Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ngành GD-ĐT Q.9 – TP.HCM: 100% học sinh được học 2 buổi/ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Q.9 nằm ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM với diện tích tự nhiên 11.362ha, được chia thành 13 phường, điều kiện kinh tế, dân cư tương đối thuận lợi. Đặc biệt, hệ thống trường lớp trên địa bàn từng bước được cải thiện.

TS. Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trao giấy khen của Sở GD-ĐT cho cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT Q.9 (thứ 2 bên phải qua), vì đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2015-2016

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ngành GD-ĐT Q.9 ngày càng khẳng định vai trò, chất lượng trong sự nghiệp “trồng người”.

Đô thị trí thức và công nghệ cao

Tiềm năng to lớn của Q.9 không dừng lại ở “vị trí vàng” có hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông xuyên suốt. Động lực phát triển của địa bàn này là được chọn quy hoạch khu đô thị trí thức và công nghệ cao.

Năm 2015, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào TP (đặt tại Khu Công nghệ cao) càng thúc đẩy thêm nhiều kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của Q.9. Dự án với tên gọi “Samsung CE Complex” (SECC) sẽ được thực hiện trên diện tích 70ha, với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Đây là dự án sản xuất sản phẩm điện tử có vốn lớn nhất trong vòng 8 năm qua tại Khu Công nghệ cao. Thêm vào đó là việc Chính phủ Hàn Quốc tài trợ 220 triệu USD để thực hiện đường vành đai 3, giúp kết nối Q.9 với trung tâm TP và các tỉnh lân cận.

Các tiện ích xã hội hoàn hảo của khu Đông là nhân tố tích cực hỗ trợ Q.9 trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Hầu như các khu chức năng quan trọng tại Q.9 đều đã và đang hình thành một cách bài bản. Cụ thể, khu GD-ĐT Đại học Long Phước, Khu Công nghệ cao, cảng Phú Hữu, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc… đều đã được vận hành, khai thác tốt. Trong đó, việc đầu tư xây dựng CSVC, trường lớp cho ngành GD-ĐT nhằm đảm bảo “trường ra trường – lớp ra lớp” được các thế hệ lãnh đạo của quận quan tâm, đầu tư, phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Các thế hệ lãnh đạo của quận đã quyết tâm “dành đất” cho giáo dục với quan điểm xuyên suốt “Giáo dục là quốc sách hàng đầu – đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế – xã hội của quận và TP”.

Hiệu ứng tích cực

Bình quân, hàng năm Q.9 dành hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách của quận và tranh thủ ngân sách của TP để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trường từ MN, TH, THCS đến THPT, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em nhân dân trong quận và các từ các tỉnh/thành khác về sinh sống.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tới thăm các trường MN được xây mới trên địa bàn Q.9

Hiện nay trên địa bàn quận, có 69 trường công lập của ba bậc học gồm: MN có 97 trường (17 công lập, 19 trường và 61 nhóm lớp dân lập); TH có 19 trường (1 dân lập); THCS có 14 trường (2 dân lập) với gần 55.000 học sinh. Trong đó, có 15 trường đạt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia (MN 5, TH 6, THCS 5), đang từng bước xây dựng trường tiên tiến, hội nhập khu vực. Toàn ngành có 16 trường được Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá ngoài, công nhận 12 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 1 và 4 trường đạt mức độ 2.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Trưởng phòng GD-ĐT Q.9) hạnh phúc chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận, nhất trí của CB-GV-CNV toàn ngành nên từ những thuận lợi về CSVC trường lớp đã giúp ngành gặt hái được nhiều thành tích vượt bậc, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Lao động xuất sắc; Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM. Là một trong số ít các quận/huyện trên địa bàn TP đạt tỷ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày của ba bậc học. Trong thời gian tới, quận sẽ xây mới thêm các công trình cho ngành giáo dục, tăng cường mạng lưới trường lớp xanh-sạch-đẹp hơn, bảo đảm trường sạch sẽ, có cây xanh thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế hợp lứa tuổi học sinh… cùng với xã hội thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Mới đây (cuối tháng 7-2016), ông Lê Hoài Nam (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) sau khi đi kiểm tra tình hình CSVC, trường lớp trên địa bàn Q.9 chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 đã phải thốt lên: “Quá đẹp và đạt chuẩn”. Ông Nam chia sẻ: “Qua khảo sát, nhất là 4 trường mới của bậc học MN sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học tới, tôi rất ấn tượng. Vì trường nào cũng được xây dựng khang trang, hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn của bậc học. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo quận với sự nghiệp giáo dục của quận nhà, cũng qua đó giúp ngành GD-ĐT Q.9 là một trong 3 quận đạt tỷ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm: “Từ chiến lược phát triển về văn hóa – kinh tế – xã hội của quận, trong đó có Khu Công nghệ cao sẽ đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu làm việc. Cho nên, chúng tôi nghĩ ngay từ bậc TH, THCS và các bậc tiếp theo nếu triển khai thực hiện được chương trình tích hợp sẽ tạo điều kiện cho các em được phát triển về khả năng ngoại ngữ cũng như phát triển tư duy, phẩm chất, năng lực của các em. Theo tôi, đây là một chương trình tiên tiến, ngoài việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho các em còn tạo điều kiện để phát triển tư duy cũng như năng lực, phẩm chất. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn đưa chương trình tích hợp này đến với Q.9, đến với những trường có đủ điều kiện để cho phụ huynh có nhu cầu được tiếp cận học tập chương trình này”.

Trong năm học 2016-2017, Q.9 sẽ triển khai chương trình tích hợp. Để chuẩn bị, ngành GD-ĐT đã khảo sát và làm việc với các cán bộ quản lý ở những trường có đủ CSVC và phụ huynh có nhu cầu tham gia. Phòng GD-ĐT sẽ tổ chức áp dụng chương trình tiếng Anh tích hợp ở 3 đơn vị trường TH (Lê Văn Việt, Bùi Văn Mới và Phước Bình) và 2 trường THCS (Hoa Lư và Trần Quốc Toản). Đó là những trường có điều kiện CSVC tốt, đạt chuẩn quốc gia.

L.Huy

Bình luận (0)