Trong bối cảnh thương mại xanh thì việc xây dựng thương hiệu Việt càng trở nên cấp thiết, giúp gia tăng nội lực cho doanh nghiệp (DN), hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của DN mà cần cả “bệ đỡ” từ Nhà nước…
Những sản phẩm có thương hiệu luôn được người tiêu dùng chào đón
Thương hiệu Việt chưa nhiều
Ông Vương Ngọc Dũng – Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn – cho hay, DN luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng thì không thể tồn tại, phát triển lâu dài vì mỗi thời kỳ bán lẻ có những hình thức khác nhau.
“Đơn vị chúng tôi có thương hiệu nước hoa Miss Sài Gòn là sản phẩm mang yếu tố rất Việt Nam với bao bì áo dài nón lá. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, đơn vị luôn sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn. Hiện sản phẩm của đơn vị đang xâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản và chúng tôi cũng đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ”, ông Dũng thông tin.
Theo ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau gần 15 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan tỏa và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh”, qua đó tận dụng được những cơ hội mới như các hiệp định thương mại tự do.
Những năm qua, Việt Nam đã vươn lên top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Năm 2023, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. |
Bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận, mặc dù DN Việt đã và đang dần lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng nhưng sản phẩm được DN xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường chưa nhiều. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, có đến 70-80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Đơn cử như ngành công nghiệp chế biến – chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản – là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu… Điều này xuất phát từ nguyên nhân là thương hiệu của DN Việt còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho DN Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.
“Sản phẩm Việt đang thông qua thương hiệu của các nước khác, hoặc xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến. Đây là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản”, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chỉ rõ hạn chế của sản phẩm Việt.
Dẹp triệt để doanh nghiệp “đội lốt” thương hiệu Việt
Thương hiệu không chỉ là nội lực của DN mà còn là nội lực của quốc gia. Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM – thì cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới để đi xa hơn. Trong đó, nhân tố mới là yếu tố xanh. Để quá trình xanh hóa diễn ra đòi hỏi quyết tâm rất lớn của lãnh đạo DN. Tuy nhiên, tham gia vào quá trình này phải có cả vai trò quản lý của Nhà nước.
Xây dựng thương hiệu là “chìa khóa” để doanh nghiệp Việt mở cánh cửa lớn ra thế giới
“Riêng với TP.HCM, TP đã có Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Từ nghị quyết này, TP đã ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%. UBND TP.HCM nên sớm ban hành quyết định triển khai thực hiện nghị quyết này để tạo nguồn vốn cho DN”, ông Hòa kiến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, còn nhiều tắc trách trong tháo gỡ khó khăn, DN vẫn đang than phiền nhiều. Để tiến tới Net Zero vào 2050 (giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0) đòi hỏi phải đồng bộ cơ chế phát triển, vận động DN dành ngân quỹ xứng đáng để đón đầu xu thế chuyển xanh; đặc biệt cần cụ thể hóa các nghị quyết tăng trưởng xanh thành hành động.
“Cứ một nghị quyết mới được thông qua chúng ta làm rất dữ dội nhưng sau đó cũng nhanh chóng để chìm. Vậy nên TP.HCM phải có hành động cụ thể, đầu tư thích đáng cho chương trình. Đồng thời phải xử lý mạnh, dẹp triệt để các DN sản xuất “đội lốt” thương hiệu Việt. Trên hết, cần có sự đầu tư, vào cuộc của các cơ quan chuyên trách”, ông Dũng nhấn mạnh.
Từ thực tế ở châu Âu, khi người dân tập trung trước các công ty để phản đối việc làm ăn với các đối tác không tuân thủ ESG (môi trường – xã hội – quản trị), TS. Lý Hoàng Vũ – Đại học Lille Pháp – cho rằng, việc tuân thủ ESG là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để DN vươn ra biển lớn. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, cuối 2023 có 900.000 DN, trong đó 97% DN là vừa và nhỏ phải đối mặt với ma trận thông tin, nhiều tiêu chuẩn khác nhau…
“DN cần đầu mối thông tin tin cậy đã được các ban ngành thẩm định để tiếp cận xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Vũ nhấn mạnh.
Minh Phương
Bình luận (0)