Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chờ một kỳ chấm thi thống nhất, công bằng!

Tạp Chí Giáo Dục

Trả lời báo chí ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2017 kết thúc, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Chủ trì công tác chấm thi là các sở GD-ĐT. Tham gia lãnh đạo ban chấm thi, thanh tra, giám sát công tác chấm thi… đều có người của các trường ĐH”.

Các thí sinh tươi vui sau khi thi xong môn văn. Ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường THPT Diên Hồng (TP.HCM). Ảnh: Y.Hà

Ông Trinh cũng đã nhấn mạnh việc chấm thi sẽ nghiêm túc 2 vòng độc lập, song song với đó là việc chấm kiểm tra để đảm bảo tối thiểu 5% bài thi, nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp có vấn đề và kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, là những người trực tiếp tham gia việc chấm thi nhiều năm, chúng tôi thấy vẫn còn băn khoăn lo lắng vì thiếu công bằng với 3 lý do sau đây:

Vẫn còn suy nghĩ “dĩ hòa vi quý”

Một giám khảo (GK) môn văn chấm thi năm ngoái chia sẻ bức xúc với chúng tôi rằng, rất nhiều bài thi có sự chênh lệch điểm khá lớn của GK ở hai vòng chấm. Vị GK này cho biết: “Tôi chấm vòng một được 8,25 điểm, đến khi GK 2 cũng chấm bài thi đó nhưng chỉ được 4,5 điểm mà thôi. Bài chấm lệch điểm nên phải chấm kiểm tra lại, thì GK 3 chấm là 8,5 điểm. Như vậy, cao hơn mức điểm của GK 2 đến… 4 điểm (!?)”. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt, mà sự lệch điểm giữa hai GK trên mức cho phép (thường là 1 điểm) rất phổ biến, thường xuyên, có nhiều GK chấm thiếu chuẩn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng cũng chỉ bị nhắc nhở rồi thôi, vì còn suy nghĩ “dĩ hòa vi quý”.

Trước đây, chúng tôi đã rất hoan nghênh động thái tích cực của lãnh đạo một hội đồng chấm ở một trường ĐH tại TP.HCM khi yêu cầu một vị GK ngưng chấm vì vị này có nhiều bài chấm lệch điểm ở xấp thứ ba. Nhưng động thái này cực kỳ hiếm thấy ở các hội đồng chấm khác, mà thường nhắc nhở rồi cho qua. Chính vì “dĩ hòa vi quý” mà giữa các GK chấm khi thống nhất điểm không thấy có sự tranh luận, phản biện, để bảo vệ cho quan điểm chấm của mình. Thiếu sự thống nhất sau khi xem xét kỹ lại bài làm để tìm ra tiếng nói chung. Nhiều GK, để cho nhanh, hoặc khỏi “mất lòng nhau” thường thống nhất theo cách cho điểm lên hoặc xuống. Cũng vì thế mà tổng số bài chấm giữa các GK chênh nhau rất lớn. Nhiều GK có tổng số bài chấm sau cả đợt nhiều đến mức không thể tin nổi. Thế mà, đáng nói là, không thấy hội đồng chấm khống chế về số bài chấm bao nhiêu cho mỗi GK trong từng buổi, từng ngày và cả đợt! Trong khi đó, các hội đồng chấm đều trong trạng thái như “chạy nước rút”, lo chấm cho mau xong để lên điểm.

Đáp án quá chung chung

Đáp án môn văn năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố quá ngắn gọn với những ý chung chung, chỉ có tính định hướng, gợi mở, chứ chưa cụ thể, thiếu chi tiết. Ví dụ, ở câu 2 phần đọc hiểu, đáp án yêu cầu trả lời đúng nguyên văn của văn bản thì được 0,5 điểm. Nhưng đáp án thiếu ghi chú cụ thể thêm là nếu thí sinh không chép lại nguyên văn mà nói đúng ý tác giả theo cách nói của mình thì cho điểm ra sao? Thang điểm 0,25 cho những trường hợp trả lời nào? Hoặc ở câu 3, câu 4 của phần đọc hiểu, đáp án quá sơ sài. Trong khi phần này mỗi câu chiếm đến 1 điểm. Đáng lẽ ra, đối với các câu này, đáp án cần phải chia nhỏ cụ thể thang điểm 0,5 điểm, thậm chí 0,25 điểm cho việc trả lời bao nhiêu ý đúng.

Đối với phần làm văn cũng thế. Ở câu 1 (viết đoạn văn), phần triển khai vấn đề có số điểm là 1, với  gợi ý 2 hướng triển khai. Tuy nhiên, đối với phần này, nên cụ thể các phần như giải thích, bàn luận, bài học nhận thức… với thang điểm cụ thể bao nhiêu? Và ở câu 2 (nghị luận văn học), phần cảm nhận đoạn thơ chiếm đến 2 điểm, nhưng đáp án cũng thiếu cụ thể điểm từng phần nội dung, nghệ thuật là bao nhiêu? 

Có sự thống nhất giữa các hội đồng chấm?

Dẫu biết rằng những điểm khuyết trên của đáp án sẽ được các hội đồng chấm bù đắp trên tình hình bài làm cụ thể của bài thi sau khi chấm chung. Và từ đó đưa ra cách chấm chi tiết tùy theo tình hình đó. Nhưng cũng chính điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất, bất đồng bộ giữa các hội đồng chấm, dẫn đến mất công bằng cho thí sinh. Nhất là năm nay các hội đồng chấm giao về cho các sở GD-ĐT. Nhiều địa phương các năm qua không làm công tác chấm thi này. 

Chỉ đơn cử mấy ví dụ sau đây để thấy sự lo lắng thiếu công bằng là có cơ sở. Ở câu 1, phần đọc hiểu (chỉ ra phương thức biểu đạt chính), nếu không thống nhất sẽ có tình cảnh là thí sinh chỉ ra 1 phương án đúng là “nghị luận” cũng bằng điểm với thí sinh chọn 2 phương án, thậm chí mơ hồ chọn may rủi 3 phương án cũng được 0,5 điểm như nhau. Hoặc ở câu yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ, nhưng khống chế độ dài của bài làm để trừ điểm hay không thì mỗi nơi mỗi khác…

Trước tình hình này, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần có biện pháp tích cực để đem lại sự công bằng cho thí sinh trong khâu chấm thi.

Trần Ngọc Tuấn (giáo viên THPT)  

Bình luận (0)