Với những thành tựu lớn lao của khoa học công nghệ, việc dạy học theo phương pháp truyền thống – phấn trắng bảng đen – khó có thể đáp ứng được nhu cầu của giáo viên (GV) và học sinh (HS). Chính vì thế những công cụ máy tính bảng, điện thoại thông minh sẽ giúp thầy và trò có những bước đi mạnh mẽ trong việc cải tiến phương pháp dạy – học.
Thầy Lữ Thế Đăng đang hướng dẫn HS cách thực hiện trắc nghiệm online đối với bài kiểm tra đánh giá |
Đây là những ứng dụng ban đầu của một số GV bộ môn đang công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).
Office 365 và bài giảng e-Learning
Thầy Lợi Minh Trang (GV bộ môn hóa học) khẳng định, Office 365 Education là một tập hợp các dịch vụ cho phép GV cộng tác và chia sẻ bài vở trong nhà trường. Các dịch vụ này hầu hết được cung cấp miễn phí cho GV hiện đang công tác và HS hiện đang theo học tại một tổ chức giáo dục. Theo thầy Trang, muốn sở hữu Office 365 chúng ta dùng tài khoản Microsoft truy cập vào trang web: https://portal.office.com. Giao diện của Office 365 với nhiều công cụ như: bộ office online (Word, Excel, PowerPoint), công cụ quản lý lớp học (OneNote, Class Notebook, Classroom, Planner), lưu trữ (One Drive), tạo web (Sway)…
Cụ thể, One Drive là một dịch vụ lưu trữ đám mây cá nhân miễn phí của Microsoft giúp người dùng lưu trữ toàn bộ các hình ảnh, video và các tài liệu quan trọng; đồng thời có thể truy cập dữ liệu dễ dàng từ toàn bộ các thiết bị họ đang sử dụng. One Drive cung cấp dung lượng 1TB (1024 GB) cho một tài khoản Office 365. Với khoảng dung lượng này là nơi lý tưởng để GV lưu tài liệu và đồng thời là nơi GV cung cấp nguồn dữ liệu của mình cho HS, phục vụ quá trình tự học của các em. Đối với Class Notebook, đây là một ứng dụng để giúp thiết lập OneNote trong lớp học. Ứng dụng này sẽ tạo một số ghi chép lớp học bao gồm ba loại: Sổ ghi chép học viên, thư viện nội dung và không gian cộng tác. Ngoài tác dụng quản lý học tập, Class Notebook còn giúp GV chủ nhiệm và phụ huynh gặp gỡ, trao đổi qua online để xem bài kiểm tra hoặc thông tin bộ môn cụ thể. Form là công cụ trực tuyến tạo khảo sát cũng như trắc nghiệm online cho GV và HS. Bên cạnh việc đưa ra những bài tex trên điện thoại, form làm cho giao diện co lại dễ nhìn hơn. Thực tế cho thấy, form gõ được công thức vật lý, hóa học và luôn đồng bộ chứ không hề chỏi nhau.
Theo thầy Nguyễn Thanh Hiếu (GV bộ môn toán), bài giảng theo chuẩn e-Learning là bài giảng có khả năng tích hợp đa phương tiện truyền thông có khả năng tương tác với người học và tuân thủ một trong các chuẩn SCORM, AICC… Xây dựng bài giảng điện tử e-Learning là một trong những kỹ năng cần thiết đối với mỗi GV ngày nay khi mà giáo dục Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và tiếp cận với công nghệ giáo dục hiện đại. So với bài giảng truyền thống, e-Learning chủ động hơn không bó buộc về thời gian, tiết kiệm chi phí tiền bạc, không giới hạn số lượng người, độ tuổi, giới tính, ngôn ngữ, có thể học đi học lại nhiều lần, học mọi nơi mọi lúc. HS chủ động tìm kiếm thông tin và có sự tương tác với GV. Người học xác định được đúng – sai tại chỗ nên dễ tiếp thu bài vở, nhất là đối tượng HS yếu.
Skype và trắc nghiệm online
“Trắc nghiệm online không chỉ dễ sử dụng mà còn biết được số lượng bài làm và sau đó biết ngay điểm số; tiện ích chấm nhanh, không kén giấy, có thể nhận dạng được số báo danh và phân biệt tối đa 4 mã đề…”, thầy Lữ Thế Đăng (GV bộ môn vật lý) nói. |
Cô Trương Vũ Thanh Mai (GV bộ môn ngoại ngữ) đúc kết, Skype giúp lớp học sinh động hơn khi HS được tiếp cận nhiều nguồn kiến thức cũng như thực hành, chia sẻ các kỹ năng. Theo đó, Skype giúp HS tham gia chuyển phiếu lưu và tiếp cận các khóa học mà không cần rời khỏi lớp mình. Các em có thể ghé thăm các nơi, gặp gỡ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, người học có thể kết nối với các nhà giáo dục trên thế giới và cộng tác trên một dự án cụ thể. Ví dụ, nếu GV nào đang giảng dạy về ngôn ngữ, có thể kết nối bằng Skype với một nơi để cùng tìm hiểu và trao đổi về ngôn ngữ. Ngoài ra, HS có thể tham gia vào các câu đố, trò chơi phổ biến giúp các em tìm hiểu địa lý, văn hóa, khoa học và sự tương đồng cũng như sự khác biệt trên toàn cầu. Tiện ích hơn, Skype mở rộng vòng tay giúp kết nối HS với những GV, tình nguyện viên, chuyên gia giáo dục ở khắp các quốc gia trên thế giới. Theo đó, HS luôn hứng thú học vì được chủ động khi tìm hiểu kiến thức. Là cầu nối trung gian, GV đóng vai trò người hướng dẫn HS nên Skype là công cụ hữu ích đem lại hiệu quả ngoài mong đợi.
Trong khi đó, thầy Lữ Thế Đăng (GV bộ môn vật lý) rất tâm đắc hình thức trắc nghiệm online với các công cụ hữu ích để tạo ngân hàng câu hỏi, đề thi và trộn đề thi, quản lý thi online, chấm trắc nghiệm online. Đối với GV, các bước tạo một bài kiểm tra online bao gồm đăng ký tài khoản, tạo ngân hàng câu hỏi, thêm thư mục con bằng cách đặt tên theo môn học. Đối với HS, các em cần đăng ký tài khoản và đăng nhập, nhập mã code do GV cung cấp để bắt đầu làm bài thi. Theo thầy Lữ Thế Đăng, trắc nghiệm online không chỉ dễ sử dụng mà còn biết được số lượng bài làm và sau đó biết ngay điểm số. Ngoài ra, GV cũng phải thành thục phần mềm chấm thi trắc nghiệm Zipgrade vì tiện ích chấm nhanh, không kén giấy, có thể nhận dạng được số báo danh và phân biệt tối đa 4 mã đề. Mẫu phiếu trắc nghiệm lại vô cùng đơn giản, có thể in trên giấy photo thông thường. Kết quả chấm thi có thể được xuất ra file PDF bao gồm cả ảnh của bài trắc nghiệm trên đó ghi rõ câu đúng, câu sai và đáp án. “Vì thế hơn ai hết GV cần bỏ công sức ứng dụng CNTT theo hướng tích cực. Có như vậy quá trình dạy học mới định hướng được năng lực tự học của HS”, thầy Lữ Thế Đăng khẳng định.
Hương Thủy
Bình luận (0)