Thiết kế vi mạch được xác định có vị trí ưu tiên hàng đầu trong đầu tư phát triển công nghệ cao của Chính phủ. Thế nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đang không biết tìm đâu ra nhân lực để đáp ứng nhu cầu công việc.
Kỹ sư trung tâm ICDREC chế tạo chip sinh học tại Khu công nghệ cao TP.HCM Ảnh: Hồng Thúy |
Hiện có khá nhiều tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trên thế giới đầu tư vào VN. Chỉ riêng tại TP.HCM đã có hơn chục công ty đang đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch như: Intel, Renesas Design, NXP, Applied Micro, SDS, TMA, AMCC, Signet… và các trung tâm ICDREC (ĐHQG TP.HCM), Semicon…
Ưu tiên số 1
Theo quyết định 49 của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 9-2010) về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và phát triển, và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, vi mạch chiếm vị trí số 1 trong cả hai danh mục.
|
Cầu lớn, cung không có
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm dịch vụ và việc làm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), tổng nhu cầu nhân lực năm 2010 của 14 công ty liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thiết kế vi mạch gần 400 người.
ThS Ngô Đức Hoàng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TP.HCM, cho rằng nhu cầu thực tế còn cao hơn con số này.
ThS Hoàng đánh giá: “Chưa bàn đến việc thu hút nhà đầu tư mới, chỉ cần nói về các công ty đang có mặt tại VN đã thấy sự thiếu hụt nhân lực. Chẳng hạn hiện nay có hai công ty có nhu cầu nhân lực thiết kế vi mạch lớn nhất là Renesas và E-silicon với tổng cộng hơn 300 người mỗi năm. Các công ty khác như Applied Micro, Arrived Technology… cũng có nhu cầu khá lớn”.
Nếu lấy con số tuyệt đối đó so với nhu cầu nhân lực của các ngành nghề lao động phổ biến khác, dễ ngộ nhận con số trên là nhỏ bé. Nhưng khi đặt nó vào đặc trưng làm việc của lĩnh vực thiết kế vi mạch sẽ thấy nhu cầu này là không nhỏ.
Thế nhưng oái oăm là đến nay VN vẫn chưa có trường ĐH nào chính thức đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch. Đại diện một số trường ĐH có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin cho rằng cái khó nhất hiện nay trong đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch là các trường đang rất thiếu những công cụ để thực hành, nên khó có thể mở chuyên ngành đào tạo riêng.
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Thiết kế vi mạch là một chuyên ngành sâu nên chúng tôi chưa có khảo sát cụ thể nhu cầu của ngành này. Tuy nhiên nhìn chung ngành công nghệ thông tin hiện đang có nhu cầu nhân lực rất lớn, trong đó ngành thiết kế vi mạch đóng vai trò chủ yếu”.
Tự thân vận động
Trước thực trạng khan hiếm trầm trọng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, các trung tâm và doanh nghiệp đã phải tự thân vận động bằng những giải pháp riêng của mình. Hầu hết doanh nghiệp lựa chọn con đường phổ biến là chấp nhận đào tạo lại sinh viên tốt nghiệp các ngành điện tử, công nghệ thông tin của các trường ĐH vì “dù sao họ cũng biết được những khái niệm căn bản”. C
ác tập đoàn lớn như Synopsys, Analog Devices… bổ sung cách giải “cơn khát” nhân lực bằng cách tìm kiếm tài năng qua các cuộc thi thiết kế vi mạch được tổ chức trên phạm vi toàn quốc.
Trong nỗ lực tìm hướng giải quyết, mới đây Trung tâm ICDREC đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tử theo hướng thiết kế vi mạch và ứng dụng. Đây được đánh giá là một trong những chương trình đầu tiên đào tạo theo hướng chuyên sâu về thiết kế vi mạch tại VN.
Theo PGS-TS Vũ Đình Thành – hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), hình thức liên kết này nhằm nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhìn chung những cách thức giải “cơn khát” nhân lực thiết kế vi mạch như trên mới chỉ là giải pháp tình thế, như nhận xét của chính “người trong cuộc” ThS Ngô Đức Hoàng: “Đây là một giải pháp nhưng không thể là giải pháp lâu dài được”.
Ông Trần Anh Tuấn cũng kiến nghị thêm: “Nên có một kế hoạch cụ thể giữa doanh nghiệp thiết kế vi mạch và các trường ĐH trong việc đặt hàng đào tạo nhân lực. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực thiết kế vi mạch chất lượng cao”.
Sản xuất thử nghiệm thiết bị kiểm tra chip
Chiều 5-4, hội đồng xét duyệt do PGS-TS Lê Hoài Quốc, phó giám đốc Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM, làm chủ tịch đã đồng ý triển khai dự án “Sản xuất thử nghiệm thiết bị kiểm tra chip – Chip ATE” do thạc sĩ Lê Phước Lâm, trưởng phòng thí nghiệm công nghệ chip Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, làm chủ nhiệm.
Dự án khi hoàn thành sẽ sản xuất thiết bị kiểm tra chip (Chip ATE) với chức năng chủ yếu là kiểm tra IC trong quá trình sản xuất chip.
PHƯƠNG NHI
|
ĐỨC THIỆN/ TTO
Bình luận (0)