Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, quận 1 chỉ tuyển được 26,13% giáo viên so với nhu cầu thực tế. Áp lực công việc, lương và các chế độ chính sách không đảm bảo cuộc sống đã dẫn đến thực trạng “chảy máu chất xám” ở giáo viên trẻ.
Thông tin được Phòng GD-ĐT quận 1 nêu ra tại buổi làm việc của ngành GD-ĐT quận 1 với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, sáng 15-7.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận 1, trong 4 năm gầy đây, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, quận luôn không tuyển đủ giáo viên so với nhu cầu.
Ông Võ Cao Long – Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn quận
Cụ thể, thực trạng tuyển dụng giáo viên trên địa bàn quận qua 4 năm như sau:
Năm học 2020-2021, nhu cầu tuyển dụng là 194 giáo viên, thực tế số thí sinh trúng tuyển và nhận công tác là 71 người, tỷ lệ 36,59%.
Năm học 2021-2022, nhu cầu tuyển dụng là 280, số lượng thí sinh trúng tuyển và nhận công tác là 46, tỷ lệ 16,42%.
Năm học 2022-2023, nhu cầu tuyển dụng là 304, số thí sinh trúng tuyển và nhận công tác là 90 người, tỷ lệ 29,60%.
Năm học 2023-2024, nhu cầu tuyển dụng là 276, số thí sinh trúng tuyển và nhận công tác là 79 người, tỷ lệ 28,62%.
Tính tổng 4 năm, quận 1 mới chỉ tuyển được 26,13% giáo viên so với nhu cầu cần tuyển.
Theo ông Võ Cao Long – Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài. Bậc mầm non, cấp tiểu học với giáo viên nhiều môn, giáo viên tiếng Anh, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tổng phụ trách Đội; Cấp THCS là giáo viên ngữ văn, lịch sử, địa lý, công nghệ kỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật, tiếng Trung, tiếng Nhật, tổng phụ trách Đội. Số lượng giáo viên chưa đáp ứng đủ định mức trong đề án vị trí việc làm.
Trong 4 năm học, quận 1 chỉ tuyển được hơn 26% giáo viên so với nhu cầu cần tuyển
Các cơ sở giáo dục không tuyển dụng được giáo viên do không có giáo viên đăng ký vào các vị trí cần tuyển dụng. Giáo viên tham gia tuyển dụng chưa đạt yêu cầu hoặc giáo viên đăng ký tuyển dụng nhiều quận, huyện thành phố nhưng khi trúng tuyển chỉ chọn 1 cơ sở giáo dục để giảng dạy.
Có hiện tượng “chảy máu chất xám” ở giáo viên trẻ
Ông Võ Cao Long cho hay, số lượng giáo viên sinh sống trên địa bàn quận 1 và các quận lân cận rất ít. Vì khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc xa, nhiều trường hợp giáo viên ở tỉnh phải thuê nhà ở trọ, vì hoàn cảnh gia đình nên không gắn bó lâu dài tại nơi công tác, sau một thời gian sẽ xin thuyên chuyển hoặc nghỉ việc.
Cạnh đó, giáo viên mới tuyển dụng, sau một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc, chuyển việc do không yên tâm công tác vì áp lực, lương và các chế độ chính sách khác không đảm bảo cuộc sống. Có hiện tượng “chảy máu chất xám” ở nhóm giáo viên trẻ, sau khi được nhà trường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng nguồn thu nhập ở trường ngoài công lập hấp dẫn hơn trường công lập, họ sẵn sàng chuyển đổi nơi công tác.
“Việc xét thi đua hàng năm đã quan tâm đến đối tượng giáo viên, nhân viên, từ đó tạo động lực thúc đẩy nhà giáo công tác tốt. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành” – ông Long nhận định.
Kiến nghị xem xét quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với từng cấp học
Góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Võ Cao Long – Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 khẳng định, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm nhà giáo, đồng thời tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Tuy nhiên, ông cho rằng dự thảo Luật Nhà giáo cần có chính sách hỗ trợ nhà giáo tại các điểm trường khó khăn để nhà giáo yên tâm công tác; cần bổ sung chuẩn nhà giáo là người nước ngoài; Mỗi nhà giáo chỉ nên được cấp 1 chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉnh hành nghề nên có thời hạn, giáo viên được sát hạch, kiểm tra lại để được gia hạn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cho từng giai đoạn phát triển của ngành.
Theo ông, từ năm học 2024-2025, ngoài việc căn cứ trên số lượng biên chế được giao, việc tuyển dụng còn phải căn cứ trên đề án vị trí việc làm của từng cơ sở giáo dục. Số lượng biên chế được giao sẽ tùy thuộc vào số lượng học sinh, lớp của mỗi năm. Do đó, việc điều chỉnh đề án vị trí việc làm của từng năm là điều cần thiết.
Ngoài ra, việc tổ chức thi/ xét thăng hạng cần thực hiện trước thời gian tuyển dụng để ổn định hạng cho giáo viên trước khi tuyển dụng.
Luật Nhà giáo cần thống nhất quy trình thuyên chuyển công tác…
“Cần xem xét quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo không chỉ cấp học mầm non mà còn ở các cấp học khác khi không còn đủ khả năng lao động. Nhà nước cần chăm lo, có chính sách đãi ngộ cho các nhóm đối tượng nhân sự hoạt động gián tiếp trong nhà trường như kế toán, văn thư, y tế, thiết bị, thư viện, giáo vụ, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục người khuyết tật…” – ông Long đề xuất.
Yến Hoa
Bình luận (0)