Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài Vài suy nghĩ về đề thi môn ngữ văn (ngày 6-7): Đề văn chưa thực sự như kỳ vọng

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh trao đổi về đề thi môn văn tại Hội đồng thi ĐHQG TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Sự kỳ vọng môn văn sẽ mang một sắc màu mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã không như học sinh và nhất là giáo viên bộ môn ngữ văn chờ đợi bao lâu nay.

Với đề thi này, thí sinh không khó để đạt điểm 5 và có thể sẽ nhiều điểm 7-8, song chưa thật hài lòng vì đề chưa thực sự đổi mới.

Xét cho cùng, đề văn trong kỳ thi này chỉ đổi mới cơ bản ở phần đọc – hiểu. Thế nhưng trong phần đọc – hiểu này có hai điều đáng bàn. Về ưu điểm, đề bài không cần học sinh học thuộc lòng đồng nghĩa với việc thoát khỏi lối thi buộc các em phải nhớ kiến thức như trước đây. Ưu điểm hơn, nội dung của đề cũng đã thoát khỏi kiến thức sách vở để học sinh thể hiện năng lực của mình bằng nhận thức thực trước thực tế cuộc sống đồng thời nói lên tâm tư tình cảm của mình. Theo ý kiến chung, mặt hạn chế của đề ra là quá nhiều câu hỏi. Có nên chăng phải đặt quá nhiều câu hỏi như thế? Dẫu biết rằng đa số là những câu hỏi trả lời ngắn nhưng trong một bài thi môn ngữ văn, không nhất thiết phải đưa quá nhiều câu hỏi trong phần đọc – hiểu.

Câu hỏi nghị luận xã hội như sau: “Có ý kiến cho rằng: Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức. Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên”.

Dẫu biết rằng đề mang tính thực tế, và kỹ năng sống rất cần thiết đối với học sinh, song phải nói rằng đề thi này chỉ là “thường thường bậc trung”, chưa có gì gọi là đổi mới, mang sắc màu của thời cuộc. Chưa gây hứng thú và hiệu ứng cao đối với tình hình xã hội hiện nay. Câu hỏi này thậm chí còn không ấn tượng, hứng thú bằng một số câu hỏi nghị luận trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH các năm trước. Nếu đem so sánh với hai đề thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM thì câu hỏi nghị luận xã hội chưa thiết thực và thuyết phục bằng. So sánh với đề thi tuyển sinh lớp 10 thì thấy đây là một ví dụ về sự đổi mới gây hứng thú và có giá trị thiết thực cao, cả phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM – một đề thi rất ấn tượng ở cả câu 1 (đọc – hiểu) và câu 2 (nghị luận xã hội). Ở câu 1: Từ đoạn trích (Theo Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, Báo Thanh niên ngày 8-6-2015)  học sinh sẽ trả lời bốn câu hỏi. Riêng câu hỏi (a) chỉ ra phép liên kết là kiến thức sách vở – tiếng Việt, ba câu còn lại là kiến thức rất thực tế và rất bổ ích đối với thế hệ trẻ hôm nay liên quan đến Quốc ca của dân tộc. (b). Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát Quốc ca Việt Nam?; (c). Cho biết ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi Quốc ca Việt Nam vang lên; (d). Em có nhận xét gì về thực trạng hát Quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay? Ở câu hỏi 2 (cùng với hình ảnh minh họa): Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình… Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến… Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong gia đình mình. Viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Không cần phải phân tích mổ xẻ, đọc hai đề văn trên, chúng ta thấy đề văn tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM mang “hơi thở cuộc sống” hơn so với đề thi THPT quốc gia.

Với hai trình độ khác nhau đòi hỏi kiến thức xã hội và nhận thức của hai đối tượng cũng khác nhau. Học sinh lớp 12 sẽ hơn hẳn so với học sinh lớp 9. Đó là lẽ đương nhiên. Song, đề thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM thực sự đổi mới hơn so với đề thi THPT quốc gia ở phần nghị luận xã hội.

Thái Việt Hùng

(GV Trường THCS – THPT Bác Ái, TP.HCM)

Có thể nói đề văn năm nay vẫn chưa thực sự đổi mới, chưa xứng tầm với kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, còn đi theo lối mòn và chưa đúng với sự kỳ vọng của sự “chuyển mình trong văn chương”.

 

Bình luận (0)