Tháng 6, tháng 7 hằng năm là khoảng thời gian các em học sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ quyết định chọn ngành nghề để theo học và theo đuổi sự nghiệp sau này.
Học sinh lớp 12 trao đổi với chuyên gia về ngành nghề đào tạo trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: H.Trinh
Đương nhiên việc chọn ngành nghề có thể là một quá trình kéo dài từ trước đó nhiều năm, nhiều tháng với sự tư vấn, hướng dẫn, động viên… của nhiều người, trong đó có gia đình, thầy cô, bạn bè, kể cả các cơ quan báo chí cũng như sự trăn trở, tìm hiểu của bản thân người học. Khi đăng ký chọn nguyện vọng để vào các trường học tức là học sinh đã chọn cho mình một hướng đi để phát triển nghề nghiệp, sự nghiệp của bản thân.
Thông thường việc chọn ngành nghề có thể xuất phát từ một số yêu cầu gợi ý sau: Đó là từ sự định hướng của ba mẹ nhằm hướng con cái theo một số công việc, nghề nghiệp mà gia đình đang theo đuổi hoặc có truyền thống. Điều này rất cần thiết và cũng thực sự có ý nghĩa để giúp gia đình tiếp tục duy trì một hoạt động nào đó có tính liên tục và có điều kiện phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới. Chọn ngành nghề theo sự định hướng của gia đình thường có những thuận lợi nhất định; chẳng hạn, các công việc gia đình đang thực hiện sẽ được thế hệ sau tiếp nối và phát triển, đồng thời bản thân người thực hiện việc tiếp nối đó có những chất liệu, cơ sở thực tế hữu ích để gắn với những kiến thức sẽ được học ở nhà trường trong giai đoạn tiếp theo, nhờ đó thường đạt các kết quả tích cực hơn cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Do đó, đây là một lựa chọn cần được xem xét cân nhắc.
Bên cạnh đó, có không ít người chọn ngành nghề theo sở thích. Việc một số người xác định rõ sở thích và theo đuổi sở thích đó là điều thực sự rất tích cực, bởi hiện nay có không ít học sinh không rõ mình thích gì, muốn gì để xác định nghề nghiệp và chọn hướng phấn đấu, rèn luyện. Do đó, khi một học sinh chọn nghề nghiệp, ngành học mà mình thấy yêu thích là tiền đề rất quan trọng để học sinh đó có thể phát triển được nghề nghiệp, phát triển được bản thân và đạt được những thành tựu. Tuy nhiên, chọn ngành nghề theo sở thích có thể rơi vào những trường hợp không thực sự phù hợp. Chẳng hạn, sở thích có thể thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh cụ thể, theo những tác động bên ngoài…, dẫn đến lúc thì thích ngành nghề này, việc này nhưng lúc lại thích ngành nghề khác, việc khác. Từ đó dẫn đến việc chọn ngành nghề, chọn trường thay đổi hoặc phải bỏ dở ngành nghề, trường đang học, làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ, kinh phí, sức lực… Không chỉ vậy, có một số trường hợp sau khi chọn học thì mới phát hiện ra mình không thực sự đủ năng lực để theo học và theo công việc mình yêu thích, dẫn đến phải chọn lại, học lại, vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân. Ngoài ra còn có sự chọn ngành nghề theo tác động của bạn bè. Hiện một số học sinh có xu hướng chọn ngành nghề theo đám đông, theo sự mời gọi, rủ rê của bạn bè, từ đó mà chọn đại một ngành nghề, một trường nào đó để học, dẫn đến không thực sự phù hợp ở nhiều yếu tố. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, sức lực, kinh phí cũng như tâm lý của người học, bởi sau đó có thể phải dang dở việc học, việc theo đuổi một ngành nghề nào đó. Chính vì vậy, thực hiện hướng nghiệp theo sự rủ rê có thể là một rủi ro lớn!
Còn trường hợp chọn ngành nghề do sự ép buộc của gia đình cũng rất đáng chú ý. Thực tế có một số học sinh phải chọn ngành nghề, chọn trường theo sự “chỉ đạo” rất chặt chẽ của ba mẹ với những niềm tin khác nhau. Đương nhiên, bên cạnh một số trường hợp học tập thuận lợi và đáp ứng được mong mỏi của gia đình cũng như năng lực của bản thân thì vẫn còn những trường hợp khác không thực sự phù hợp. Chẳng hạn, mong muốn của ba mẹ như thế nhưng năng lực của bản thân không đáp ứng được ngành học đó hoặc không đủ đam mê, sở thích đối với ngành nghề đó thì việc theo học có thể là một áp lực rất lớn và trở thành một gánh nặng, ảnh hưởng đến sự hứng thú cũng như hiệu quả của việc học, việc theo đuổi nghề nghiệp sau này. Điều này sẽ tác động đáng kể đến sự phát triển bản thân của người học, có khi ảnh hưởng rất lâu dài.
Trong điều kiện hiện nay, việc chọn trường, chọn ngành nghề nên quan tâm các yếu tố sau: Trước hết phải xem xét đến năng lực của bản thân. Bởi suy cho cùng, năng lực có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc đeo đuổi một ngành nghề cũng như khả năng tiếp thu, khả năng nắm bắt kiến thức của ngành học đó. Nếu chọn ngành học không phù hợp khả năng thì bản thân có thể rất vất vả để theo được chương trình, thậm chí một số trường hợp không đáp ứng được yêu cầu và phải bỏ dở nửa chừng. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thời gian, tiền của của người học. Tiếp theo nên là sở thích. Sở thích là sự đam mê, là hứng khởi theo đuổi ngành học, công việc, nghề nghiệp, từ đó có thể có sự khát khao cống hiến. Nếu chọn một ngành học mà bản thân mình không có sự đam mê thì sau này khó có thể tận tâm, tận tụy, tận hiến với công việc, với nghề nghiệp đó và từ đó khó có được kết quả mỹ mãn. Thậm chí trong một số trường hợp, chính đam mê là động lực quan trọng để giúp người học vượt qua những khó khăn, thử thách trong quá trình học cũng như theo đuổi công việc sau này. Yếu tố tiếp theo là điều kiện cụ thể của bản thân và gia đình có thể đáp ứng được ngành học hay không. Chẳng hạn, vấn đề sức khỏe, thể trạng hay điều kiện kinh tế của gia đình. Bởi trong một số trường hợp, một công việc cụ thể đòi hỏi những yêu cầu cụ thể về thể trạng, đặc điểm cơ thể… mà nếu không đáp ứng thì sẽ rất vất vả để học và để làm việc. Thí dụ, học ngành cơ khí thường đòi hỏi có sức khỏe tốt nên nếu một người có thể trạng kém hoặc có khuyết tật cơ thể có khi không đáp ứng được việc học cũng như khi hoạt động nghề nghiệp. Hay với một số ngành, một số trường, chi phí học tập cao có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và trở thành một áp lực lớn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả học tập. Đương nhiên, không thể bỏ qua yếu tố điều kiện xã hội trong những bối cảnh cụ thể. Trong đó nên có sự dự báo về tình hình xã hội trong vài năm tới. Điều này rất cần thiết bởi có những ngành nghề đang “hot” ở giai đoạn này nhưng chắc chắn sẽ thoái trào vào những năm sau do lượng cung đang vượt cầu hoặc do sự vận động của bối cảnh kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Có người nói: Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, để khẳng định sự ngẫu nhiên, tình cờ trong theo đuổi nghề nghiệp của một người. Điều đó có nhưng không phải tất cả. Sự chủ động chọn lựa theo điều kiện riêng của từng người và gắn với bối cảnh chung vẫn luôn có ý nghĩa riêng. Dẫu có yếu tố ngẫu nhiên xuất hiện thì với một tâm thế tích cực, một năng lực được rèn giũa tốt, một nền tảng kiến thức vững vàng… thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với “theo đại” một ngành nghề nào đó. Do vậy, mọi thứ sẽ bắt đầu từ việc chọn ngành nghề, chọn trường của mỗi thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)