Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long: Quảng Trị cần khẩn trương thực hiện quy hoạch bài bản và cụ thể

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức vào chiều 6-7.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị

Khai thác tiềm năng và thế mạnh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, cùng truyền thống, lịch sử hào hùng, Quảng Trị mang trong mình rất nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt để trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và cả nước.

Trong đó phải nhấn mạnh Quảng Trị là điểm kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng và giữa các nước hướng ra biển, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây, có vị trí đầu mối giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước với các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng; đồng thời là cầu nối vùng Bắc Trung bộ với vùng động lực miền Trung

Với 75 km đường bờ biển, Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển đô thị biển kết hợp du lịch, xây dựng và mở rộng cảng biển, phát triển các ngành kinh tế biển. “Đặc biệt, Quảng Trị mang dấu ấn riêng của mảnh đất miền Trung “gió Lào – cát trắng” với những người con “yêu nước, cần cù, chịu thương, chịu khó, hiếu học, không ngừng nỗ lực, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước””, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn dến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị

Phó Thủ tướng cho rằng, trong những năm qua, Quảng Trị đã và đang từng bước khai thác ngày các tốt hơn các lợi thế về vị trí địa kinh tế – chính trị, thực hiện vai trò kết nối giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông và các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và động lực phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng tỉnh Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH như chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của mình; quy mô GRDP xếp cuối vùng và thứ 53 cả nước; lực lượng lao động chiếm 50% dân số toàn tỉnh nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động chất lượng cao; hệ thống giáo dục, y tế phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số KCN/CCN, đô thị, làng nghề chậm được khắc phục; vấn đề xử lý nước thải từ các cơ sở chế biến nông sản, thủy hải sản, các làng nghề, bãi chôn lấp và đặc biệt nước thải từ các KCN/CCN chưa có hệ thống xử lý tập trung; nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, nắng nóng và biến đổi khí hậu…

Triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể

Để triển khai hoàn thành mục tiêu quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo tỉnh Quảng Trị cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra trong quy hoạch; đó là 4 khâu đột phá; 8 ngành trọng điểm; phát triển theo 4 vùng, 6 hành lang kinh tế (như trong quy hoạch đã xác định). Lưu ý 5 bảo đảm trong triển khai quy hoạch: tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính mở rộng và tính kế thừa của quy hoạch.

Quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới đặc biệt là đầu tư hoàn thành Cảng Hàng không Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy – coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển khu kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dọc quốc lộ 15D. Xây dựng Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) – Đensavằn (Lào).


Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư và văn bản chấp thuận nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, KHCN và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quan tâm bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tôn tạo vừa khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao giá trị và chất lượng môi trường sống của người dân ở đô thị cũng như nông thôn.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số như PAPI, PCI…

Tập trung đầu tư cho GD-ĐT; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với định hướng phát triển của tỉnh và những ngành, nghề mà tỉnh đang ưu tiên, như: Về công nghiệp, phát triển năng lượng điện gió tại vùng ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng; các cơ sở công nghiệp khí, điện khí tại khu kinh tế Đông Nam; xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi. Ưu tiên phát triển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, dược liệu, may mặc, da giày… công nghiệp silicat; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến khoáng sản… và ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí sửa chữa, lắp ráp điện tử…

Phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistic tại các nơi có tiềm năng; hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Đensavan; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới.

Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử – văn hóa ở khu vực miền Trung. Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh – khát vọng Hòa Bình. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển…

Thiên Phúc

Bình luận (0)