Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quận 1 nghiên cứu thí điểm giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Quận 1 đang nghiên cứu giao cơ chế tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng nhà trường. Có thể thí điểm ở một số trường, sau đó sẽ triển khai rộng hơn.


Bà Mai Thị Hồng Hoa – Phó chủ tịch UBND quận 1 cho biết, quận đang nghiên cứu giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng

Thông tin được Bà Mai Thị Hồng Hoa – Phó Chủ tịch UBND quận 1 nêu ra trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về Luật Nhà giáo, ngày 15-7.

Bà Hồng Hoa cho biết, nội dung này đang được các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận nghiên cứu, để có những đề xuất thực hiện. Có thể thí điểm ở một số trường, sau đó sẽ triển khai rộng hơn.

Theo bà, Luật Nhà giáo cần làm sao tăng được tính chủ động, linh hoạt, khả năng áp dụng cao nhất cho công tác giảng dạy, quản lý của các cơ sở giáo dục.

Bà đề xuất nên chăng giao cho hiệu trưởng quyền tuyển dụng giáo viên, sử dụng có hiệu quả và chịu trách nhiệm về công tác tuyển dụng. Bởi vì chính hiệu trưởng là người giám sát và chịu trách nhiệm cao nhất đối với chất lượng giáo dục và hiệu quả công tác tại đơn vị. Vì vậy, hiệu trưởng sẽ nắm rõ nhất trường mình cần những người thế nào, giáo viên ra làm sao, thiếu như thế nào… Dĩ nhiên phải tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ.

Xây dựng Luật Nhà giáo giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra

Tại buổi khảo sát, ông Đỗ Chí Nghĩa – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu lên thực trạng hiện nay có tình trạng là người người làm giáo dục, nhà nhà làm giáo dục. Ai cũng có thể can thiệp vào giáo dục.

Trong khi quy trình giáo dục là cả một quá trình, đi từ mỗi tiết học, mỗi môn học rồi dần dần mới trở thành chỉnh thể hoàn thiện. Nhưng nếu cắt lớp ra một lát cắt rất nhỏ của một tiết học hoặc là một câu nói của giáo viên thì sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho giáo viên.

Từ đó, ông đặt ra vấn đề là khi xây dựng Luật Nhà giáo thầy cô cần phải làm rõ vị thế của nhà giáo. Nhà giáo có quyền gì trong khuôn viên nhà trường. Ví dụ, trong khuôn viên nhà trường mà xúc phạm danh dự nhà giáo thì coi như chống người thi hành công vụ có được không…? Thầy cô cần thẳng thắn rằng nên có những quy định gì trong thực tiễn giảng dạy để tôn vinh vị thế nhà giáo trong nhà trường, xã hội, trong hoạt động giáo dục…


Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng Luật Nhà giáo giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra

Bên cạnh đó, ông Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, Luật Nhà giáo cần làm thế nào để thu hút người giỏi vào nghề giáo. Theo ông, phải có đột phá ưu đãi đối với nhà giáo thông qua các chính sách. Ví dụ, có thể đề xuất đến việc giảm học phí cho con em của giáo viên.

Riêng trong quản lý nhà giáo, theo ông quan trọng nhất là phải giải phóng nhà giáo khỏi giấy tờ, họp ít đi, báo cáo ít đi. Chứ không thể bắt giáo viên bày ra quá nhiều bài giảng quy mô hoặc là môn nào cũng dự án, tiết nào cũng dự án…

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của thầy cô giáo ngành GD-ĐT quận 1 trong buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng đoàn khảo sát – đánh giá, các ý kiến với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, nói lên tiếng nói của thực tiễn, để quy định luật đi vào thực tiễn. Đặc biệt khi quận 1 là quận tiên phong trong việc thực hiện các chính sách giáo dục một cách khoa học, linh hoạt để có hiệu quả tốt nhất.

Bà cho biết, những ý kiến sẽ được đưa vào báo cáo khảo sát của đoàn. Kết quả báo cáo khảo sát là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ thẩm tra Luật Nhà giáo. Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã ngồi với ban soạn thảo luật và từ giờ cho đến tháng 10-2024 sẽ còn nhiều toạ đàm, hội thảo với các chuyên gia. Những ý kiến ngày hôm nay sẽ được tiếp tục đặt ra trong các diễn đàn, các cuộc làm việc, hội thảo, toạ đàm…

“Mục tiêu cuối cùng là làm sao trong thời gian tới, chúng ta có một Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Có thể chưa hoàn toàn triệt để, có thể chưa đáp ứng một cách toàn diện mong muốn của thầy cô nhưng ít ra phải trả lời được câu hỏi khi Luật Nhà giáo ra rồi thì môi trường làm việc của giáo viên có tốt hơn không; Điều kiện làm việc của giáo viên có tốt hơn không; Vị thế nhà giáo có đáp ứng không. Đặc biệt là hệ thống chính sách đối với nhà giáo cả trong và ngoài công lập có bảo đảm được để giáo viên an tâm gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp hay không” – bà Nguyễn Thị Mai đặt vấn đề.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngay cả khi luật quy định các điều kiện như thế nhưng điều kiện tổ chức thực hiện của địa phương chưa đảm bảo thì luật cũng chỉ là luật. Như vây, để hài hòa thì cần thiết các điều kiện thực tiễn và sự đồng bộ, hỗ trợ, vào cuộc thiết thực của các cấp chính quyền địa phương.

Bà cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến, vào tháng 10/2024 tới đây mới trình Quốc hội lần đầu và tháng 5-2025 mới chính thức thông qua. Do đó, mong muốn thầy cô tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến góp ý xây dựng Luật Nhà giáo.

Trong tuần này, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ làm việc tại TP.HCM lấy ý kiến xây dựng về Luật Nhà giáo; phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi và đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động.

Yến Hoa

 

 

Bình luận (0)