Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Công trình xây dựng trong mùa mưa: Cảnh báo tai nạn lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong ba tháng 10, 11 và 12, TP.HCM và các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ thường xảy ra hiện tượng giông lốc, gió giật mạnh và mưa cường độ lớn.

Trong ngày mưa bão, tuyệt đối công nhân không làm việc ở giàn giáo cao và vận hành cẩu tháp

Ông Dũng lưu ý các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng cao tầng cần đề phòng hiện tượng gió giật.

Tai nạn thương tâm

Ông Nguyễn Quang Khải, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành về an toàn công trình xây dựng cho biết, hiện một số công trình, công nhân vẫn làm theo kinh nghiệm là chính, không tuân thủ theo các quy định về an toàn xây dựng. Tai nạn thường xảy ra tại các công trình xây dựng lao động trong mùa mưa là sập giàn giáo (do giông lốc, gió giật), công nhân trượt chân, té ngã (do không đeo dây an toàn)…

Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng do đổ giàn giáo tại chung cư Dream Home (Q.Gò Vấp) vào cuối tháng 7 là một minh chứng. Theo Thanh tra Sở LĐ&TB-XH TP.HCM, sáng 27-7, tại khu vực hành lang sinh hoạt chung của tầng 8 khối nhà D, có 3 công nhân thi công đóng tấm trần thạch cao. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, nhóm công nhân chuẩn bị nghỉ thì bất ngờ giông gió mạnh kéo đến. Hệ giàn giáo lúc này như chiếc dù gặp gió lớn liền đổ nghiêng về hướng khoảnh sân giữa 4 khối nhà. 3 công nhân trên hệ giàn giáo rơi xuống, trong đó 2 công nhân kịp bám vào lan can sắt tầng 8 bị thương nhẹ, công nhân còn lại rơi xuống sân lộ thiên từ độ cao khoảng 35m và tử vong sau đó.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP cảnh báo: Vào những ngày mưa, tuyệt đối không cho công nhân làm việc, đặc biệt là làm việc ở giàn giáo cao, mép sàn; không vận hành cẩu tháp để đề phòng gió giật hay rò rỉ điện.

Cần giám sát an toàn tại công trình

Từ vụ tai nạn này, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM lưu ý các cá nhân, đơn vị xây dựng khi lắp dựng giàn giáo nhất thiết phải có tính toán, thiết kế theo đúng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Đặc biệt hệ giàn giáo có chiều cao từ trên 4m sau khi lắp dựng phải được tổ chức nghiệm thu.

Đối với hệ giàn giáo bao che có sử dụng lớp lưới chống bụi, khi thiết kế biện pháp thi công phải tính toán cả tải gió, độ ổn định chống mô-men lật; đồng thời tăng hệ số an toàn nhằm kiểm soát các yếu tố rủi ro, nhất là ảnh hưởng mưa bão. Bên cạnh đó, đơn vị thi công cần tăng cường chằng chống, cố định hệ giàn giáo vào hệ kết cấu ổn định của công trình hoặc neo giữ vào sàn tầng công trình. Khi trời có giông gió lớn phải thông báo cho công nhân không được làm trên hệ giàn giáo và nhanh chóng tìm nơi trú ẩn hoặc bố trí công nhân làm việc tại các khu vực an toàn.

Đối với công trình xây dựng nhà cao tầng trong khu dân sinh, đơn vị thi công cần bố trí cán bộ giám sát an toàn đối với công nhân làm việc tại những khu vực nguy hiểm như mép sàn tầng, trên hệ giàn giáo bao che, nơi cheo leo. Có biện pháp phòng ngừa vật rơi xuống khu vực dân sinh xung quanh, đồng thời đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc trên hệ giàn giáo cao trên 4m.

Trần Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)