Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tìm hiểu kỹ chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của các trường

Tạp Chí Giáo Dục

Nội dung này được đại diện các trường đại học nêu ra tại Chương trình Tư vấn xét tuyển đại học – cao đẳng năm 2024 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM – VTV9 và Trang tin điện tử tuyensinhhuongnghiep.vn thực hiện.

Để trúng tuyển chính thức thí sinh phải đăng ký trên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT

Theo kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, ngày 10/7 các trường đại học sẽ tải dữ liệu xét tuyển lên cổng thông tin chung của Bộ.

ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM cho biết, đối với thí sinh đã có kết quả trúng tuyển có điều kiện (phương thức xét tuyển sớm – PV) phải đăng ký trên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT để nhận nhận kết quả trúng tuyển chính thức. Thời gian đăng ký từ ngày 18/7 đến 30/7, sau đó nộp lệ phí đăng ký xét tuyển từ 31/7 đến 6/8. Lưu ý trước khi đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh phải tìm hiểu kỹ chỉ tiêu xét tuyển và phương thức xét tuyển của các trường đại học. Tìm hiểu điểm sàn, điểm chuẩn của những năm trước lấy cơ sở đối sánh để đăng ký. Đồng thời, xác định rõ phẩm chất năng lực cá nhân, sở trường, đam mê yêu thích nghề nghiệp trong tương lai.

Thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường lao động, xu hướng ngành nghề, mục tiêu nghề nghiệp, môi trường học tập, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hoạt động sinh viên, các nội dung liên quan đến học bổng tuyển sinh, chính sách ưu đãi của trường đại học,… để đặt nguyện vọng phù hợp.

Bên cạnh đó, thao tác thận trọng trong việc sắp xếp nguyện vọng khi đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. “Trong trường hợp trúng tuyển có điều kiện và không có sự thay đổi về ngành, trường, chính sách học bổng thì có thể đăng ký bằng kết quả trúng tuyển có điều kiện trước đó và trúng tuyển chính thức sẽ nhập học. Trường hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển thì thí sinh trúng tuyển có điều kiện trước đó cũng lưu ý nguyện vọng bằng điểm thi luôn luôn đặt cao hơn nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện, để trong trường hợp nếu không trúng tuyển bằng điểm thi cũng chắc chắn trúng tuyển bằng kết quả xét tuyển sớm vào các trường đại học”, ThS. Phạm Doãn Nguyên nhấn mạnh.

Nhiều ngành đào tạo bằng tiếng Anh

Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM hiện đào tạo song ngữ quốc tế với trên 50% chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Đây là nền tảng để sinh viên tiếp cận không chỉ về ngôn ngữ Anh mà còn học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm văn hóa, tri thức trên thế giới.

Tại Trường Đại học Việt Đức, chương trình đào tạo quốc tế cũng giảng dạy bằng tiếng Anh. PGS.TS Phạm Thành Dương – Trưởng khoa Kỹ thuật Trường Đại học Việt Đức cho biết, yêu cầu đầu vào sinh viên phải có trình độ IELTS 5.0 trở lên hoặc có thể tham gia kỳ thi tiếng Anh do nhà trường tổ chức.

Với hình thức tuyển sinh sớm bằng học bạ, thí sinh có thể sử dụng điểm tiếng Anh trong các năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 với điểm trung bình 7.5 trở lên vào xét tuyển. Đối với những phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm yêu cầu môn tiếng Anh phải từ 7.5 trở lên, cộng với điểm trung bình lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ 7.5 trở lên.

Đặc biệt, đối với những học sinh tốt nghiệp THPT từ các nước trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng chính thức thì không cần yêu cầu trình độ tiếng Anh; hoặc học sinh học các trường THPT quốc tế, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng chính thức cũng không phải tham gia kiểm tra đầu vào tiếng Anh.

PGS.TS Phạm Thành Dương lưu ý khi xét học bạ thí sinh được dùng điểm tiếng Anh bậc THPT. Trường hợp dùng kết quả thi thì dùng điểm thi để xét. Có chứng chỉ IELTS 5.0 sẽ được xét trên tất cả các hình thức.

“Đây là yêu cầu tối thiểu, để căn cứ trình độ tiếng Anh đầu vào nhà trường sẽ thiết kế chương trình phù hợp nhằm đảm bảo học hết năm nhất, tất cả sinh viên đạt tối thiểu IELTS 6.0”, PGS.TS Phạm Thành Dương chia sẻ.

Đa dạng ngành nghề, phương thức xét tuyển, chương trình đào tạo

PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, với 19 ngành nghề trong 6 nhóm ngành: quản lý kinh tế; khoa học trái đất và ứng dụng;  kỹ thuật công nghệ; máy tính – công nghệ thông tin; xây dựng kiến trúc; tài nguyên và môi trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khối kiến thức để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành nghề trong đó cốt lõi là môi trường và tài nguyên.

Ông nhấn mạnh trước định hướng phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam, một số ngành nghề hiện có nhu cầu nguồn nhân lực cao phải kể đến: quản lý tài nguyên biển đảo, quản lý tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, địa chất khoáng sản,… Đặc biệt, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với mức học phí 12-14 triệu đồng/năm sẽ là điều kiện tốt để thí viên có thể tham gia xét tuyển, thực hiện ước mơ tại trường.

“Cũng như các trường đại học khác, phương thức xét tuyển học bạ đã kết thúc đợt 3 và nhà trường đang chờ phương thức xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi hy vọng đây là nơi để thí sinh tìm kiếm nghề nghiệp tương lai phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội”, PGS.TS Huỳnh Quyền cho hay.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đào tạo 45 ngành nghề: điện tử, cơ khí, xây dựng, hóa thực phẩm, tới kinh tế, thời trang, du lịch… Đáng chú ý, một số ngành dù trong cùng một ngành nhưng lại khác chương trình đào tạo.

“Nhà trường có 4 chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Việt – Nhật và chương trình liên kết ở đại học quốc  tế”, TS. Trần Vũ Tự  – Phó Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết.

Theo TS. Trần Vũ Tự, là trường đào tạo theo định hướng về công nghệ, sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được đào tạo học đi đôi với hành nên khi tốt nghiệp ra trường luôn đáp ứng yêu cầu việc làm cho doanh nghiệp.

Thông thường những ngành đào tạo bằng tiếng Việt có số lượng hồ sơ nộp vào rất nhiều nên chỉ tiêu mặc dù cao nhưng điểm cao hơn so với hệ tiếng Anh.

Ông lưu ý, học phí chương trình liên kết sẽ cao hơn so với hệ đại  trà nên  tùy vào tình hình tài chính của gia đình mà thí sinh đăng ký. Mặt khác, tùy vào mục tiêu nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp mà thí sinh chọn hệ đào tạo phù hợp. “Đơn cử xác định làm công ty quốc tế, đi học nước ngoài thì chọn chương trình liên kết. Làm việc cho doanh nghiệp Nhật thì chọn chương trình đào tạo tiếng Việt – Nhật,… là thuận lợi lớn khi các em tốt nghiệp”, TS. Trần Vũ Tự cho hay.

N.A

Bình luận (0)