Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi trẻ phải ở ngã ba đường

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, số học sinh ở các trường học có ba mẹ ly hôn ngày càng tăng.


Học sinh vui chơi trong hè (ảnh minh họa). Ảnh: Hàn Giang

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, ở TP.HCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn đa số là dưới 40 tuổi. Trung bình mỗi tháng, có từ 80 đến 100 vụ ly hôn tại mỗi quận/huyện. Trong khi đó, Tòa án Nhân dân Tối cao thống kê riêng, năm 2022, cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ. Gia đình trẻ thì đương nhiên con còn nhỏ. Những đứa trẻ của các gia đình ấy sẽ nhận lấy nhiều hậu quả từ những cuộc ly hôn của ba mẹ. Tôi đã từng xót xa khi biết được những tâm tư, tình cảm của các em khi ba mẹ chia tay, gia đình tan vỡ.

Một buổi sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại từ ba của L. (học sinh lớp 5 ở trường tôi công tác). Ông đang đi công tác, nhờ tôi tìm hiểu xem tại sao những ngày qua L. không nói chuyện với ông, gọi điện thoại cũng không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Tôi tìm hiểu qua thầy cô và bạn bè cùng lớp, mọi người đều cho biết L. vẫn học tập và sinh hoạt bình thường trong những ngày qua. Tôi gặp riêng em để trao đổi. Khéo léo dò hỏi, em đã khóc và kể lại với tôi mọi chuyện trong nước mắt. Theo đó, ba mẹ vừa ly hôn xong, L. ở với ba; còn em của L. ở với mẹ. Sau ly hôn, ba cấm em không được liên hệ với mẹ. Vừa rồi, ba đi công tác phải gửi em qua nhà bà nội ở. Mẹ của L. biết tin đã qua rước em về ở với bà và em trai. Biết được, ba của L. đã gọi điện thoại về mắng chửi L. rất nặng nề. Sau đó, L. đã phản kháng lại bằng cách không trả lời điện thoại, tin nhắn của ba. L. nói: “Em muốn ở cùng mẹ và em trai”. Tôi đã liên hệ với ba của L. để thông tin những điều mình biết được và nhẹ nhàng góp ý với ông rằng đừng để chuyện của ba mẹ làm ảnh hưởng đến tâm lý con cái.

Không chỉ ba của L. mà tôi đã gặp rất nhiều trường hợp trong quá trình tư vấn tâm lý học đường, nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn đã xem nhau như “kẻ thù không đội trời chung” và con cái là cái cớ để họ “trừng phạt” nhau. Không cho gặp mặt con, không cho liên hệ với con, cấm con liên hệ, nói chuyện với ba hay mẹ là điều thường xảy ra khi trẻ sống với người kia. Một người mẹ có con học lớp 1 đã đến trường la mắng giáo viên và bảo vệ vì đã để con mình gặp ba của em trong giờ chơi. Người mẹ ấy nói: “Chỉ có tui là mẹ nó, nó không có ba. Tui không đồng ý nhà trường cho nó gặp ai hết” và quay sang mắng con: “Tao đã nói rồi, nó không phải là ba mày. Mày còn gặp nó nữa, tao đánh mày chết”. Thực tế, phụ huynh đã đến trường vào giờ chơi, xin được gặp con. Cô giáo chủ nhiệm đã dẫn em ra gặp phụ huynh tại phòng bảo vệ và phụ huynh ra về ngay khi hết giờ chơi.

Không biết các bậc phụ huynh có khi nào đặt mình vào vị trí của con không? Một đứa trẻ đang sống yên ổn cùng ba mẹ, đột ngột phải rời xa ba hoặc mẹ, thậm chí cả anh chị hay em thì làm sao có thể có tâm lý bình thường ngay được. Nhớ, muốn gặp gỡ, muốn chuyện trò với người không còn sống chung với mình hàng ngày là một nhu cầu hết sức bình thường của bất kỳ đứa trẻ nào. Đáng lý ra, ba mẹ của những đứa trẻ này cần phải bình tâm suy nghĩ để hiểu rằng ly hôn là việc chia tay trên luật pháp và chấm dứt quan hệ vợ – chồng trên thực tế. Các bậc phụ huynh phải khẳng định rằng ly hôn không phải là chấm dứt cả mối quan hệ ba – con hay mẹ – con nếu không ở cùng nhau. Sau ly hôn, ba mẹ cần phải ổn định tâm lý cho con để trẻ thấy rằng ly hôn chỉ đơn giản là ba mẹ không ở cùng nhau, còn ba mẹ vẫn yêu thương, chăm sóc con như từ trước đến giờ, đừng để các em bị sốc tâm lý nghiêm trọng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tôi đã từng đọc nhật ký của một nam sinh lớp 4. Trong nhật ký em viết, dù ba có vợ mới, em ở với mẹ nhưng em vẫn nhớ thương ba và căm thù mẹ. Mẹ vất vả kiếm tiền lo cho em nhưng thường xuyên đánh mắng em và mỗi lần đánh mắng là chửi rủa em là “giống thằng cha mày, đồ báo hại, vong ân bội nghĩa…” và em đã có ý định bỏ nhà đi tìm ba. Mẹ của học sinh lớp 4 ấy đã bật khóc khi tôi trình bày, phân tích nguyên nhân của những biểu hiện chưa ngoan, hỗn láo của em trong thời gian qua. 

Những đứa trẻ có ba mẹ ly hôn đã rất mặc cảm với bạn bè vì có gia đình không hạnh phúc, đừng để các em phải bất hạnh hơn khi ba mẹ mãi là “kẻ thù” của nhau hay được yêu thương quá mức đến “bất thường”.

Sau ly hôn, nhiều bậc phụ huynh có cảm giác rằng mình có lỗi với con. Vậy là cả ba lẫn mẹ cố gắng bù đắp cho con bằng cách yêu thương không giới hạn “muốn gì được đó”. H. (học sinh lớp 3), sau khi ba mẹ ly hôn đã thay phiên nhau chăm sóc con – H. lúc ở với ba, khi ở với mẹ. Những khi H. đòi hỏi điều gì không được người này đồng ý thì em sang ở với người kia. Ba hay mẹ, người nào chiều chuộng em nhiều hơn thì em sẽ ở với người đó lâu hơn. Tất cả các đồ dùng của H. đều là đồ đắt tiền, em có cả điện thoại xịn, khi đi học em có rất nhiều tiền vì cả ba lẫn mẹ đều cho. Đỉnh điểm là em lười học, đòi nghỉ học luôn, cả ba mẹ đều không đồng ý, vậy là em đòi chết. Đến lúc này, ba mẹ H. mới nhìn thấy sự sai lầm trong việc bù đắp tình thương không đúng cách của mình.

Nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn đã sòng phẳng chia trách nhiệm tài chính trong nuôi con. Con ở với mẹ thì mẹ lo ăn uống, quần áo; ba lo tiền học, vui chơi. Sự sòng phẳng đến mức lấy đó làm điều trách cứ nhau khi có thiếu sót, bất chấp điều đó ảnh hưởng đến con cái. Nhiều học sinh bán trú của trường tôi đến cuối tháng vẫn chưa đóng tiền ăn. Nhà trường liên hệ tìm hiểu thì có lần được trả lời “Tiền ăn học ba nó lo, nhà trường liên hệ với ba nó đi để ba nó thấy là vô trách nhiệm với con!”, dù người mẹ làm việc trong công ty nước ngoài và không hề gặp khó khăn gì về tài chính. Năm học vừa rồi, nhà trường tổ chức cho học sinh đi chơi, K. (học sinh lớp 2) đăng ký với giáo viên đi chơi đầu tiên nhưng đợi mãi đến ngày cuối cùng phụ huynh vẫn không đóng tiền dù giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần trong nhóm Zalo phụ huynh của lớp là học sinh nào đi tham quan thì đóng tiền. Đến giờ khởi hành, mẹ chở K. đến trường, giáo viên báo em không có tên trong danh sách vì chưa đóng tiền tham quan. Người mẹ lấy điện thoại gọi cho chồng cũ và chửi mắng không tiếc lời, K. đứng bên cạnh khóc không biết vì thấy mẹ chửi ba hay vì sợ không được đi chơi cùng các bạn…

Gia đình ly tán là điều không ai mong muốn, nhất là với những cặp vợ chồng đã có con. Với trẻ nhỏ, ba mẹ ly hôn là một bất hạnh trong cuộc đời. Chính vì thế, phụ huynh cần đặt trách nhiệm làm ba mẹ lên trên những căm hận, giận dữ, khinh ghét… trong cuộc sống vợ chồng đầy mâu thuẫn đã qua. Những đứa trẻ có ba mẹ ly hôn đã rất mặc cảm với bạn bè vì có gia đình không hạnh phúc, đừng để các em phải bất hạnh hơn khi ba mẹ mãi là “kẻ thù” của nhau hay được yêu thương quá mức đến “bất thường”.

Lê Phương Trí (Giáo viên tư vấn tâm lý học đường)

 

 

Bình luận (0)