Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng và chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ/năm; vắcxin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó vẫn còn rất nhiều khó khăn chẳng hạn như việc phấn đấu sản xuất kháng sinh trong nước hàng chục năm nay vẫn chưa làm được.
Sản xuất thuốc trong nước. (Ảnh: TTXVN)
Để có cái nhìn rõ hơn, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y – Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” (KC.10/11- 15).
– Thưa giáo sư, có ý kiến cho rằng các đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược hiện nay vẫn chưa mang tính ứng dụng chưa thực tế cao. Giao sư cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?
Giáo sư Phạm Gia Khánh: Tôi khẳng định, những đề tài trong chương trình KC.10 đưa vào nghiên cứu mang tính thực tiễn, có ý nghĩa khoa học mới được đưa vào nghiên cứu. Bởi ngay từ khi xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học, qua rất nhiều các giai đoạn các nhà khoa học phải cân nhắc xem có nên đưa vào hay không.
Riêng đề tài nghiên cứu để tự sản xuất được vắcxin Rota phòng bệnh tiêu chảy đã chứng minh đây là đề tài rất quan trọng.
Bởi những thống kê đã chỉ ra rằng, hằng năm tại Việt Nam có khoảng 5% trẻ em dưới 5 tuổi bị Rota. Mỗi một năm chúng ta có khoảng trên dưới 5.000 trẻ em chết vì bệnh Rota. Vì vậy, việc Việt Nam tự sản xuất được vắcxin Rota phòng bệnh tiêu chảy được đưa ra thị trường mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế.
Riêng việc điều trị, mỗi năm Việt Nam sẽ phải mất hơn 5 triệu USD cho điều trị trẻ em bị tiêu chảy, đó còn chưa kể trong trường hợp 5 triệu trẻ em bị như vậy thì bố mẹ phải nghỉ công việc, tốn kém hơn nhiều.
Vì vậy, các đề tài đưa vào nghiên cứu là những đề tài đã được chọn lựa kỹ lưỡng.
– Trong các công trình nghiên cứu, giáo sư có thể cho biết có những công trình nào mang tính “bản sắc” riêng của Việt Nam?
Giáo sư Phạm Gia Khánh: Có nhiều công trình nghiên cứu hoàn toàn là các sản phẩm từ trong nước. Chẳng hạn như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã sản xuất thành công bộ sinh phẩm panel hồng cầu định danh và sàng lọc kháng thể bất thường. Đây là sản phẩm của Việt Nam sản xuất hoàn toàn, hơn hẳn sản phẩm nhập ngoại. Vì sản phẩm xác định được kháng nguyên chỉ có Việt Nam có. Các sinh phẩm khác từ nước ngoài nhập vào khó có thể xác định được kháng nguyên này, dẫn tới việc khi truyền máu vào sẽ bị biến chứng.
Các nhà khoa học của Việt Nam cũng đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ chẩn đoán lao có khả năng tóm gọn vi khuẩn lao mang đặc tính riêng của Việt Nam mà các bộ kit trên thế giới bó tay.
Có thể thấy, trong nghiên cứu khoa học công nghệ về thuốc tại Việt Nam có hiệu quả rất cao trong vấn đề chất lượng chẩn đoán và điều trị.
– Xin giáo sư cho biết, thời gian tới, những công trình khoa học công nghệ nghiên cứu về dược sẽ hướng tới mục tiêu gì?
Giáo sư Phạm Gia Khánh: Trong lĩnh vực y dược có nhiều đề tài nghiên cứu về công nghệ bào chế, về thuốc thì muốn thuốc hiệu quả cao, giảm tác dụng phụ và dễ sử dụng là hướng nghiên cứu sắp tới của lĩnh vực dược.
Để làm được điều đó thì công nghiệp bào chế phải đi đúng hướng. Thêm vào đó, một đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này “ngốn” rất nhiều thời gian. Chẳng hạn như đề tài nghiên cứu về vắcxin tiêu chảy rota phải mất hai đề tài nghiên cứu và một dự án mới hoàn thành và mất hơn 10 năm để sản xuất ra một loại vắcxin.
– Là Chủ nhiệm Chương trình KC.10, giáo sư có thể đánh giá những khó khăn nào cần khắc phục để lĩnh vực nghiên cứu này hiệu quả hơn?
Giáo sư Phạm Gia Khánh: Hiện nay, trong nghiên cứu khoa học công nghệ về lĩnh vực dược có những khó khăn về mặt công nghê, kỹ thuật, trang thiết bị có những hạn chế. Trong lĩnh vực này có hai vấn đề, đó là nghiên cứu sản xuất về nguyên liệu làm thuốc và nghiên cứu từ nguyên liệu thành thuốc.
Trong nghiên cứu về dược có nghiên cứu sản xuất về nguyên liệu làm thuốc Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, còn nghiên cứu từ nguyên liệu thành thuốc thì giao cho Bộ Y tế. Vấn đề này Chính phủ đang tiến tới mục tiêu chập làm một những hiện nay vẫn chưa rõ đơn vị nào sẽ làm đầu mối cụ thể.
Thời gian qua, Bộ Công Thương có nghiên cứu về nguyên liệu làm thuốc có rất nhiều khó khăn về mặt công nghệ. Bởi vậy nên việc sản xuất kháng sinh hàng chục năm nay nên việc phấn đấu sản xuất kháng sinh trong nước vẫn chưa làm được, hay có những nghiên cứu trong labo thì làm được còn chuyển từ labo sang sản xuất công nghiệp là cả một quá trình khó khăn do vướng mắc về mặt công nghệ.
Vì vậy, Nhà nước đầu tư quan tâm hơn nữa về khoa học công nghệ cho thỏa đáng. Hiện nay, đầu tư của chúng ta quá thâp so với nước ngoài nên công tác thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Thùy Giang
(Vietnam+)
Bình luận (0)