Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lần đầu tiên nhiều môn được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, trừ ngữ văn. Nhiều thí sinh tỏ ra thích thú khi thi trắc nghiệm, ngay cả với các môn trong bài thi khoa học xã hội vì dữ liệu được đưa ra sẵn để suy nghĩ lựa chọn. Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, nhờ phương thức thi này mà số vi phạm kỷ luật giảm hẳn.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM |
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, toàn đợt thi THPT quốc gia 2017, cả nước chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế, trong khi năm 2016, con số này là 328 thí sinh. Việc giảm thiểu này, theo bộ, nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng.
Đặc biệt, các thí sinh cũng hứng khởi với bài thi tổ hợp mặc dù bài thi này tập trung kiến thức của nhiều môn.
Ra khỏi phòng đợt thi THPT quốc gia vừa qua, thí sinh tự do Tô Trần Thảo Hiền (Đồng Nai) cho biết có chút tiếc nuối. “Năm trước em cũng thi THPT quốc gia nhưng các môn thi độc lập, năm nay, thi bài tổ hợp khoa học tự nhiên với lần lượt 3 môn nên em có hơi bỡ ngỡ. Dù từng môn trong bài tổ hợp thi tách biệt, nhưng em vẫn cảm thấy hụt giờ. Nếu có thêm chút thời gian nữa chắc em sẽ làm trọn vẹn hơn vì phải vừa làm vừa dò”, Hiền chia sẻ. Tuy nhiên, theo Hiền, việc thi tổ hợp, lần lượt nhận đề, nộp đề, giấy nháp từng môn không gây phiền hà cho bản thân em, ngược lại em còn có chút thời gian nghỉ giải lao giữa các môn.
Thi trắc nghiệm tác động tích cực quá trình dạy học Theo Bộ GD-ĐT, việc thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn bài thi khoa học tự nhiên trong năm nay là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm… đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình. |
Không kịp thời gian làm bài cũng là điều diễn ra tương tự với thí sinh Võ Ngọc Phương Trinh (học viên Trung tâm GDTX Q.10, TP.HCM) tại kỳ thi vừa qua. Trinh cho hay, trước kỳ thi em đã được giáo viên hướng dẫn kỹ cách thức thi trắc nghiệm bài tổ hợp nên không quá lo lắng. Tuy nhiên, thực tế ở phần thi môn sử, em khá bối rối do các đáp án đưa ra dài, na ná nhau, mất nhiều thời gian để đọc và xác định. “Mặc dù áp lực với bài thi tổ hợp do nhiều kiến thức không nhớ hết nhưng em vẫn thích cách thức thi trắc nghiệm như năm nay hơn. Kết thúc giờ thi mỗi môn, em có thời gian nghỉ ngơi hoặc đi vệ sinh, trước khi bước vào môn mới, cảm giác như được tạm nghỉ giữa chặng vậy”, thí sinh Phạm Giang Vỹ Hùng (học viên hệ GDTX thuộc Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12, TP.HCM) bộc bạch. Nhiều thí sinh khác cũng cho biết, ngay cả những môn như sử, địa, giáo dục công dân, các em vẫn hào hứng với phương thức thi trắc nghiệm hơn, một phần vì các đáp án đã đưa sẵn dữ liệu, thí sinh dựa vào hiểu biết để làm.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhìn nhận, đối với thi tự luận, vẫn còn thí sinh có thói quen học thuộc lòng. Mà với cách học này, chỉ cần quên một trong các dữ liệu, câu, ý ban đầu các em sẽ khó nhớ các kiến thức phía sau, do vậy, thí sinh thường rất… sợ. Khi thi trắc nghiệm, thường chủ yếu yêu cầu các em hiểu bài, trong nhiều trường hợp có thể chỉ cần nhớ một số từ khóa quan trọng để gợi lại kiến thức, tâm lý thí sinh làm bài cũng nhẹ nhàng hơn.
Đại diện một số đơn vị tổ chức thi THPT quốc gia năm nay cũng cho rằng, việc thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh một mã đề sẽ giúp các em chủ động học tập, học và thi độc lập hơn, không còn tâm lý ỷ lại hay muốn xem bài, hỏi bài bạn trong phòng thi nữa.
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)