Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS.TS Vũ Hải Quân: Việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất sớm, phù hợp thông lệ quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe đầu tiên của Việt Nam đã được ĐH Quốc gia TP.HCM chuẩn bị kỹ lưỡng, từ rất sớm, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe cho PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng lâm thời)

Sáng 16-7, PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) với cương vị Hiệu trưởng lâm thời đã đón nhận quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe là thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Cùng dịp này, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng tổ chức lễ công bố và trao các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc đối với GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và PGS.TS Trần Cao Vinh (cùng công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên).

Cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho phía Nam

Tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân đã đón nhận quyết định thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe và các quyết định về công tác nhân sự của trường. Trường ĐH Khoa học Sức khỏe được thành lập trên cơ sở phát triển Khoa Y trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Khoa Y được thành lập vào năm 2009, là cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe theo mô hình trường học – bệnh viện; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trường hiện đang đào tạo sinh viên thuộc 5 ngành: Y khoa, dược học, răng hàm mặt, y học cổ truyền và điều dưỡng. Đối với bậc đào tạo sau ĐH, chuyên khoa cấp  có 5 chuyên ngành gồm: Nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và tai mũi họng. Đối với bậc đào tạo bác sĩ nội trú, có 4 chuyên ngành gồm: Ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa và tai mũi họng.


GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhận quyết định từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Ban Giám hiệu lâm thời Trường ĐH Khoa học Sức khỏe ngoài Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân kiêm Hiệu trưởng còn có 3 phó hiệu trưởng khác. Ban Giám hiệu lâm thời thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của trường theo quy định của pháp luật cho đến khi có quyết định mới.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khỏe đầu tiên của Việt Nam đã được ĐH Quốc gia TP.HCM chuẩn bị kỹ lưỡng, từ rất sớm, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngay từ khi thành lập Khoa Y năm 2009, ĐH Quốc gia TP.HCM luôn kiên định chủ trương phát triển khoa thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe để theo kịp xu hướng của thế giới cũng như phát huy sức mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của ĐH này.

Theo đó, khoa học sức khỏe mang tính liên ngành rất cao, bao gồm các lĩnh vực như hóa sinh, hóa dược, sinh học phân tử, vi sinh, khoa học thần kinh, sinh lý học, tâm lý học, dinh dưỡng, dược lý, độc chất, khoa học thị giác, công nghệ y sinh. Nói cách khác, khoa học sức khỏe đào tạo ra những bác sĩ, dược sĩ có thể phát triển, đánh giá và thực hành các phương pháp điều trị mới cho những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người.

Như vậy đào tạo ngành y, dược bây giờ cần được mở rộng hơn. Ngoài những tiết học chuyên sâu về y dược lâm sàng, những giờ thực hành trong bệnh viện rất cần thiết thì chương trình đào tạo bây giờ cần bao quát các kiến thức liên quan như hóa học, sinh học, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… để đáp ứng những yêu cầu mới, giải quyết những thách thức mới liên quan đến sức khỏe con người.

“Là hệ thống ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, ĐH Quốc gia TP.HCM hội đủ điều kiện để triển khai những chương trình đào tạo liên ngành đó” – ông Quân nói.

Ông Quân cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà trường cần thực hiện ngay khi ổn định tổ chức bộ máy và kiện toàn nhân sự. Thứ nhất, trường cần tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Kết nối tốt, tận dụng hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, đội ngũ các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và khoa học quản lý.


PGS.TS Trần Cao Vinh nhận quyết định từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Từ đó, tạo ra những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học mang đặc thù của ĐH Quốc gia TP.HCM, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thứ hai, trường phải đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam. Đồng thời, tham gia tư vấn các vấn đề chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển khoa học sức khỏe cho các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, trường cần sớm xây dựng một bệnh viện thực hành. Mô hình kết hợp giữa trường ĐH và bệnh viện là rất cần thiết, đem đến môi trường học thuật phong phú, nơi mà kiến thức mới được cập nhật liên tục và các phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay lập tức. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tiễn sớm.

Trao quyết định bổ nhiệm hai tân Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Cũng tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu kiêm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) và PGS.TS Trần Cao Vinh (Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cũng đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Mai và ông Trần Cao Vinh giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai sinh năm 1974 (quê Quảng Ngãi), từng tốt nghiệp ngành hóa học Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên). Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa dược tại Trường ĐH Y Dược Toyama (Nhật Bản).

Bà được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư năm 2014 và sau đó là giáo sư vào năm 2021. Năm 2023, bà Mai được phong là nhà giáo ưu tú. Tính đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã có hơn 80 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, bà chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam. Gần đây, nữ giáo sư tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước.

Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của GS. Mai đã đạt được giải thưởng “Quả cầu vàng” năm 2017, giải thưởng “Sáng tạo TP.HCM” năm 2019. Bà cũng được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống.

PGS.TS Trần Cao Vinh (sinh năm 1972, quê Trà Vinh), từng tốt nghiệp cử nhân ngành vật lý Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) năm 1994. Sau đó, ông được giữ lại trường, làm trợ giảng tại Khoa Vật lý và chính thức giảng dạy tại trường vào năm 1998.

Từ tháng 4-2007 đến nay, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng thí nghiệm Vật liệu kỹ thuật cao của trường. Ông lấy bằng tiến sĩ vật lý vào năm 2009 và đến tháng 1-2017, ông được công nhận phó giáo sư, là giảng viên cao cấp Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật.

PGS.TS Trần Cao Vinh có hơn 17 năm tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ở nhiều vị trí khác nhau như: Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch và Chủ tịch. Trong thời gian này, ông cũng tham gia công tác quản lý tại trường với nhiều chức vụ: Trưởng phòng Công tác chính trị (sau là Phòng Công tác sinh viên), Trưởng phòng Đào tạo.

Từ tháng 7-2018 đến tháng 10-2020, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; từ tháng 10-2020 đến nay, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường.

Mê Tâm

Bình luận (0)