Sự kiện giáo dụcTin tức

Quảng Nam kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-7, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Quang Bửu vừa ký công văn số 5108/UBND-KTN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về việc kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam để tạo hành lang thông thoáng phát triển thương hiệu sân Ngọc Linh

Tiềm năng và thế mạnh từ cây sâm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định là 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 – 2.000 m là 13.329 ha). Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.

Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là 1.428,96 ha (trong đó: hộ gia đình, cá nhân: 428,96 ha; tổ chức, doanh nghiệp: 1.000 ha). Qua đó, diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 1.243,00 ha (chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 02 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My. Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2020, các đơn vị đã cung ứng cho doanh nghiệp và người dân được 47.957 cây giống sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi. Tổng số tiền thu được từ việc cung ứng cây giống là hơn 9.686 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh gồm: Trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống sâm Ngọc Linh, mật ong sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh sâm, dung dịch uống sâm Ngọc Linh, viên ngậm sâm Ngọc Linh… với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50 – 60 kg/năm. Bên cạnh đó, sản phẩm sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My với lượng sâm củ Ngọc Linh tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên/tháng.

Cần chủ trương để phát triển mạnh vùng sâm

Công văn nêu rõ, Quảng Nam là một trong 02 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu sâm Ngọc Linh được xem là cây quốc bảo của Việt Nam. Căn cứ Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển sâm trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo nên diện mạo mới và thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, từ thực tiễn vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9, Điều 248, Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024) có quy định nội dung cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, chưa có quy định về trình tự thủ tục về hồ sơ, quy định về thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.

Theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22-9-2021 của Chính phủ, tại Phụ lục Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu. Nhưng đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Do đó, rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Qua đó, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, quản lý cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.

Việc xác định cây sâm Ngọc Linh hiện nay còn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để kiểm định, phân định rõ ràng. Từ đó, tình trạng sâm Ngọc Linh giả vẫn còn diễn ra thương xuyên và phức tạp ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cây sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh công tác trồng, sản xuất thì việc đồng bộ các công trình về kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện liên kết vùng sâm chủ yếu dựa vào nguồn lực địa phương nên còn rất nhiều hạn chế; chưa đảm bảo và tương xứng với nhu cầu phát triển hàng hoá, du lịch và kêu gọi các nguồn đầu tư đủ mạnh để phát triển vùng sâm Ngọc Linh.

Do vậy, UBND tỉnh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có ý kiến kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ một số nội dung nhằm hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cây sâm Ngọc Linh ngày càng phát triển bền vững. Cụ thể, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam. Chính phủ quan tâm chủ trì sơ kết thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới để thực hiện.

Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh như nâng cấp quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My – giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km), tỉnh Quảng Nam chịu kinh phí giải phóng đền bù; dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ. Đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh (dài 60 km); dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.

Chính phủ có chủ trương kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển Sâm tại Quảng Nam (Vingroup, TH True milk,…). Chọn 1 ngày trong năm người dân Việt Nam dùng sâm Việt Nam (đề xuất ngày 01-8 hằng năm).

Bộ NN& PTNT sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Điều 248, Luật Đất đai năm 2024; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tổ chức lễ hội Sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025. Triển khai chương trình phát triển du lịch sâm Việt Nam; Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; có cơ chế đưa sản phẩm sâm Việt Nam vào bảo hiểm y tế. 

Bộ KH-CN đề xuất các đề tài, chương trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh (di thực sâm xuống độ cao thấp hơn có điều kiện tương đồng, công nghiệp sâm,…).

Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)