Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP tổ chức lễ tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tại Đền Bến Dược

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 27-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP, cùng với sự tham gia của Bộ Tư lệnh TP, Ban Dân vận Thành ủy tổ chức Lễ tưởng niệm và hoạt động Lễ cầu siêu theo truyền thống văn hóa dân tộc, gắn với văn hóa Phật giáo tại Đền Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.


y ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP đã thành kính tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ tại chính điện Đền Bến Dược

Tại Đền Tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Bến Dược, Lãnh đạo TP, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc chức việc các tôn giáo, đại diện các giới, các tầng lớp nhân dân TP đã thành kính dâng lên vòng hoa tươi thắm và thắp những nén hương thơm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, cùng anh hùng, liệt sĩ và đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Phước Lộc xúc động chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, chứng tích chiến tranh vẫn còn nằm yên trong quá khứ nhưng hàng triệu triệu nỗi đau vẫn còn đó. Cả nước có 9,2 triệu người có công với đất nước, gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách, người có công với đất nước. Trên 3.200 nghĩa trang khắp cả đất nước, hơn 180.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên khắp các chiến trường, chưa về được quê mẹ thân yêu của mình, vẫn còn 600.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin chờ bổ sung, xác định danh tính”.

Ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh kỷ niệm ngày 27-7 hằng năm là ngày mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn ghi nhớ công ơn, tri ân sâu sắc và có trách nhiệm thiêng liêng đối với những hy sinh, mất mát to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, của mẹ Việt Nam anh hùng, của mẹ liệt sĩ, của vợ liệt sĩ, của thương binh, bệnh binh, của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, của những người tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Anh hùng sẵn sàng chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ông nhắn nhủ “Mỗi khi chúng ta chỉnh trang, cải tạo mới, nâng cấp các nghĩa trang, chúng ta bước đến nghĩa trang liệt sĩ thấy cỏ mọc trên đất rộng nghĩa trang thì chúng ta không được phép vô tình, không được vô tư trước màu xanh cỏ ấy, vì dưới lòng đất ấy là cả một sự hi sinh to lớn, vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tại Đền Bến Dược (huyện Củ Chi) có 44.520 liệt sĩ được khắc tên trong đền, trong đó có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh thành khác đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đền Bến Dược không chỉ là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn, sự tôn kính đối với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TP.HCM, nằm ngay giữa “tam giác sắt” trên vùng đất nổi tiếng với địa đạo Củ Chi, một trong những biểu tượng của sự kiên cường và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Phước Lộc khẳng định: “Trong suốt 49 năm qua, TP.HCM luôn coi trọng, đưa lên hàng đầu chính sách đối với người có công, với đất nước, gắn liền với phát triển kinh tế xã hội của TP, xem đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng của TP, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. TP xác định công tác chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng là vinh dự để thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Thủy Phạm

 

 

 

Bình luận (0)