Y tế - Văn hóaThư giãn

Biến cố cuộc đời và nỗi tủi hổ đằng sau nụ cười nàng Mona Lisa

Tạp Chí Giáo Dục

Nàng Mona Lisa, trong bức họa cùng tên của họa sĩ Leonardo da Vinci, nổi tiếng với nụ cười bí hiểm. Có lẽ là do nàng bị gả cho một chủ buôn nô lệ từ năm 15 tuổi nên cuộc sống không mấy vui vẻ.

Trong cuốn “Mona Lisa: The People and The Painting” (tạm dịch: Nàng Mona Lisa: Những con người và Bức họa), hai tác giả Martin Kemp và Giuseppe Pallanti tiết lộ về cuộc sống của Lisa Gherardini – nàng Mona Lisa ở ngoài đời thực – và các nhân vật khác liên quan đến tác phẩm này. Tác giả viết, chồng của Lisa là một thương gia khét tiếng vùng Florence của Italy có tên Francesco del Giocondo, người có liên quan tới hoạt động buôn bán nữ nô lệ. 
Lisa sinh ra tại Florence tháng 6/1479. Tại thời điểm đó, các thiếu nữ thường được gả sớm cho những người đàn ông lớn tuổi. Năm 1495, Lisa được gả cho Francesco là một thương gia giàu có 30 tuổi. Trong suốt cuộc đời mình và từ nhiều thế hệ trước, Francesco và gia đình ông có truyền thống nuôi nữ nô lệ làm người hầu. “Kể từ khi còn nhỏ”, tác giả viết, “Francesco đã sống cạnh với những nữ nô lệ đã cải đạo sang Cơ đốc giáo, do cha ông mua về, và sau khi người cha qua đời, trách nhiệm của ông là mua nô lệ mới. Thi thoảng ông lại mua về nhiều nô lệ hơn cần thiết”. 

Bức vẽ chân dung nàng Mona Lisa.

Tác giả lưu ý Francesco “thường xuyên mua nô lệ”. Xét trên số lượng “các cô gái cải đạo” ông có liên hệ, dường như ông đã “tham gia vào đường dây buôn nô lệ”. Đã có lúc ông cải đạo cho ba phụ nữ người Moor ở Bắc Phi rồi đặt tên mới cho họ. “Họ không thể ở cả trong nhà ông ta. Ba là quá nhiều và một hoặc tất cả bọn họ có thể đã bị bán đi”, hai tác giả viết. 

Mặt khác, cô gái tuổi trăng tròn Lisa Gherardini bắt đầu cuộc sống của một phụ nữ tầng lớp trên với đầy rẫy khó khăn và bê bối. Cô mang thai lần đầu ngay sau khi cưới, cuối cùng là sinh được 6 người con trong vòng 10 năm. Con gái thứ hai tên Piera của cô chết ngay năm lên 2 tuổi còn một người con khác chết khi vừa lọt lòng. 
Người ta không rõ bằng cách nào họa sĩ Leonardo da Vinci liên hệ được với Lisa, nhưng chắc chắn một điều là cha của ông Leonardo là luật sư và chồng của Lisa là một khách hàng của ông. Năm 1503, danh họa này bắt đầu vẽ bức chân dung của người phụ nữ sau này trở thành kiệt tác nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Sự giàu có của chồng đã giữ chặt Lisa trong “một tủ quần áo và hàng đống quần áo ấn tượng”, mặc dù người xem không thể thấy điều này trong bức tranh về cô.
Trong thập kỷ tiếp theo, Leonardo đã dành thời gian để hoàn thiện nốt bức chân dung còn phu nhân Lisa tiếp tục cuộc sống đầy cung bậc màu sắc. Mặc dù không còn nhiều gia đình thời đó gửi con gái đến tu viện sống để tránh phải nộp những khoản tiền lớn, gia đình del Giocondos giàu có vẫn gửi hai cô con gái của họ đi làm nữ tu, bất chấp việc họ hoàn toàn đủ khả năng để trả tiền hồi môn cho gia đình chồng tương lai. Camilla, đứa con thứ ba của vợ chồng Francesco, thề nguyện làm nữ tu từ năm 12 tuổi cùng với hai chị gái Camilla Chị và Alesssandra Chị. 
Một năm sau đó, Camilla Chị dính vào một vụ bê bối. Công chúng buộc tội cô gái rằng: “Vào 20/4/1512, bốn người đàn ông có vũ trang cầm theo một cái thang vào bên trong tu viện San Domenico. Họ trèo qua tường, tiếp cận các khung cửa sổ nhỏ, ở đó có hai tu nữ đang đợi sẵn họ… họ chạm vào ngực của các nữ tu đó cũng như những phần cơ thể khác, mà chưa kể đến những thứ khiếm nhã”. Camilla Chị và một nữ tu sĩ khác cùng nhóm đàn ông đã bị đưa ra xét xử. Họ thừa nhận hành động của mình nhưng hai người phụ nữ đã được xá tội. 

Danh họa Leonardo da Vinci.

Lisa cũng suýt nữa dính vào bê bối tình dục của riêng mình khi hai người đàn ông nhà Medici quyền lực ra sức “cám dỗ niềm vinh dự của Gherardini” – người đã từ chối họ. Thay vì nổi giận với hai gã đàn ông có ý định chiếm đoạt vợ mình, Francesco lại lo sợ sự từ chối của Lisa ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với nhà Medicis. Ông tìm đến họ để khẳng định sự ủng hộ của mình và họ cam đoan rằng mối quan hệ giữa hai nhà vẫn an toàn. 

Da Vinci mất năm 1519 để lại bức chân dung Mona Lisa còn dở dang. Còn bà Lisa khi ngoài 60 tuổi bắt đầu ốm yếu nên dành những năm tháng cuối đời của mình ở trong tu viện. Bà qua đời ngày 14/7/1542. Bức chân dung “Mona Lisa” chỉ biến bà trở thành người nổi tiếng nhiều thế kỷ sau đó. 
Năm 1550, bằng cách nào đó mà bức chân dung của nàng Mona Lisa lại lọt vào trong bộ sưu tập tranh của Vua Francis I ở nước Pháp. Nó đôi lần từng được trưng bày trong bảo tàng Louvre. Tuy nhiên, năm 1800 Napoleon lại rất thích bức họa này nên đã đem về treo trong phòng ngủ. Ông trả lại nó cho bảo tàng 4 năm sau đó. 
Thời gian trôi qua, tiếng đồn về vẻ đẹp của bức tranh lan rộng. Năm 1857, tiểu thuyết gia nổi tiếng Théophile Gautier đã khen ngợi về bức vẽ như sau: “Bạn phát hiện ra nỗi u sầu của mình dâng lên từ sự thật rằng (Mona Lisa) 300 năm trước, đã chào đón sự thú nhận tình yêu của bạn bằng một nụ cười chế giễu giống như nụ cười cô vẫn giữ trên môi hiện nay”. 
Ngày nay, nằm trong lớp kính chống đạn ở một ví trí trang trọng trên tường bảo tàng Louvre, “Mona Lisa” chính là bức tranh giá trị lớn nhất thế giới. Nụ cười bí hiểm của bà đã thu hút hàng triệu du khách tới tham quan bảo tàng mỗi năm. “80% người tới đây chỉ để ngắm nàng Mona Lisa”, cựu giám đốc bảo tàng Louvre Henri Loyrette cho biết. 
Hoàng Trang/Báo Tin Tức
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)