Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Cho heo ăn qua mạng bằng máng tự động

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Khoa Điện thuộc Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vừa giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên năm 2016” do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Sản phẩm này đã được nhóm (Phạm Minh Công, Trần Thanh Long và Nguyễn Thị Lý Ly) hiện thực hóa qua việc thành lập công ty để cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Phạm Minh Công bên sản phẩm máng heo tự động tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên năm 2016

Trong thời đại công nghiệp hóa, chuyện nuôi heo ứng dụng công nghệ hiện đại không còn là chuyện lạ. Nuôi heo lớn như thế nào không chỉ phụ thuộc vào lượng thức ăn, nước uống mà còn phụ thuộc vào công thức cho heo ăn ra sao. Vấn đề đó phụ thuộc vào kinh nghiệm, khoa học. Làm thế nào để có sản phẩm phục vụ chăn nuôi một cách tốt nhất, vừa tiết kiệm công sức lao động bỏ ra, vừa túi tiền người nông dân không phải là chuyện dễ.

Nói về ý tưởng sáng chế cái máng heo tự động, Phạm Minh Công (thành viên của nhóm) cho biết em sinh ra và lớn lên ở miền quê thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam nên suốt những năm tháng tuổi thơ em đều thấy bố mẹ vất vả với nghề nuôi heo thủ công, chủ yếu lấy công làm lãi. “Nhiều lúc thấy bố mẹ cho heo ăn thủ công, em trăn trở làm thế nào để có chiếc máng ăn tự động để giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn. Sau nhiều lần suy nghĩ, em đã vẽ ra được mô hình chiếc máng đó trong tưởng tượng, thông qua kiến thức được học trên giảng đường”, Công nhớ lại. Thời gian xây dựng dự án từ tháng 3-2016, ban đầu nhóm của Công tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có xung quanh như chụp đèn, thau nhôm và một tấm tôn thừa, bộ khung tự hàn bằng sắt… Vất vả suốt 2 tháng trời, cuối cùng một chiếc máng heo ăn tự động phiên bản… sinh viên cũng thành hình hài. Công nói: “Đó chỉ mới là thành công bước đầu. Trong quá trình tham gia cuộc thi khởi nghiệp, nhóm còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ kinh phí cho đến thực nghiệm. Vì chúng em đang là sinh viên nên khi đến xin đặt máng heo thử nghiệm tại các hộ gia đình và trang trại, nhiều người lắc đầu từ chối bởi không ai dám chắc chúng em thành công, trong khi nếu xảy ra sự cố thì không ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của họ. Thế là nhóm đi khắp các nơi từ xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho đến một số miền quê ở tỉnh Quảng Nam, thuyết phục mãi mới được lắp đặt thử nghiệm”. Vượt qua khó khăn, từng bước hoàn thành, dự án của nhóm đã lọt vào top 60/624 dự án tham gia cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp toàn quốc năm 2016 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức.

Không dừng lại ở đó, Công cùng nhóm tiếp tục có những nghiên cứu để cải tiến chiếc máng một cách tối ưu nhất. Kết quả, sản phẩm trên đã vượt qua nhiều sản phẩm chất lượng khác để giành giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp 2016 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, sau đó tiếp tục lọt vào top 30 dự án khoa học công nghệ xuất sắc nhất thuộc chương trình TechFest 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chiếc máng tự động được Công và nhóm thử nghiệm tại trang trại chăn nuôi

Công cho biết, nguyên lý hoạt động của chiếc máng được thiết lập thông qua máy tính chủ có kết nối wifi hoặc internet cùng model và màn hình LCD. Người nông dân chỉ cần thiết lập số lượng thức ăn, thời gian, khoảng cách giữa các bữa ăn thông qua model có hiển thị lên màn hình LCD. Sau đó vào các thời điểm được thiết lập sẵn, thức ăn sẽ tự động được đẩy xuống máng để heo ăn. “Đó là khâu khó nhất trong thiết lập máng ăn tự động nhưng sau nhiều tính toán, cuối cùng nhóm cũng đã làm được”, Trần Thanh Long (thành viên nhóm) chia sẻ.

Theo các thành viên của nhóm, với loại máng tự động này tiết kiệm được khoảng 10% lượng thức ăn hao phí. Ngoài ra còn tiết kiệm nhân công, người chăn nuôi chỉ đổ thức ăn và cài đặt một lần, hoàn toàn không cần người quản lý sau đó. Đồng thời, tạo ra thói quen cũng như phương pháp chăn nuôi chuẩn cho người nông dân, hình thành nên một biểu đồ chăn nuôi phù hợp cho từng hộ cá thể vừa có thể bảo vệ môi trường do lượng phân xanh mà heo thải ra.

Do sinh ra từ gốc gác nhà nông nên mục tiêu mà nhóm hướng đến là một sản phẩm tiện ích, vừa hỗ trợ giảm công lao động vừa có giá rẻ để người nông dân nào cũng có thể mua sử dụng. Với ý nghĩ đó, Công cùng nhóm thành lập Công ty CP SX-TM Thiết bị tự động SE và tiến hành thương mại hóa chiếc máng heo này. “Khi đưa sản phẩm ra thị trường, mặc dù để chứng minh hiệu quả của sản phẩm đối với người chăn nuôi thì phải mất ít nhất là 3 tháng kể từ ngày nuôi cho đến khi heo xuất chuồng. Nhưng em tin, với hiệu quả sản phẩm mang lại, trong tương lai sẽ xâm nhập vào thị trường lớn, bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhu cầu sản phẩm phục vụ chăn nuôi rất lớn. Do vậy, nếu sản phẩm của chúng em đảm bảo chất lượng thì người chăn nuôi sẽ lựa chọn nhiều hơn bởi sự phù hợp và đảm bảo được khâu bảo dưỡng, sửa chữa”, Công bày tỏ.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)