Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: Cơ hội học tập xa vời với trẻ em đường phố

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ hội học tập với trẻ em đường phố là quá xa vời
Cậu bé Deepchand, 14 tuổi, ngồi trong lớp học nhưng không thể nào tập trung vào bài giảng mà nằm dài ra bàn ngủ. Cậu đã quá mệt mỏi sau khi dành cả buổi sáng để bới tìm trong các đống rác những thứ có thể bán được. Bố mất, mẹ bỏ rơi, Deepchand phải kiếm sống bằng nghề nhặt rác trên đường phố thủ đô Niu Delhi. Với cậu, công việc luôn phải bắt đầu từ trước bình minh.
Cơ hội học hành đến nơi đến chốn của Deepchand cũng như nhiều trẻ em đường phố khác tại Ấn Độ đã được mở ra khi tổ chức Save the Children thực hiện một chương trình giáo dục dành cho trẻ em đường phố, nhằm chuẩn bị cho các em những kiến thức cơ bản để từ đó có thể tiếp cận được với hệ thống trường học chính quy.
Theo đó, tổ chức Save the Children đã mở một trường học cho trẻ em đường phố tại Ấn Độ. Trường học này thuộc một mạng lưới toàn cầu do Tập đoàn Bảo hiểm Aviva tài trợ. Tại đây, trẻ em đường phố được dạy những kỹ năng xã hội cơ bản nhất để bắt kịp với chương trình học ở trường và có thể đi học trở lại. Tuy nhiên, việc làm này không hề đơn giản. Ông Pradeep Kumar, một nhân viên của Save the Children cho biết: “Các em đã quá kiệt sức vì lao động vất vả nên khi đến trường, nhiều lúc không thể tập trung tiếp thu bài giảng. Ngoài ra, phần lớn học sinh là trẻ em đường phố rất ít hoặc chưa từng cắp sách đến trường nên giáo viên phải kỳ công dạy các em từ những điều cơ bản nhất, đơn giản như học cách giữ một cây bút trong tay”.
Làm thế nào để thu hút hàng triệu trẻ em đường phố ở Ấn Độ đến với trường học là một thách thức lớn mà Chính phủ nước này phải đối mặt khi thực hiện Luật Quyền tiếp cận giáo dục mới ra đời hơn một năm. Trong khi chính người thân của các em, do hoàn cảnh sống đói nghèo với nguồn thu nhập ít ỏi từ việc bới rác, đã không nhìn thấy lợi ích của việc học hành. Thậm chí có không ít trẻ em đường phố khao khát được tới trường nhưng lại bị cha mẹ ép phải đi bới rác hay làm những công việc lặt vặt khác để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Song nhiều giáo viên cũng hy vọng khi bố mẹ của những trẻ em đường phố chứng kiến con cái học hành tử tế và có cơ may đổi đời thì họ có thể thay đổi quan điểm của mình.
Theo Luật Giáo dục Ấn Độ, trẻ em từ 6 đến 14 tuổi ở tất cả các bang đều được tiếp cận nền giáo dục miễn phí với mục tiêu tạo điều kiện cho 10 triệu trẻ em thất học được cắp sách tới trường. Tuy nhiên, chỉ có 5 trong tổng số 29 bang là Andhra Pradesh, Arunachal Pradesh, Orissa, Sikkim và Manipur đã thực hiện những kế hoạch cơ bản để thi hành Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, Ấn Độ hiện thiếu khoảng 1,4 triệu giáo viên nên phần lớn các lớp học đều quá tải về số lượng học sinh. Riêng bang Uttar Pradesh, nơi đông dân nhất cần đến 200.000 giáo viên mới có thể đáp ứng việc giảng dạy.
Ngoài những bất cập trên, các chuyên gia cũng chỉ ra một thách thức nữa đó là Luật Cấm trẻ em lao động đang bị coi nhẹ. Trên thực tế, hàng triệu trẻ em Ấn Độ phải lao động quần quật 12 giờ mỗi ngày để giúp việc cho gia đình hay phụ việc trong các nhà hàng, nhà máy, hầm mỏ hoặc các công việc khác. “Nếu một đứa trẻ phải làm việc như thế thì làm sao chúng có thể toàn tâm với việc học ở trường” – Bhuwan Ribhu, một luật sư ái ngại. Ngay cả những đứa trẻ như Deepchand, cho dù được đi học thì cơ hội tiếp cận một nền giáo dục cũng quả là ảm đạm. Cũng theo giới phân tích, trẻ em ở Ấn Độ với con số ngày càng tăng cao thì hoặc có thể là nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế hoặc là một thảm họa về nhân khẩu học đe dọa sự bền vững và gắn kết của xã hội nếu Chính phủ nước này không tìm mọi cách hỗ trợ thế hệ trẻ tiếp cận với hệ thống giáo dục.
(Theo Mysinchew.com)
Gia Hân

 

Bình luận (0)