Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh sẽ không còn phải học thuộc lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT sắp công bố chương trình môn học mới, theo đó học sinh sẽ được dạy thiết kế web, cách tiêu tiền… Đặc biệt không còn phải học thuộc lòng môn văn, sử…

Học sinh sẽ không còn phải học thuộc lòng - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM trong một tiết học ngoài giờ lên lớp tìm hiểu Luật giao thông – Ảnh: NHƯ HÙNG

Chỉ có 6 tác phẩm đưa vào chương trình ngữ văn mang tính bắt buộc là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập

GS Nguyễn Minh Thuyết

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có cuộc trao đổi nhân sự kiện này. 

Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh

Ông Thuyết cho biết: nhìn lại ba cuộc cải cách giáo dục năm 1950, 1956 và 1979, có một điểm giống nhau là đều không có chương trình, chỉ có sách giáo khoa (SGK). 

Cuộc đổi mới chương trình – SGK năm 2000 thì có xây dựng chương trình. Nhưng không có chương trình tổng thể, mà được chia theo cấp học. Mỗi cấp học là một dự án riêng.

Khi Luật giáo dục năm 2005 ban hành, Bộ GD-ĐT mới yêu cầu khớp nối ba chương trình của ba cấp với nhau và xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng, được phiên từ SGK đã viết ra. 

Chính điều này cũng là nguyên nhân nảy sinh một số bất cập như kiến thức trùng lặp hoặc trái ngược, thiếu nhất quán giữa các cấp học.

* Vậy còn lần này, bất cập đó sẽ được khắc phục?

– Lần này, Bộ GD-ĐT đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình này có tính quy phạm pháp luật, được công bố công khai và trưng cầu ý kiến theo đúng quy trình, được bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành theo thông tư. 

Các chương trình bộ môn sẽ công bố được biên soạn theo chương trình tổng thể nên đảm bảo tính nhất quán, liên thông, phù hợp với đối tượng học sinh các cấp và đảm bảo định hướng chung của chương trình. 

 

Tất cả đều nhằm mục đích phát triển năng lực, phẩm chất cho người học; tạo điều kiện cho các nhà trường, giáo viên chủ động, sáng tạo trong lựa chọn SGK, tài liệu và xây dựng kế hoạch dạy học.

GS Nguyễn Minh Thuyết – Ảnh: N.KHÁNH

Môn văn: chú trọng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết

* Chương trình ngữ văn mới liệu có loại bỏ nhiều tác phẩm kinh điển, như Chí Phèo của Nam Cao?

– Chương trình tiếng Việt/ngữ văn mới dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. 

Sẽ chỉ có 6 tác phẩm đưa vào chương trình mang tính bắt buộc là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc  Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục. 

Các nhóm tác giả viết SGK có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào SGK, nhưng đều hướng đến việc thông qua các ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

* Như vậy khi triển khai chương trình mới, việc thi cử cũng phải thay đổi?

– Đúng vậy. Trước đây đề thi môn ngữ văn chỉ gói gọn trong một số tác phẩm văn học có trong SGK. Nhưng khi đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, phẩm chất người học, chứ không kiểm tra nội dung kiến thức học thuộc, thì thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng các ngữ liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Chương trình môn ngữ văn sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học. 

Trong yêu cầu của môn học, nhóm soạn thảo cũng đặt ra điều kiện dạy học tối thiểu là ngoài SGK, các nhà trường cần có tủ sách tham khảo với nhiều loại sách, có đủ các văn bản từ tác phẩm văn học đến văn bản thông tin.

Học sinh sẽ không còn phải học thuộc lòng - Ảnh 4.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Giảm bớt học thuộc lòng và kiến thức hàn lâm

* Còn những môn học khác, theo giáo sư có những điểm mới nào đáng chú ý?

– Một số môn học, theo tôi, đã có những thay đổi mạnh mẽ và hợp lý hơn. Ví dụ, môn lịch sử ở tiểu học sẽ chủ yếu dạy những câu chuyện, có chủ đề gần gũi cuộc sống. Đây cũng là hướng thiết kế các môn tự nhiên & xã hội và lịch sử & địa lý ở bậc tiểu học. 

Đến bậc THCS, phân môn lịch sử sẽ dạy thông sử theo tiến trình lịch sử. Nhưng điểm khác biệt so với trước là lịch sử VN sẽ được đặt trong lịch sử thế giới ở từng giai đoạn chứ không tách riêng. 

Bậc THPT, môn lịch sử sẽ dạy theo các chuyên đề sâu. Việc ghi nhớ, học thuộc lòng số liệu, sự kiện sẽ giảm bớt đáng kể, chỉ chú trọng các bài học, ý nghĩa lịch sử.

Môn nghệ thuật hiện nay gồm âm nhạc, mỹ thuật, thủ công nhưng tới đây sẽ mở rộng hơn theo định hướng nghệ thuật ứng dụng. Đặc biệt, ở THPT sẽ chia nhánh dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công… 

Các môn khoa học tự nhiên sẽ được thiết kế theo hướng ứng dụng, gắn với thực tiễn cuộc sống và bám sát bản chất môn học. Các kiến thức quá khó, hàn lâm sẽ được lược bỏ.

* Còn hoạt động trải nghiệm – từng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi góp ý cho chương trình – hiện được điều chỉnh ra sao?

– Trước đây hoạt động trải nghiệm thiết kế bị cứng, chia ra 9 chủ đề cho 9 tháng gắn với các sự kiện, ngày lễ diễn ra trong tháng, nhưng hiện đã được điều chỉnh linh hoạt hơn. 

Hoạt động này chia làm 4 nội dung: hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động; hoạt động xã hội, thiện nguyện; hoạt động hướng nghiệp. Thời gian dành cho hoạt động trải nghiệm ngoài các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sẽ có các tiết học theo chuyên đề, hoạt động ngoài giờ lên lớp (8 tiết/tháng). 

Tuy nhiên, các trường chủ động thiết kế hoạt động này, không cần thiết chia tiết theo tuần mà có thể gộp cả 8 tiết trong 1-2 tháng để tổ chức các hoạt động chuyên đề trong 1 buổi hoặc 1 ngày.

* Theo giáo sư, để chương trình khả thi, những yếu tố nào cần tập trung chuẩn bị?

– Trước hết là việc tập huấn giáo viên. Bên cạnh đó, một điều cần phải thực hiện là giao sự chủ động cho các nhà trường, ít nhất là giao chủ động về xây dựng kế hoạch dạy học. Tuy nhiên, cùng với giao chủ động phải có ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ. 

Một điểm quan trọng nữa là phải đổi mới thi cử. Nếu không thay đổi việc kiểm tra, đánh giá, thi cử thì sẽ khó có thể thực hiện được chương trình này.

Chưa hoàn tất chương trình môn ngoại ngữ

Cho tới thời điểm này, chỉ có duy nhất môn ngoại ngữ là chưa hoàn tất chương trình bộ môn, và có thể sẽ được công bố vào đợt hai. Các môn khác hiện đã hoàn tất. Sau khi công bố, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức có thông báo mời các cá nhân, đơn vị tham gia viết SGK cho chương trình mới.

Dạy học sinh biết tiêu tiền, tuân thủ pháp luật

anh_giaoduccongdan_11
Cô trò lớp 12A5 Trường THPT Võ Văn Kiệt, Q.8, TP.HCM trong giờ học môn giáo dục công dân – Ảnh: NHƯ HÙNG

* Môn đạo đức, giáo dục công dân sẽ được thay đổi ra sao trong chương trình mới?

– Chúng tôi sử dụng tên gọi cũ cho môn học, nhưng trong nội hàm môn học đã điều chỉnh mạnh mẽ. Ở bậc tiểu học, môn đạo đức hướng tới giáo dục hành vi, kỹ năng. Bậc THCS chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật.

Bậc THPT chú trọng giáo dục pháp luật và kinh tế. Trước đây dự kiến có một môn giáo dục kinh tế, nhưng sau đó chúng tôi lồng ghép vào môn giáo dục công dân và các môn học khác, xuyên suốt các cấp học.

Việc giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông, theo quan điểm của chúng tôi là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Học sinh cần được giáo dục cách quản lý, cách tiêu tiền, ý thức tiết kiệm, sử dụng đồng tiền một cách hữu ích nhất…

Mặt khác, lên tới bậc THPT, với định hướng đẩy mạnh tính thực nghiệm, nhóm nghề liên quan tới khối hành chính, pháp luật, kinh tế, công an, quân đội không có những môn học đặc thù để học sinh lựa chọn sâu như nhóm ngành khác. Vì thế bổ sung kiến thức kinh tế, pháp luật trong môn giáo dục công dân và các môn học khác rất cần cho học sinh muốn đi theo nhóm ngành này.

Vĩnh Hà/TTO

Bình luận (0)