Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhóm ngành Công nghệ: Dành cho người mê nghiên cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, rất nhiều ngành học hướng tới nền kinh tế tri thức và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống đã ra đời. Đây là những ngành học dành cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu, khám phá.

1. Ngành công nghệ thông tin
Ngành công nghệ thông tin đào tạo cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin có  kiến thức cơ bản và chuyên sâu, có năng lực ứng dụng các thành quả mới nhất của công nghệ thông tin hướng tới nền kinh tế tri thức, có khả năng tổ chức khai thác có hiệu quả phần mềm ứng dụng trong công nghệ điều khiển, các hệ thống kỹ thuật, mạng máy tính, viễn thông, có khả năng thiết kế phần mềm phục vụ công tác quản lý, khoa học, kinh tế. Ở một số trường khác nhau, ngành này được đào tạo chuyên sâu hơn ở một số chuyên ngành như:
+ Công nghệ hệ thống thông tin: đào tạo kỹ sư có khả năng xây dựng và quản lý các hệ thống xử lý thông tin, thiết kế các cơ sở dữ liệu cho các hệ thống thông tin.
+ Công nghệ phần mềm: đào tạo kỹ sư có khả năng tổ chức, thiết kế các phần mềm phục vụ nhu cầu khoa học, quản lý, kinh tế, xã hội… cũng như xây dựng các môi trường phát triển phần mềm.
+ Mạng máy tính và viễn thông: đào tạo kỹ sư có khả năng quản trị và thiết kế các hệ thống mạng máy tính và viễn thông, xử lý việc truyền dẫn số liệu bằng thông tin số.
+ Kỹ thuật máy tính: đào tạo kỹ sư máy tính có kiến thức cơ sở tin học về kỹ thuật điện tử, có khả năng thiết kế, ứng dụng, xây dựng phần mềm trong công nghệ, điều khiển các thiết bị kỹ thuật…
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin có thể làm việc tại các công ty nghiên cứu, phát triển phần mềm trong và ngoài nước; các trung tâm công nghệ thông tin, phòng tin học của các cơ quan trung ương, các bộ, ngành, tổng cục, các tập đoàn tài chính, cục thuế, các hãng hàng không, các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần, kho bạc nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế – xã hội; giảng viên, cán bộ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu.
2. Ngành công nghệ hạt nhân
Ngành công nghệ hạt nhân trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về công nghệ và vật lý hạt nhân. Nội dung đào tạo nhằm cung cấp một khối kiến thức chọn lọc có định hướng kỹ thuật và công nghệ hạt nhân.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế quốc dân như năng lượng hạt nhân; khoa học và kỹ thuật hạt nhân, các ngành kinh tế quốc dân có ứng dụng kỹ thuật hạt nhân: công nghiệp, nông nghiệp, y học phóng xạ, khảo cổ học, địa chất thủy văn, địa vật lý, các ngành có sử dụng tự động hóa và điều khiển.
3. Ngành công nghệ hóa học
Ngành công nghệ hóa học trang bị các kiến thức chung về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ, các kiến thức cơ bản về hóa học và kiến thức chuyên sâu về công nghệ hóa học ở bậc đại học.
Cử nhân công nghệ hóa học có kiến thức hóa học cơ bản vững kết hợp với kiến thức chuyên sâu về công nghệ các quá trình hóa học, có khả năng làm cán bộ giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, làm cán bộ nghiên cứu ở các viện và các trung tâm, có khả năng ứng dụng các quá trình công nghệ hóa học vào sản xuất, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Ngành công nghệ sinh học
Ngành công nghệ sinh học trang bị cho sinh viên kiến thức về các nguyên lý và quá trình cơ bản trong sinh học; lý thuyết cơ sở về sinh học thực nghiệm để ứng dụng vào các vấn đề công nghệ sinh học, những nội dung cơ bản và các phương pháp mới trong công nghệ sinh học.
Chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên các kỹ năng triển khai và thực hành tốt các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tổng quan các vấn đề nghiên cứu, phân tích và xử lý các kết quả thí nghiệm để ứng dụng trong thực tế sản xuất và chuyển giao công nghệ; có khả năng thực thi ít nhất một kỹ thuật cụ thể trong công nghệ sinh học.
Sau khi học xong chương trình, cử nhân công nghệ sinh học có thể giảng dạy,  nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học ở các trường, các viện; làm chuyên viên công nghệ sinh học trong các cơ quan quản lý, chỉ đạo sản xuất, trực tiếp sản xuất và dịch vụ các vấn đề tư vấn sản xuất, kiểm tra sản phẩm, đề xuất mô hình, thiết kế, thi công, cải tiến công nghệ trong các lĩnh vực ăn, mặc, ở, chữa bệnh… làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến sinh học và môi trường của các ngành hoặc các địa phương (bộ, sở, phòng, ban) và kiểm soát, thanh tra, tư vấn trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, môi trường, thực phẩm, y tế, khoa học hình sự; làm việc ở các trung tâm, tỉnh, thành phố, quận, huyện như là chuyên viên về công nghệ sinh học.
5. Ngành công nghệ vật liệu
Ngành công nghệ vật liệu trang bị cho sinh viên ba khối kiến thức chính là đại cương (gồm những kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa lý, cơ học và nhiệt học), kỹ thuật cơ sở (gồm các kiến thức về cơ lưu chất, sức bền, kỹ thuật nhiệt, mối quan hệ giữa cấu trúc và tính chất vật liệu) và kiến thức chuyên ngành (chủ yếu là phương pháp chế tạo gia công và ứng dụng những vật liệu cụ thể). Ngành công nghệ vật liệu bao gồm các chuyên ngành nhỏ như vật liệu kim loại, vật liệu silicat, vật liệu polymer.
Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có khả năng làm các công việc như vận hành dây chuyền sản xuất, thiết kế, gia công chế tạo và ứng dụng các sản phẩm trên cơ sở các loại vật liệu khác nhau, tham gia nghiên cứu cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, sinh viên có thể tìm việc tại các cơ sở sản xuất thuộc những lĩnh vực về vật liệu kim loại như luyện, cán thép, luyện kim màu, gia công chế biến nhôm; vật liệu silicat như ximăng, gốm sứ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… và vật liệu polymer như chế biến nhựa, cao su, sơn, composite…
6. Ngành công nghệ dệt may
Ngành công nghệ dệt may đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu các mặt hàng về dệt may; điều hành các dây chuyền sản xuất của ngành dệt may; bao gồm các ngành: kéo sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thiết kế thời trang.
Khi tốt nghiệp, SV có khả năng thiết kế các mặt hàng sản xuất thích hợp với thị trường; điều hành tốt các dây chuyền công nghệ của nhà máy dệt, may; nghiên cứu và khai thác các công nghệ mới, các mặt hàng mới của ngành dệt may.
Theo Áo Trắng

Bình luận (0)