Sáng nay, trong khuôn chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới và sáng tạo Việt Nam 2018", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo: "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững”.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay ở những bước đi đầu tiên để hướng tới ngành kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng của sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Hội thảo "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững”. Ảnh: V.D
|
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Việt Nam cần phải xử lý một số "nút thắt" với phát triển nông nghiệp, nông thôn trong vòng 20-25 năm tới. Đó là: hạn chế về tài nguyên, ít tăng giá trị gia tăng mới, thu nhập cho người sản xuất thấp, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, quản lý tài nguyên chưa bền vững, hệ thống quản lý chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường năng động.
Tính đến năm 2017, cả nước đã có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Hậu Giang, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và tiếp tục quy hoạch, xây dựng 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Dương và Cần Thơ).
Về Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 mới chỉ bắt đầu được ban hành từ năm 2016 nhưng đã tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là các start-up trẻ tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chính phủ, các dự án, chương trình ươm mầm và hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp của các đơn vị nghiên cứu, trường học… cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một điểm mốc phát triển rực rỡ về khoa học công nghệ (KHCN) trên toàn cầu. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp thế giới nói chung và nông nghiệp của Việt Nam nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và công nghệ viễn thám (Remote sensing).
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, là nước đi sau, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý giá cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới diễn ra trên khắp thế giới để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. Đồng thời hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất. Từ đó, sẽ góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo AI và xu hướng ứng dụng phần mềm, chip cảm biến trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.
Dữ liệu lớn (Big Data) giúp cải thiện chất lượng dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để ra quyết định sản xuất nông nghiệp, ứng dụng trong chương trình bảo hiểm, khuyến cáo trong các quyết định đầu tư trồng trọt của người sản xuất. Sự kết hợp gữa internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn sẽ làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, IoT sẽ chuyển từ hệ thống phân phối truyền thống sang buôn bán trực tuyến và kết nối người tiêu dùng với người sản xuất, phân tích và dự báo nhu cầu để ra quyết định sản xuất. Ngoài ra, IoT sẽ giúp tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Đối với hệ thống tổ chức hành chính công trong nông nghiệp, cơ hội để tận dụng công nghệ số gồm: công nghệ viễn thám kết hợp với IoT và Big Data để giúp hỗ trợ cho quản lý thông tin cho quy hoạch, giám sát cung – cầu, quản lý và cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, kết nối thị trường và phản hồi chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, Việt Nam còn một số tồn tại cần tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như: Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn thấp; Năng lực ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN còn nhiều bất cập; Hệ thống quản lý nhà nước thiếu đồng bộ…
Để khắc phục những yếu tố này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, Việt Nam cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Bân cạnh đó, đầu tư công cho phát triển KHCN nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào KHCN nông nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN và phát triển thị trường KHCN tại Việt Nam và tạo vốn cho doanh nghiệp phát triển KHCN trong nông nghiệp.
Hiến kế giúp nông nghiệp Việt Nam
Trong hội thảo, các tri thức là Việt kiều từ các nước về tham gia chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới và sáng tạo Việt Nam 2018" cũng đã hiến nhiều "kế sách" để giúp nông nghiệp Việt Nam nâng cao trình độ khoa học công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu.
TS. Trịnh Quang Toàn (31 tuổi), Trưởng phòng nghiên cứu khí tượng thủy văn, Đại học UC Davis (Mỹ), đã tập trung trình bày vào việc cung cấp nước và sử dụng nước trong hệ thống nông nghiệp theo các khung thời gian khác nhau và cách dự đoán cấp nước và sử dụng nước trong các tình huống ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ông Toàn ví dụ, điển hình ở California, nơi đã phải đối mặt với 5 năm hạn hán liên tiếp (2011-2015) và các bài học có thể được áp dụng tại Việt Nam.
Còn TS Thái Văn Vinh, hiện là Giảng viên Cao cấp tại School of Business IT & Logistics (BITL), trường Đại học RMIT ở Melbourne (Úc) đã trình bày về một số vấn đề tồn tại hiện hữu của hệ thống logistics quốc gia cũng như trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là sự thiếu vắng một chuỗi cung ứng tích hợp toàn điện từ chặng đầu đến chặng cuối của chuỗi vì khả năng kết nối thông tin yếu và thiếu.
Theo TS. Vinh, một chuỗi cung ứng và logistics trên nền tảng Internet vạn vật cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được đề xuất kết nối tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp nhằm giúp giảm tổng chi phí logistics và nâng cao chất lượng sản phẩm.
PGS. Phùng Bảo Toàn tại Trường Kỹ thuật Điện và Viễn thông, Đại học New South Wales (UNSW Sydney, Úc) lại quan tâm tới hoạt động nông nghiệp diễn ra ở các vùng nông thôn xa xôi và thường bị cô lập. Các cộng đồng như vậy phải đối mặt với những thách thức duy trì nguồn cung cấp điện sao cho tin cậy và tiết kiệm chi phí.
Theo ông Toàn, Microgrids là mạng lưới cung cấp điện quy mô nhỏ dựa trên sự kết hợp của các nguồn năng lượng địa phương bao gồm quang điện mặt trời, nhiệt, máy phát điện diesel, gió, pin nhiên liệu và lưu trữ pin. Một microgrid có thể hoạt động độc lập hoặc được kết nối với mạng truyền dẫn điện quốc gia. Thể thức này ngày càng được xem là một cách rất hữu hiệu để cải thiện khả năng cung cấp điện cho các vùng nông thôn hẻo lánh.
Còn với ông Nguyễn Xuân Thính là giáo sư, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực thông tin địa lý, viễn thám và mô hình hóa tại trường Đại học TU Dortmund từ 2011 đã trình bày về, tầm quan trọng và tính hữu hiệu của GIS/GIS ba chiều (3D-GIS), quét laser 3 chiều, viễn thám và máy bay không người lái trong quản lý tài nguyên, môi trường và nông nghiệp thông minh. Thư hai là làm thế nào để tăng cường năng lực và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ GIS/GIS ba chiều (3D-GIS), quét laser 3 chiều, viễn thám và máy bay không người lái ở Việt Nam; vai trò lãnh đạo của nhà nước (chủ trương, chính sách, chỉ đạo quyết liệt), xây dựng được cơ sở hạ tầng tốt, giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phạm Trung Hiếu, giáo sư khởi nghiệp thuộc bộ môn Điện và Kỹ thuật Máy tính, Viện Công nghệ New Jersey (NJIT) và TS. Phạm Tấn Thi, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc Gia TP HỒ Chí Minh đã giới thiệu về công nghệ chế tạo LED thông minh và trao đổi về kế hoạch ứng dụng LED vào nâng cao chất lượng và phát triển cây giống. Bằng việc sử dụng LED thông minh, nhóm sẽ thiết kế và phát triển hệ đèn LED có khả năng diệt mầm bệnh và đồng thời kích thích tăng trưởng cây giống.
Hệ đèn LED này sẽ có thể đảm bảo chất lượng cây giống và rút ngắn thời gian tăng trưởng. Với mong muốn được đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam và nhận thấy đây là lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển công nghiệp 4.0 của nước nhà, nhóm đề xuất sự hỗ trợ của chính phủ và kêu gọi đầu từ xây dựng nhà máy sản xuất LED ứng dụng trong lĩnh vực y tế, truyền thông và đặc biệt là nông nghiệp.
Về vấn đề bảo quản, Tiến sĩ Trần Văn Hùng học Công nghệ Thực phẩm tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản cho rằng, hiện nay vấn đề sử dụng hoá chất trong bảo quản thịt, thuỷ sản và nông sản còn nhiều nan giải, dư lượng các chất này còn có gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người tiêu dùng và ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Do đó việc nghiên cứu phương pháp bảo quản thích hợp vừa đảm bảo thời gian bảo quản, chất lượng nguyên liệu, an toàn thực phẩm (ATTP) là một yêu cầu cấp bách của nguồn lợi từ nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày nay trên thế giới ATTP được đặt lên hàng đầu nên việc sử dụng hoá chất để bảo quản rất dè dặt và hạn chế. Chính vì vậy, TS Hùng sẽ co hướng nghiên cứu tập trung vào việc khai thác những nguồn nguyên liệu, chất bảo quản có nguồn gốc tự nhiên và có hoạt tính sinh học với mong muốn kéo dài thời gian bảo quan lâu nhất, nhưng vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và gía trị cảm quan của các sản phẩm trên, đảm bảo vệ sinh ATTP, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng và năng cao giá trị thặng dư cho ngành nông nghiệp VIệt Nam.
Bình luận (0)