.HCM đang thiếu lao động phổ thông và thừa nhân lực có trình độ cao, từ ĐH trở lên. Cụ thể, khảo sát nhu cầu nhân lực của 14.300 lượt doanh nghiệp với 82.600 chỗ làm việc cho thấy nhu cầu tuyển người có trình độ ĐH trở lên chiếm 21,3%.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)