Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Tổng thống Pháp yêu cầu cải cách triệt để nền giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Kỷ niệm 200 năm ngày Hoàng đế Napoleon thành lập Trường Saint-Louis-de-Monceau, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến thăm trường cũ. Ở đây ông đã có bài phát biểu quan trọng về yêu cầu cấp bách cải cách nền giáo dục phổ thông Pháp.

Chương trình còn bất cập

“Tình hình hiện nay đã đến mức không chịu được nữa. Hệ thống các ban (filiere), bị các môn khoa học chèn ép (nguyên văn là “nghiền nát” – TG), làm mất cân đối, và hoàn toàn không làm tròn bất cứ mục tiêu nào”, Tổng thống phát biểu. Mục tiêu đề ra là: cải tổ lại lớp Đệ nhị (lớp 10 VN) bắt đầu ngay từ tháng 9 năm 2009; rồi lần lượt đến lớp Đệ nhất (lớp 11), lớp cuối – Terminale – (lớp 12), làm sao cho đến năm 2012 phải có “tú tài mới”. Một dự án sâu rộng! Sau đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Xavier Darcos đề nghị các đồng nghiệp, cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo đồng tình với lộ trình chung, xem như bước đầu của cải cách.

“Con tàu cải cách” do Viện trưởng Viện Hàn lâm Marseille nổ máy vẫn tỏ ra trì trệ. Nhưng không thể kéo dài tình trạng ì ạch mãi như thế được, vì những khuyết tật của hệ phổ thông ai cũng biết, ai cũng công nhận. Trước hết là hệ thống các ban trong giáo dục phổ thông, từ thấp đến cao, từ đại cương đến chuyên nghiệp. Một sự phức tạp kinh khủng! Với 14 chuyên ngành cho phổ thông đại cương, 22 cho phổ thông chuyên nghiệp, 54 cho phổ thông dạy nghề. Vừa tốn kém, vừa khó quản lý. Một cấu trúc “khép kín”, với chương trình học lê thê, thời gian học kéo dài nặng nề thiên về sách vở. Học sinh thì học vội vàng cho xong. Kết quả là chúng không được chuẩn bị gì hết cho bậc học đại học, nơi chúng phải tự học là chính… Hơn nữa công tác định hướng bất cập, khi vào đại học có đến 1 phần 3 không học nổi bậc cử nhân!

Học sinh Pháp trong giờ học

Phải bỏ lối học từ chương

Để khắc phục tình hình đó, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp. Đó là những kiến nghị của Antoine Prost năm 1983, của nhà sư phạm Philippe Meirieu năm 1998, của cựu Hiệu trưởng Toulouse, bà Belloubet-Frier năm 2002… Và nhiều kiến nghị, hội thảo, của chuyên gia, công đoàn, tổ chức quốc tế…

Nôi dung chủ yếu để yêu cầu cải cách là: xóa bỏ dứt khoát “bậc thang” các ban, trở về với trường phổ thông “đại cương”, mà cái trục chung là tiếng Pháp, toán, và ngoại ngữ… Học sinh sẽ hoàn thành tín chỉ bằng cách chọn môn học theo dự kiến cá nhân về hướng đi nghề nghiệp, như nhiều nước Bắc Âu hay Canada đã thực hiện. Theo Bộ trưởng Xavier Darcos, phải “Nhân rộng hình thức nhóm lớp, để xóa đi cái lý luận ban này ban nọ. Khái niệm lưu ban không còn nữa, vì học sinh chỉ cần học lại môn nào mình không đạt, như vậy là đã tiết kiệm được 10% khóa trình”.

Cải cách kiểu đó có lật đổ được “vai trò chuyên chế” của môn toán không? Nhiều chuyên gia cho rằng “có thể được”, nếu các môn văn và xã hội được đề cao, tiêu chuẩn tuyển dụng rõ ràng, công bằng.

Trong trường phổ thông cải cách đó, chương trình, cách dạy, cách học phải đổi mới theo hướng: “Liên hệ môn học với thực tế, thiết kế môn học xung quanh một dự án có ý nghĩa đối với học sinh”. (Ý nói: gắn liền với xu hướng nghề nghiệp mà em đó chọn -TG). Phải dành nhiều thời gian cho tự học, cho sáng tạo, cho tìm tòi cá nhân… Số giờ học hiện nay là 35, phải rút bớt thực sự. Phát huy cách làm việc theo nhóm về một dự án, cũng như phong cách nghiên cứu cá nhân. Theo nhà sử học Antoine Prost “Phải nâng cao yêu cầu, mà giảm bớt nội dung”. Chắc chắn rằng sẽ có những cuộc “tranh luận nảy lửa” giữa các chuyên gia muốn bảo vệ “môn học quan trọng” của mình. Cuộc cải cách đòi hỏi gắt gao giáo viên phải “tự cải cách”.

Đẩy mạnh ngay công tác định hướng vì học sinh vẫn còn mơ hồ nghề nghiệp, chưa kể cha mẹ, thầy giáo còn hiểu biết quá ít về ngành nghề, để có thể góp ý kiến với học sinh khi chúng chọn nghề.

Muốn cải cách trường học phổ thông trước hết giáo viên và học sinh phải thực sự đi vào thực tế hoạt động kinh tế, xã hội… Phải mở cổng trường ra, tập cho học sinh từng bước đi vào đời trên tư thế tự tin, có kiến thức, có bản lĩnh. Phải bỏ lối học từ chương lạc hậu, vô ích…

PHAN THANH QUANG

(Trong Le Nouvel Observateur số 6/2008)


Bình luận (0)