Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 đã khép lại sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Chương trình GDPT 2018 mở ra thêm nhiều cơ hội và thách thức cho giáo viên, học sinh.
Tác giả trong một tiết dạy môn hóa học ở Trường THPT Nguyễn Hiền
Học sinh “sợ” môn hóa vì cách dạy cũ
Nhìn lại quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa năm 2006 đã 7 lần giảm tải kiến thức, có điều chỉnh từng năm nhằm giảm áp lực cho học sinh song sự áp lực vẫn tồn tại xuyên suốt.
Chương trình GDPT 2006 được đánh giá là nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Kiến thức thiếu tính cập nhật thời đại, thiếu liên kết với thực tiễn khiến học sinh gặp khó khi áp dụng kiến thức vào cuộc sống và công việc sau này. Việc đặt nặng dạy và học kiến thức thuần túy gây áp lực thi cử; việc chú trọng đánh giá học sinh qua điểm số đã không thể đánh giá toàn diện năng lực học sinh, thầy cô dần mất định vị mình trong hành trình đổi mới và sáng tạo.
Phương pháp dạy học truyền thống theo “lối cũ – đường xưa” làm cho thầy cô thiếu chủ động trong việc cập nhật công nghệ, do đó ứng dụng công nghệ trong dạy và học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại. Khi thầy cô thiếu sự chủ động sẽ kéo theo hệ lụy là học sinh thiếu tính chủ động trong cập nhật kỹ năng tin học, ngoại ngữ để đáp ứng xu hướng của thời đại. Đơn cử như ở bộ môn hóa học, Chương trình GDPT 2006 kéo dài gần 20 năm với việc kiến thức trình bày gói gọn trong một bộ sách giáo khoa duy nhất. Thầy cô thường nói “sách giáo khoa là pháp lệnh”. Đề kiểm tra đánh giá môn học cũng gói gọn trong kiến thức ấy. Sự ràng buộc trong nội dung quá nhỏ bé của sách giáo khoa không thể nào phù hợp với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật tân tiến, và hiện tại luôn sống động từng giờ, từng phút. Bất cập này đã dẫn đến việc trong đề thi xuất hiện những dạng bài tập hóa học phi thực tế, đề có câu khó, câu vận dụng cao. Nhằm phân loại học sinh giỏi, lại có những kiểu bài tự chế số liệu kèm những phép tính toán mẹo, những bài toán đốt cháy vô nghĩa nhưng thực tế không đúng với khoa học, sai bản chất hóa học và không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm hóa học. Hệ lụy mang lại là dần làm cho nhiều thế hệ học sinh có những ý niệm sai lầm về hóa học, các em ngày càng chán ghét và sợ hãi môn hóa học mỗi khi nhắc đến.
Người thầy – nhân tố chính trong bức tranh đổi mới và sáng tạo giáo dục
Chương trình GDPT 2006 khép lại, Chương trình GDPT 2018 mở ra với nhiều cơ hội và thách thức, ở đó cần lắm sự định vị của người thầy – nhân tố chính trong bức tranh đổi mới và sáng tạo giáo dục.
So với Chương trình GDPT 2006, cái hay của Chương trình GDPT 2018 là phát triển về năng lực và phẩm chất người học. Đơn cử, ở môn hóa học nếu trước đây chỉ chú trọng lý thuyết và làm toán thì nay các em được trải nghiệm thực hành thí nghiệm nhiều hơn, được cập nhật kiến thức thực tiễn gắn với cuộc sống và định hướng được nghề nghiệp trong tương lai. Ở môn ngữ văn, nếu trước đây các tác phẩm chỉ gói gọn trong số lượng đếm trên đầu ngón tay, nặng về lý thuyết và phân tích văn bản thì với Chương trình GDPT 2018 tăng cường kỹ năng viết sáng tạo của học sinh, kỹ năng thuyết trình và tranh luận. Các bài học văn học được liên hệ nhiều hơn với thực tiễn, giúp học sinh thấy được giá trị và ứng dụng của kiến thức văn học trong cuộc sống hàng ngày. Tương tự, môn toán, chương trình cũ chủ yếu tập trung vào lý thuyết và bài tập giải toán truyền thống, khiến học sinh ít có cơ hội ứng dụng toán học vào thực tiễn. Với Chương trình GDPT 2018, học sinh được khuyến khích áp dụng kiến thức toán học vào các bài toán thực tế, giúp các em hiểu rõ hơn về cách áp dụng toán học trong đời sống và công việc sau này. Các bài học và hoạt động được thiết kế để phát triển tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo. Việc đổi mới, cải cách chương trình học gắn với yêu cầu cần đạt, đa dạng hóa nhiều bộ sách giáo khoa (không còn quy định chỉ có một quyển sách giáo khoa như trước) đã làm cho giáo dục tiệm cận với xu hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chương trình mới sẽ thách thức không ít thầy cô, gây ra một số trở ngại và khó khăn cho các thầy cô vốn quen “lối cũ – đường xưa”, không chủ động cập nhật công nghệ và trau dồi chuyên môn.
Học sinh tham gia các hoạt động trong giờ học môn hóa
Trải qua những lần tập huấn Chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh về cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tập trung đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh, chú trọng đánh giá toàn diện, đánh giá quá trình. Đề thi từ năm 2025 có nhiều dạng thức và lệnh hỏi, quan trọng là việc xây dựng ngân hàng các câu hỏi gắn liền với bối cảnh có ý nghĩa phù hợp với khoa học và thực tiễn. Điều đó càng đặt nặng trọng trách trên vai người thầy phải vượt lên mọi áp lực để có thể chuyên tâm với công tác giáo dục, thầy cô phải liên tục cập nhật kiến thức mới, gắn kết kiến thức và cuộc sống để học sinh hiểu được tầm quan trọng của môn học và kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu về năng lực, phẩm chất.
Giáo viên phải định vị lại mình
Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng nghĩa, mỗi thầy cô phải định vị lại mình sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Từ mục tiêu đánh giá của Chương trình GDPT 2018, mỗi giáo viên có nhiệm vụ đánh giá học sinh theo xu hướng mới, với mục đích giúp học sinh có động lực phát triển bản thân. Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng người học, không phải so sánh học sinh này với học sinh kia mà nhằm chỉ ra cho các em những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần rèn luyện để trưởng thành.
Giáo viên cũng cần phải học tập không ngừng, sáng tạo trong nhiều hoạt động dạy học để trở thành một người thầy hiện đại cùng học sinh tiệm cận được với nền giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế. Hành trình phía trước vẫn còn lắm chông gai, song với lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết của mỗi người thầy, tôi tin chắc thầy cô sẽ nhanh chóng thích nghi với bối cảnh của thời đại, biến “nguy” thành “cơ” để có thể thực hiện tốt sứ mệnh Chương trình GDPT 2018 với sự hào hứng và hạnh phúc. Hãy nhớ tất cả những điều thầy cô gieo hạt hôm nay sẽ là những cây xanh đầy quả ngọt, trái lành mà ở đó tất cả vì sự phát triển toàn diện của học sinh.
ThS. Phạm Lê Thanh
(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM)
Bình luận (0)