Nhìn lại 10 năm đào tạo mỹ thuật, âm nhạc, các nhà quản lý, nhạc sĩ, họa sĩ trong lĩnh vực này đều cho rằng, chất lượng đào tạo đang thực sự đáng báo động. Đồng thời, ngành giáo dục cần quy hoạch lại để đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra cho người học, qua đó khẳng định được chất lượng môn học này trong trường phổ thông.
Đầu vào, đầu ra dễ dãi
Nhạc sĩ Hoàng Lân, Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết, đâu đâu cũng đào tạo giáo viên âm nhạc. Chỉ riêng tại Hà Nội đã có 6 địa chỉ đào tạo loại hình giáo viên này, còn TP Hồ Chí Minh là 15 đơn vị. Chưa nói đến các trường địa phương, trung tâm tư nhân đang phát triển mạnh ở thành thị và địa phương.
“Do chạy theo số lượng, nhiều trường còn không dựa trên năng khiếu của người học mà cứ tuyển cho đủ chỉ tiêu. Chắc chắn ngành giáo dục cần tính toán đến việc quản lý các cơ sở này”, nhạc sĩ Hoàng Lân khẳng định.
Đào tạo âm nhạc, mỹ thuật cần được quan tâm. Ảnh: TTXVN |
Còn PGS.TS Nguyễn Đăng Nghị, Viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm nghệ thuật chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế là cách đây hơn 10 năm, khi các trường tiểu học, THCS cần nhân lực giảng dạy âm nhạc, mỹ thuật, nhiều gia đình thấy con em không thi đỗ các môn chính… đã cho con theo học âm nhạc, mỹ thuật. Thậm chí, ngay từ cấp II, khi thấy con không có khả năng học văn hóa, nhiều gia đình đã cho con học từ cấp II và liên thông lên bậc đại học”.
Dẫn chứng về thực tế lựa chọn ngành nghề dễ dãi của sinh viên, bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, rất nhiều sinh viên được hỏi không có định hướng rõ ràng về nghề mình lựa chọn, trong khi đây là những ngành học đặc thù, đòi hỏi năng khiếu, tâm huyết và sự kiên trì. Thiếu những yếu tố này, nên mặc dù được đào tạo, nhưng khi ra trường tình trạng giáo viên không dạy được những ngành mình đã từng học khá phổ biến.
Không những đầu vào thấp, chương trình học theo phương pháp cũ, giáo trình vẫn lấy từ Học viện Âm nhạc quốc gia không còn phù hợp với thực tế. PGS TS Nguyễn Đăng Nghị cho rằng, với một giáo trình cũ thì chất lượng đầu ra khó mà đảm bảo được.
Từ những nguyên nhân trên, dẫn đến chất lượng đầu ra không đạt. Theo ông Lê Anh Tuấn, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chất lượng giáo viên âm nhạc không đồng đều đang là hạn chế lớn nhất. Không ít giáo viên âm nhạc hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu về phẩm chất và năng lực sư phạm, năng lực âm nhạc.
Đổi mới chương trình, quy hoạch mạng lưới
Một trong những thay đổi cấp thiết nhất là việc rà soát lại các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Từ đó, có những tiêu chí đào tạo cũng tập trung vào chất lượng người học. Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Sắp tới, Bộ sẽ rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Tập trung đào tạo chất lượng”.
Bên cạnh đó, vấn đề chương trình học được nhiều cán bộ quản lý, giảng viên, nhạc sĩ, họa sĩ quan tâm. Đã đến lúc có những đòi hỏi cấp thiết về sự thống nhất trong chương trình học.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Các trường cần cập nhật chương trình sách giáo khoa mới vào chương trình đào tạo trong nhà trường. Trong đó, cập nhật cả chương trình giáo dục phổ thông mới. Phương pháp chính là chuyển giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực. Đồng thời, tập huấn những lớp theo học chương trình mới và đưa ra tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra. Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương nên có trường thực hành như mô hình trường thực hành sư phạm của trường Nguyễn Tất Thành. Tại đây, rất nhiều hoạt động nghệ thuật, hội thảo, triển lãm của học sinh, sinh viên được tổ chức. Đó là môi trường, khuyến khích tinh thần học tập của học sinh”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh, quy hoạch tốt, chương trình tốt nhưng không có người thầy giỏi thì không thành công. Tiên phong là Trường Sư phạm nghệ thuật Trung ương cần đào tạo ra những giáo viên cốt cán tham gia dạy các bộ môn trong lĩnh vực nghệ thuật.
Lê Vân/ Tin tức
Bình luận (0)