Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những bông hoa giữa đời

Tạp Chí Giáo Dục

Họ là những người phụ nữ đầy nghị lực, bản lĩnh, có lý tưởng để đeo bám, để tự tin đứng giữa đời. Và họ cũng là những người phụ nữ đầy lòng trắc ẩn, mang tình yêu thương, sự dịu dàng đến những người còn khó khăn xung quanh để cuộc sống nở hoa.

Những bông hoa giữa đời
Chị Pang Mỹ Linh (trái) hướng dẫn học viên trong lớp “vỡ lòng” – Ảnh: Vũ Thủy

“Thương tụi nhỏ lắm. Dù dị tật đau đớn thể xác, dù mồ côi tủi hổ nhưng tụi nhỏ ít khi nào tỏ ra chán đời. Em nào cũng cố gắng học, cũng biết nghe lời, y như người thân của mình

Bác sĩ Phạm Thị Thủy

“Tôi làm tất cả những điều ấy để người học trân trọng cái nghề của họ, để khi đi làm họ mang tinh thần của người làm nghề nail chuyên nghiệp

Chị Pang Mỹ Linh

Lớp học hơn 100 người, cô giáo mặc áo dài tím thướt tha đứng giảng bài say mê. Cô giảng về nail – nghề làm móng, cái nghề từng bị coi là tầm thường, “không biết làm gì mới làm nail”, là nhạy cảm với những triết lý làm nghề:

“Nail cũng có linh hồn, làm nail cũng giống như nghệ sĩ, phải có kỹ thuật, có sáng tạo, đọc được tính cách của khách hàng để tìm được cái phù hợp với họ”.

Từ cô thợ nail đến giám đốc công ty

Cô giáo xinh đẹp ấy là Pang Mỹ Linh (36 tuổi) – giám đốc Trung tâm đào tạo nghề làm đẹp Kelly Pang với bốn cơ sở đào tạo nghề làm nail có 300-400 học viên mỗi ngày.

Ở lớp học “vỡ lòng” về nail trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), rất nhiều chị, nhiều bạn gái trẻ ngồi tỉ mẩn tỉa lớp vỏ mỏng ngoài cùng của trái chanh… bằng kéo cắt móng tay.

Chị Linh bảo phải mất ba ngày chỉ ngồi tỉa vỏ chanh học viên mới rời khỏi lớp vỡ lòng, rồi học đắp bột, học vẽ trang trí… Học viên phải học chỉn chu, công phu, dự kỳ thi tốt nghiệp cả phần lý thuyết và thực hành. Ngày tốt nghiệp họ mặc bộ đồ cử nhân màu tím để lên nhận chứng chỉ.

Người phụ nữ đã xây dựng nên cả một cơ ngơi nghề nail ở Việt Nam từng có một thời xất bất xang bang lúc mới vào nghề. Chị kể năm 16 tuổi, ba chị, ông chủ của một thương hiệu nhựa nổi tiếng bị phá sản và chị là chị cả trong một gia đình có bảy người con bắt đầu một cuộc mưu sinh vất vả cùng gia đình, nào nhào bột, làm bánh lúc cả gia đình làm bánh bao bỏ mối, nào vặt lông gà, bưng bê, rửa chén lúc bán mì gà.

18 tuổi, tốt nghiệp cấp 3, Linh thi vào ngành diễn viên, thi cả báo chí nhưng quyết định ở nhà phụ gia đình nuôi sáu đứa em ăn học. Thế rồi khi cậu mợ ở Mỹ về chơi, chỉ cho làm nail thì Linh thích “vì cũng là một cô gái thích vẽ vời, điệu đà”.

Mở tiệm nail đầu tiên trong một con hẻm nhỏ, Linh nghe bao người nói vô ra, có lúc rớt nước mắt: “Bộ mày hết nghề làm hay sao mà làm cái nghề này”.

Nhưng Linh quyết tâm học nghề cho tới, cô dành tiền đi Thái tham gia khóa học làm nail rồi có duyên gặp một cặp vợ chồng người Nhật, là chủ công ty nơi em gái cô làm phiên dịch. Họ tới tiệm thấy cô làm nail thì ngỏ ý muốn giúp cô sang Nhật học nghề vì “ở Nhật nail là một nghề rất bài bản, chuyên nghiệp”. Ở đó, Linh không chỉ học kỹ thuật mà còn học văn hóa nghề, tinh thần của nghề.

Năm 2004, Linh bắt đầu tham dự các kỳ thi và đoạt hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có giải nhất cuộc thi Thiết kế nail châu Á tại Malaysia năm 2008 với bài thi mà cô dành 120 giờ để chuẩn bị với chủ đề Công chúa hoa hồng. Công ty Kelly Pang – đào tạo nghề cũng được thành lập.

Từ đó đến nay, bao nhiêu lứa học viên đã tốt nghiệp và đi làm. Sau giải thưởng ở Malaysia, Linh cũng liên tục được mời đi Singapore, Malaysia, Hong Kong, Nhật, Hàn… làm giám khảo các cuộc thi nail châu Á.

Trong vòng bốn năm qua, Linh cũng trở thành người huấn luyện và chấm thi cho thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Tay nghề ASEAN. “Linh còn nhớ khi công ty mới thành lập, đi xin giấy phép ở sở còn nghe cán bộ bảo “làm gì có nghề nail”. Đến giờ nghề nail đã được trân trọng hơn rồi và Linh cảm thấy rất tự hào” – chị bảo.

Là người phụ nữ đầy lòng trắc ẩn, mỗi khi có chị em khó khăn hoặc những người khuyết tật chân muốn học nghề nail được các quận, huyện giới thiệu, Linh đều nhận dạy miễn phí, tốt nghiệp nếu thích thì mở tiệm làm riêng hoặc được nhận vào làm.

Năm nào trung tâm của chị cũng nhận dạy cho khoảng 200 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. “Phụ nữ nghèo cần nhất là cái nghề để mưu sinh. Thợ nail nếu được đào tạo bài bản thì chị em hoàn toàn có thể sống được với nghề” – chị bảo.

Những bông hoa giữa đời
Bác sĩ Phạm Thị Thủy đã gắn bó 22 năm với Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) – Ảnh: YẾN TRINH

Đặt tên cho trẻ mồ côi

Là bác sĩ của Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) 22 năm nay, bà Phạm Thị Thủy (55 tuổi) nhớ từng gương mặt, từng hoàn cảnh của gần 60 em nhỏ bị khuyết tật đang sống tại đây. Gốc người Sài Gòn, học bác sĩ đa khoa ở Đại học Y dược TP.HCM, trong những lần ngó qua cửa sổ khoa sản Bệnh viện Từ Dũ – nơi bà thực tập – thấy các em nhỏ khuyết tật bên này sinh hoạt, bà dần cảm thương hoàn cảnh của các em. Khi ra trường, bà xin về công tác tại Làng Hòa Bình cho đến giờ.

Buổi chiều, phòng sinh hoạt của các em khuyết tật Làng Hòa Bình chộn rộn tiếng đùa vui, và cả những tiếng kêu đau đớn. Một số em nằm suốt trên giường bệnh từ nhỏ với những chứng bệnh ngặt nghèo: não úng thủy, bại não, bại liệt, chàm mãn tính… Đi ngang qua những chiếc giường nhỏ xíu, bà Thủy chào hỏi, xoa đầu từng em.

Các em ở Làng Hòa Bình đa số là trẻ mồ côi, nhiều em bị bỏ rơi ngay từ lúc mới chào đời bởi vì dị tật trót mang.

“Nhiều trẻ chúng tôi nhìn thấy ở hành lang bệnh viện, ở gần chậu kiểng, nhiều trẻ do các bệnh viện khác đưa qua cũng trong tình trạng cha mẹ bỏ rơi. Có trẻ gần như sắp mất đi sự sống nếu mình không cứu kịp…” – bà kể.

Nếu không có một trái tim nhân ái, khi thấy hình hài của những đứa trẻ tật nguyền, có lẽ ai cũng sẽ giật mình. Nhưng bà Thủy và các y bác sĩ khác ở đây hằng ngày lo chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho các bé, tập vật lý trị liệu…

Là bác sĩ lớn tuổi nhất ở Làng Hòa Bình, mỗi khi tiếp nhận các em, bà Thủy lại nghĩ ra một cái tên thật đẹp để đặt. Bà trầm ngâm:

“Nếu là con trai, tôi thường đặt chữ lót là Minh, để mong đời tụi nhỏ tươi sáng hơn. Nếu là con gái, chữ lót sẽ là Ngọc, cũng với ý nghĩa đó”. “Sống với tụi nhỏ lâu, tụi nhỏ cũng mến tay mến chân mình. Tôi rành tâm tính từng đứa một. Những em lớn, mình phải tế nhị lắng nghe tâm tư của các em để chia sẻ, khuyên nhủ vì các em rất dễ tủi thân” – bà Thủy nói.

Niềm vui lớn nhất của bà Thủy có lẽ là nhìn các em lớn khôn, vượt lên số phận. Bà chỉ lên mấy tấm ảnh treo trân trọng trên tường kể em này đậu đại học ra sao, em kia nghị lực thế nào. Chị Thái Mỹ Phương (28 tuổi), cũng là trẻ bị dị tật chân đã lớn lên ở Làng Hòa Bình, chia sẻ:

“Má Thủy giống như người mẹ thứ hai của tôi và cũng là người tôi gắn bó nhiều nhất ở nơi này. Má gần gũi lắm và cũng rất nghiêm khắc. Có chuyện gì tôi cũng kể với má”.

Năm nay đã tới tuổi hưu, nhưng lãnh đạo bệnh viện và đồng nghiệp đều muốn bà tiếp tục làm. Bà nói: “Nếu nghỉ ở nhà cũng buồn, nhớ tụi nhỏ lắm. Thôi thì còn làm được ngày nào hay ngày đó. Cố gắng đối xử tốt với tụi nhỏ ngày nào hay ngày đó vì chúng đã bất hạnh, nếu mình đối xử tệ thì chúng sẽ bị bất hạnh chồng lên bất hạnh”.

Bà cũng chưa lập gia đình dù đã ở tuổi xế chiều, có lẽ vì thời gian tâm sức dành cho các em nhỏ là quá nhiều.

Tôn vinh 30 phụ nữ tiêu biểu TP

Tối 19-10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021, Hội Liên hiệp phụ nữ TP đã tuyên dương 30 gương phụ nữ tiêu biểu. Đây là những gương mặt tiêu biểu cho phụ nữ TP ở nhiều lĩnh vực, góp sức vào sự phát triển của TP cả về kinh tế – chính trị – xã hội. Người là gương mặt lãnh đạo TP, trực tiếp tham gia chỉ đạo, điều hành bộ máy quản lý TP, người là lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn, người làm công tác nghiên cứu khoa học, người là chiến sĩ công an thông minh, dũng cảm, là bác sĩ, luật sư giỏi nghề, tận tụy với người nghèo, người làm công tác xã hội trợ giúp người nghèo, trẻ em khó khăn.

Đại hội đại biểu phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập, phát triển” đã thông qua các kết quả nổi bật của nhiệm kỳ trước, đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ mới, bám sát mục tiêu xây dựng TP “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Đại hội cũng bầu ban chấp hành mới gồm 68 ủy viên. Trong hội nghị lần thứ nhất, ban chấp hành mới bầu ban thường vụ gồm 21 ủy viên, bầu chủ tịch và bốn phó chủ tịch. Bà Tô Thị Bích Châu tái đắc cử chức vụ chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.

VŨ THỦY – YẾN TRINH/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)