Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga và Ukraine có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn nếu Kiev thực hiện một số bước đi "không thể đảo ngược" và có thể chấp nhận được với Moscow.
"Đơn giản là chúng tôi không thể tuyên bố ngừng bắn vào lúc này với hy vọng phía đối phương sẽ thực hiện một số bước tích cực tương tự. Chúng tôi không thể cho phép đối phương lợi dụng lệnh ngừng bắn này để cải thiện vị trí, tái vũ trang, bổ sung quân đội và tiếp tục xung đột", Tổng thống Nga Putin phát biểu tại cuộc họp báo bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Kazakhstan ngày 4/7.
Xe tăng T-72B của Nga khai hỏa ở Avdiivka
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi cần đảm bảo đối phương thực hiện một số bước đi không thể đảo ngược. Ngừng bắn là không thể nếu không có một thỏa thuận như vậy".
Tổng thống Putin nêu rõ, ngừng bắn ở Ukraine là không thể xảy ra trước khi các bên bắt đầu hòa đàm.
Ông cho rằng, xung đột Ukraine khó chấm dứt thông qua hòa giải, nhưng Nga vẫn hoan nghênh việc hòa giải. Ông giải thích, một bên trung gian hòa giải khó có thẩm quyền ký vào văn bản thỏa thuận cuối cùng
Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định, Nga luôn ủng hộ đàm phán. Ông cho biết, ông coi trọng đề nghị của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump về việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine mặc dù đến nay cựu Tổng thống Mỹ không nêu chi tiết kế hoạch đó là gì.
"Việc ông Trump, với tư cách là ứng cử viên tổng thống, nói rằng ông ấy sẵn sàng và muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, chúng tôi hoàn toàn xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Tôi chắc chắn ông ấy nói thực lòng và chúng tôi ủng hộ điều đó", Tổng thống Putin bình luận.
Ông cũng lưu ý Moscow và Kiev có thể sử dụng dự thảo thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ở giai đoạn đầu xung đột.
"Các thỏa thuận ở Istanbul vẫn còn đó. Đây là dự thảo thỏa thuận do trưởng đoàn đàm phán Ukraine đề xuất, nghĩa là Kiev hài lòng với nó. Những thỏa thuận này vẫn còn trên bàn đàm phán và có thể làm cơ sở để tiếp tục các cuộc đàm phán đó", ông Putin nói.
Ông đề cập đến dự thảo thỏa thuận mà Nga và Ukraine suýt ký kết sau các cuộc đàm phán hồi tháng 3/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dự thảo thỏa thuận, Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, cắt giảm quân đội để nhận được những cam kết an ninh.
Nga cho rằng vòng đàm phán đổ vỡ vào phút chót, Ukraine từ chối ký vào dự thảo thỏa thuận sau khi cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson khuyên Kiev "tiếp tục chiến đấu". Tuy nhiên, ông Johnson đã bác bỏ cáo buộc.
Sau khi đàm phán đổ vỡ, đến mùa thu năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin. Mặc dù vậy, gần đây, ông Zelensky tuyên bố, Nga và Ukraine có thể đàm phán qua trung gian, như trường hợp Kiev và Moscow đã đạt được thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022.
Trong khi đó, tháng trước, ông Putin đưa ra các đề xuất hòa bình mới về giải quyết xung đột Ukraine.
Cụ thể, Nga đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.
Giới chức Nga cũng cảnh báo, nếu Ukraine không nhanh chóng chấp thuận các đề xuất này, những đề xuất sau này sẽ càng bất lợi cho nước này.
NN (theo dantri)
Bình luận (0)