Bệnh bạch hầu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tại Việt Nam, nhờ Chương trình tiêm chủng mở rộng mà bệnh bạch hầu gần như đã được loại trừ. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, dịch bệnh có xu hướng tăng, thậm chí có cả trường hợp tử vong…
Lực lượng y tế tỉnh Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm bệnh bạch hầu cho người dân tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn
Từ năm 1984, vắc-xin chứa thành phần bạch hầu đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng với 3 liều cơ bản cho trẻ em dưới 1 tuổi. Đến năm 2011, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã triển khai tiêm mũi nhắc vắc-xin DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi trên phạm vi toàn quốc. Với thành quả của tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu trên cả nước giảm từ 84,4/100.000 dân (năm 1984) xuống còn dưới 0,05/100.000 dân (năm 2022).
Tử vong sau một tuần thi tốt nghiệp THPT
Đó là bệnh nhân là P.T.C. (18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Bệnh nhân là học viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trước đó, ngày 26-6, C. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Trường THPT Kỳ Sơn vào ngày 27 và 28-6. Sau khi thi xong, C. về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1-7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán: Viêm loét họng – Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu. Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị nhưng gia đình không đủ điều kiện, xin nằm điều trị tại khoa. Đến ngày 4-7, tình trạng bệnh nhân C. không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị. Bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hồi 14 giờ 44 phút ngày 4-7 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Bệnh nhân được gia đình xin về lúc 23 giờ 50 phút ngày 4-7 và tử vong trên đường về vào lúc 4 giờ ngày 5-7.
Thực hiện điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Trong đó có 7 trường hợp tiếp xúc gần (ở cùng phòng với bệnh nhân tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn).
Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân C. ở ký túc xá có 2 trường hợp là M.T.S. và M.T.B. đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Qua lấy mẫu xét nghiệm, chiều 7-7, cơ quan chuyên môn xác định B. dương tính với bệnh bạch hầu.
Trước đó, ngày 24-8-2023, tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ghi nhận một ca tử vong do mắc bệnh bạch hầu là V.M.D. (15 tuổi, dân tộc Mông). Điều đáng nói là D. không đi khỏi địa phương, cũng không tiếp xúc với người mắc bệnh, trong gia đình không ai mắc bệnh tương tự. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại Hà Giang trong gần 20 năm qua.
Từ ngày 30-4 đến 21-5-2023, tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất
Trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.
Theo Bộ Y tế, vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.
Theo các chuyên gia dịch tễ, cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hiện nay có mặt trong tất cả các loại vắc-xin kết hợp như: 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1 và 6 trong 1 dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tuổi. Trẻ có thể bắt đầu với các mũi tiêm cơ bản lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi và tiêm liều nhắc lại lúc 16 đến 18 tháng tuổi; 4 đến 7 tuổi; 9 đến 15 tuổi. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai; người già có bệnh nền mạn tính cũng cần tiêm mũi nhắc bạch hầu.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Nếu tuân thủ việc tiêm chủng, trẻ nhỏ sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cũng như các bệnh nguy hiểm khác như: ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm màng não mủ, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, thương hàn… Bên cạnh đó, tiêm chủng vắc-xin còn giúp giảm thiểu tối đa các di chứng, biến chứng, tử vong do bệnh tật so với trường hợp không được tiêm phòng. Các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
“Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng để trẻ được tiêm đầy đủ và đúng lịch”, đại diện HCDC khuyến cáo…
Ngọc Hà
Bình luận (0)