Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Với việc được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm nước mắm Nam Ô thêm một lần được lưu danh trên bàn ăn ẩm thực người Việt. Chắt chiu từ con cá cơm than, từ hạt muối mặn mòi vị biển, nước mắm Nam Ô làm nên hồn cốt của xứ biển bãi ngang, của cả những người dân sống bên chân núi Hải Vân bốn mùa sóng vỗ…


Sinh viên trải nghiệm nghề làm nước mắm Nam Ô

Lưu danh nghề truyền thống

Làng Nam Ô quay mặt về phía biển. Thiên nhiên ưu ái ban cho người dân bên chân núi Hải Vân một khung cảnh đẹp nên thơ với bãi cát trải dài, rừng cây xanh mọc trên triền đá. Tiếng sóng vỗ rì rào, êm dịu. Từ thuở sơ khai, người dân Nam Ô đã gắn với nghề biển. Mỗi hoàng hôn, ngư dân trai tráng dong thuyền ra khơi và mỗi bình minh, những người mẹ, người vợ và cả những đứa con thơ chân trần trên bãi cát, ngóng đợi người thân trở về. Nghề nước mắm Nam Ô lừng danh cũng ra đời từ đó.

Ngược dòng lịch sử, nước mắm Nam Ô từng được chọn làm đặc sản tiến vua. Không chỉ vậy, thứ hồn cốt của biển này còn vang danh khắp Đông Dương, có mặt trong bàn ăn và câu chuyện của người Pháp hàng trăm năm trước. Năm 1958, nhãn hiệu Hồng – Hương tại số nhà 42 Quốc lộ số 1 – Nam Ô của nước mắm Nam Ô được Viện Pasteur cấp giấy phép công nhận là loại nước mắm nguyên chất và hảo hạng. Người Nam Ô kể rằng, khi xưa cùng với nhãn hiệu Hồng – Hương, còn có nhãn hiệu nước mắm Ký Châu nổi tiếng không kém.


Người Nam Ô làm nước mắm từ cá cơm than và hạt muối Cà Ná, Sa Huỳnh

Ông Bùi Văn Phong (80 tuổi), cháu ngoại đời thứ 3 của nhãn hiệu Hồng – Hương năm xưa tự hào: “Nghề làm nước mắm Nam Ô trải qua nhiều thăng trầm theo thời cuộc nhưng thẳm sâu trong tim mỗi người dân xứ này là tình yêu nghề, yêu những giọt nước mắm mang hồn cốt của biển do chính đôi bàn tay mình làm ra”. Biến thiên thời cuộc làm cho nhãn hiệu nước mắm Hồng – Hương bị mất, ông Phong và người con trai kế nghiệp gầy dựng lại thương hiệu với tên gọi Hương làng cổ.

Làng Nam Ô bên chân sóng ngày một đô thị hóa, cùng với đó là sự nhường không gian phía biển cho các dự án khác phát triển. Người Nam Ô trước nhiều khó khăn vẫn quyết giữ nghề. Nghệ nhân Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô chia sẻ: “Người Nam Ô qua bao thăng trầm vẫn một lòng giữ nghề truyền thống của cha ông. Ngày nay, mỗi gia đình vẫn giữ hồn cốt nước mắm xưa trong công thức làm nước mắm của mình với phương châm 3 không: Không hóa chất, không chất bảo quản và không chất tạo màu, tạo mùi. Khách hàng mua nước mắm Nam Ô không chỉ trong mà còn có cả ở nước ngoài. Đó là niềm tự hào đồng thời cũng là động lực để người Nam Ô giữ nghề”.

Làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có 92 hộ dân làm nghề nước mắm, trong đó có 62 hộ tham gia Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô với 10 cơ sở sản xuất quy mô lớn, 17 cơ sở có nhãn hiệu riêng…

Nâng tầm thương hiệu

Nhắc đến Nam Ô là gợi nhớ về vùng đất cửa Nam bên chân đèo Hải Vân hùng vĩ, nơi dừng chân của bao nghĩa sĩ trên hành trình mở mang bờ cõi. Nam Ô ngày nay vẫn còn lưu lại dấu tích công chúa Huyền Trân dừng chân và nhiều lăng miếu, giếng cổ có bề dày lịch sử văn hóa có giá trị. Năm 2020, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP.Đà Nẵng” với mục tiêu đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm và xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố. Nhiều hộ dân làm nước mắm bắt đầu mở thêm hướng mới như đón khách du lịch, học sinh, sinh viên tham quan trải nghiệm.


Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực với nước mắm Nam Ô

Cơ sở Hương làng cổ là một trong những cơ sở đi tiên phong trong việc vừa làm nước mắm, vừa phát triển du lịch cộng đồng. Anh Bùi Thanh Phú – chủ xưởng sản xuất chia sẻ: “Việc mở hướng du lịch cộng đồng giúp tiếng tăm của nước mắm Nam Ô đi xa hơn, nhờ đó, sản lượng bán ra hàng năm tăng cao hơn so với trước. Hương làng cổ cũng thường xuyên đón những em học sinh, sinh viên đến trải nghiệm thực tế. Tôi mong rằng, qua những buổi thực tế như thế sẽ vun bồi lên trong các em tình yêu và niềm tự hào về nghề truyền thống của quê hương”.

Gần đây, anh Phú còn kiêm thêm dịch vụ ẩm thực liên quan đến nước mắm Nam Ô dành cho du khách. Anh Arman – một du khách đến từ Đức chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với khung cảnh làng chài Nam Ô. Ở đây, tôi và các bạn vừa được ngắm biển, trải nghiệm nghề làm nước mắm, vừa được thưởng thức bánh cuốn thịt heo chấm nước mắm ngon và uống ly cà phê mắm thơm lừng đặc trưng. Đây là một chuyến đi rất thú vị và đáng giá mà tôi từng được trải nghiệm”.

Nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô năm 2009 và gia hạn vào năm 2018. Năm 2017, sản phẩm này được cấp giấy chứng nhận “Đạt thương hiệu sản phẩm nổi tiếng” do Ban tổ chức xây dựng quảng bá thương hiệu và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam công nhận. Năm 2019, Bộ VH-TT&DL có quyết định công nhận nghề nước mắm Nam Ô là di sản phi vật thể quốc gia.

Ngoài những buổi tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế làng nghề đích thân nghệ nhân Trần Ngọc Vinh hướng dẫn, kể về lịch sử truyền thống của làng Nam Ô cho du khách được biết sâu hơn. “Tôi mong tên tuổi nước mắm Nam Ô đi xa hơn và được nhớ lâu hơn không chỉ vì nó là một thứ gia vị trên bàn ăn mỗi gia đình mà còn vì niềm tự hào của những người dân Nam Ô làm ra nó”, ông Vinh bộc bạch.

Nghề nước mắm Nam Ô với bề dày truyền thống hàng trăm năm. Người Nam Ô hôm nay vẫn luôn tự hào về những gì cha ông mình đã sáng tạo, chắt chiu từ con cá cơm than và hạt muối Sa Huỳnh, Cà Ná để chiết tinh thành giọt nước mắm đặc sánh, thơm lừng, đậm vị. Việc được xác lập chỉ dẫn bảo hộ địa lý thêm một lần nâng tầm đặc sản nước mắm Nam Ô, góp phần vào hành trình giữ nghề và phát triển nghề bền vững.

Phan Lệ

 

 

 

 

 

Bình luận (0)