Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sau chia tách, sáp nhập: Nhiều khu phố, ấp thiếu kinh phí, nhân sự

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội nghị tiếp xúc lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn TP; nhiều ý kiến từ cơ sở cho thấy các khu phố, ấp mới đang gặp không ít khó khăn khi đi vào hoạt động…


Đại diện các khu phố, ấp phát biểu tại hội nghị

1.001 cái khó

Ông Vũ Văn Dũng – Bí thư Chi bộ KP.4, P.22, Q.Bình Thạnh – cho biết, hiện nay vẫn chưa hoàn thiện Quy chế quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trưởng khu phố, ấp; chưa hoàn thiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên, tổ chức trong khu phố, ấp; kiến nghị TP xây dựng tiêu chí quy chế hoạt động khu phố mới nhằm tạo sự đồng thuận xây dựng khu phố văn minh nghĩa tình. 

“Căn hộ chung cư cao cấp có khu phố là hoàn toàn mới so với trước đây. Tuy nhiên, việc trao đổi, chia sẻ giữa các tòa nhà, các tầng trong tòa nhà rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ cấp ủy chi bộ. Đơn cử chung cư tôi đang sinh sống có 454 hộ dân, trong đó chính chủ khoảng 300 hộ, còn lại cho thuê nên khó tiếp cận tìm hiểu, vận động cư dân tham gia các hoạt động. Mặt khác, đặc thù chung cư cao cấp phải có thẻ từ mới lên được các tầng. Ngay cả cảnh sát khu vực đi một mình cũng không lên được các tầng nếu không có thẻ từ”, ông Dũng nói.

Bí thư chi bộ các khu phố đều đánh giá thuận lợi sau sắp xếp khu phố, ấp giúp tinh gọn bộ máy và gần dân hơn, tuy nhiên lại gặp khó khăn do “ít người nhưng nhiều việc”. Thời điểm chưa sắp xếp thì một số trưởng khu phố có các “chân rết” chia sẻ bớt công việc nhưng hiện nay không có khiến công tác gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Nho Tình – Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ P.2, Q.3 – kiến nghị cần có trợ lý giúp việc cho trưởng khu phố. Hiện trưởng khu phố phải nắm thông tin của 7-8 tổ dân phố trước đây. Chỉ với việc thực hiện xác minh hộ nghèo; nhận xét cán bộ công chức là đảng viên dịp cuối năm; người cao tuổi đến đợt chúc thọ; trẻ em vào lớp 1 đã mất rất nhiều thời gian, chưa kể còn nhiều việc khác nữa.

Ông Trần Quốc Khánh – Bí thư Chi bộ KP.18, P.12, Q.Tân Bình – cũng kiến nghị nên lựa chọn các trưởng khu phố đảm bảo sức khỏe, có khả năng làm việc, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nhiệm vụ.

Ngoài những khó khăn nói trên, nhiều ý kiến chia sẻ, thực tế hiện nay vẫn còn một số khu phố, ấp chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hàng tháng theo quy định. Kinh phí phụ cấp hỗ trợ chưa hợp lý để thu hút nhân sự tham gia vào ban điều hành của khu phố.

“3 tháng rồi các khu phố trên địa bàn phường  4 chưa nhận được kinh phí hoạt động. Các hoạt động hè cho thiếu nhi khu phố phải tự bỏ tiền. Đối với các đồng chí giúp việc trước đây nay đã nghỉ nhưng vẫn chưa được xem xét khen thưởng những đóng góp cho địa phương khiến họ có không ít tâm tư, suy nghĩ”, ông Trần Văn Thành – Trưởng KP.12, P.4, Q.Tân Bình – cho biết.

Nhanh chóng ban hành quy chế hoạt động

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Nghĩa – Phó ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – cho biết, qua khảo sát trực tiếp của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tại 21 quận huyện và TP.Thủ Đức về triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp cho thấy có 299/312  phường, xã, thị trấn thực hiện sắp xếp; 13 phường, xã, thị trấn không thực hiện sắp xếp, giữ nguyên hiện trạng, ranh giới. Sau khi hoàn thiện việc sắp xếp, trên địa bàn TP hiện có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới. Từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm còn 20.516 tổ chức; nhân sự còn 43.749 người, giảm 20.544 người; giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã. Các thành viên của khu phố, ấp mới đều là những người nhiệt tình, có trách nhiệm nên công tác vận hành khu phố mới được thuận lợi. Các khu phố, ấp chủ động xây dựng các nhóm Zalo, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người dân…

“Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát cũng cho thấy những khó khăn. Đa số các khu phố, ấp không có văn phòng hoạt động, chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung. Nếu có điểm sinh hoạt thì quy mô chưa đảm bảo có thể tổ chức họp dân, chi bộ; còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của khu phố, ấp.  Các chức danh chính tại một số khu phố, ấp vẫn đang kiêm nhiệm; các chức danh còn lại của khu phố, ấp như Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Hội chữ thập đỏ chưa kiện toàn được. Do đó, khối lượng công việc xử lý rất nhiều”, ông Nghĩa thông tin.

Cũng theo ông Nghĩa, do nhân sự ít, khó vận động người tham gia nên một số thành viên khu phố thực hiện công tác kiêm nhiệm, trong đó có người kiêm nhiệm nhiều chức danh hoặc kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau. Tại một số khu phố, các thành viên mới nhận nhiệm vụ nên chưa nắm rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, một số đoàn thể còn thiếu nhân sự; nhân sự chưa có kỹ năng, nghiệp vụ nên khá lúng túng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động tại khu phố…

Để khu phố, ấp hoạt động hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP kiến nghị UBND TP sớm ban hành Quy chế hoạt động của khu phố; trong đó quy định rõ nhiệm vụ của trưởng khu phố, mối quan hệ giữa các thành viên hoạt động trên địa bàn khu phố; có cơ chế cử chức danh thủ quỹ, kế toán kiêm nhiệm của khu phố, từ đó làm căn cứ cho công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Chỉ đạo sở, ngành liên quan xây dựng các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho các chức danh ở khu phố, ấp để hoạt động hiệu quả; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn rà soát các trụ sở hoạt động của khu phố, ấp để có định hướng hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, bố trí mới trên toàn địa bàn TP. Kiến nghị Sở Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về thực hiện Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND của HĐND TP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp…

Sở Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng và triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ cho hoạt động khu phố, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chuyển đổi số.

UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị công an và quân sự có hướng dẫn Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và quân sự với khu phố, ấp nhằm tạo sự phối hợp thống nhất, đồng bộ trong giữ gìn an ninh trật và an toàn xã hội.

UBND phường, xã, thị trấn cần xem xét bố trí địa điểm sinh hoạt, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với nhiệm vụ của khu phố, ấp trong tình hình mới;…

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)