Vừa qua Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo lần thứ 3 môn ngữ văn. So với đề thi minh họa mà bộ đã công bố 2 lần trước, đề thi tham khảo lần này không có gì khác biệt về cấu trúc, câu hỏi, thang điểm. Điều quan trọng là thí sinh phải có cách làm bài hợp lý.
Khi làm bài, thí sinh cần trả lời rõ ràng, rành mạch từng câu hỏi để tránh trùng lặp ý. Ảnh: Anh Khôi |
Dưới đây là “chiến thuật” làm bài từng phần qua việc phân tích các đề thi tham khảo.
Phần đọc hiểu: phải trả lời chuẩn xác
Ở phần đọc hiểu (3 điểm), các câu hỏi thường phân bổ theo các mức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp). Phần nhận biết thường dễ. Tuy nhiên các câu hỏi thông hiểu và vận dụng không phải đơn giản để trả lời đúng ý. Bởi lẽ nó yêu cầu theo dạng mở về kiến thức, kiểu như “hiểu thế nào? ý kiến anh/chị là gì? làm thế nào để?…”. Chẳng hạn ở đề tham khảo lần 3 vừa rồi, câu hỏi 1 và 2 khá dễ. Câu 1 giống với hình thức trắc nghiệm, còn câu 2 chỉ cần nhìn vào văn bản là trả lời được. Tuy nhiên ở câu 3 và 4 lại quá khó cho thí sinh yếu, trung bình. Thí sinh dễ trả lời những ý chung chung, nên khó có điểm tuyệt đối.
Để trả lời tốt, thí sinh cần phân tích kỹ đề để nắm chắc số câu hỏi, các vế của câu hỏi, sự liên quan giữa các vế trong câu hỏi, hoặc giữa các câu hỏi; đề có phần lựa chọn để trả lời hay bắt buộc; phải trả lời thành các ý gạch đầu dòng hay một đoạn văn; đề yêu cầu đóng về kiến thức hay phải làm bài theo hướng mở… Lỗi thường gặp ở phần này là hoặc thí sinh trả lời sơ sài, qua quýt, không đủ ý theo yêu cầu đáp án, hoặc trả lời lan man dài dòng, mất thời gian không cần thiết. Cần nhớ nữa là phải trả lời cho hết ý của câu hỏi, khi lựa chọn phương án nào thì phải có lý giải hoặc kèm minh họa từ văn bản…
Viết đoạn văn: nên triển khai theo thao tác lập luận
Ở câu viết đoạn văn 200 chữ (câu 1/phần làm văn, 2 điểm) có tích hợp với văn bản đọc hiểu về đề tài, chủ đề, nên ý của câu hỏi sẽ dễ trùng lặp lại với các câu hỏi trước ở phần đọc hiểu. Ví dụ, đề tham khảo lần 3 vừa rồi, ở các câu 3, 4/phần đọc hiểu và câu 1 (2 điểm)/phần làm văn thực chất là chỉ bàn về một vấn đề (niềm đam mê). Ở câu 4/phần đọc hiểu hỏi là: “…Cần làm thế nào để niềm đam mê khám phá những điều kì diệu…”, thì đây thực chất là ý mở rộng của câu hỏi viết đoạn văn (câu 1/phần làm văn) ngay sau đó: “…Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống”. Vì thế thí sinh muốn bài làm của mình không bị trùng lặp lại các ý giống nhau, và không tạo nên sự buồn tẻ, đơn điệu cho giám khảo khi chấm, thì cần phải có sự trả lời rành mạch, rõ ràng, dứt khoát cho từng câu hỏi, không lặp lại ý trả lời cho các câu hỏi.
Quan sát nhiều mùa thi, chúng tôi thấy thí sinh mắc nhiều lỗi ở phần này. Như không đảm bảo yêu cầu độ dài (hoặc viết quá ngắn, hoặc quá dài), do có suy nghĩ là càng viết dài thì càng nhiều điểm. Hoặc viết thành một bài văn chứ không phải đoạn. Một lỗi phổ biến của hầu hết thí sinh là không làm chủ được thao tác khi triển khai, nên không làm nổi bật được trọng tâm vấn đề, không làm rõ được những khía cạnh nội dung theo yêu cầu đáp án chấm. Nhiều bài làm đào quá sâu về thao tác này mà bỏ sót thao tác kia, vì vậy bài viết thiếu hài hòa, cân xứng…
Để có bài viết hiệu quả, ngoài việc chú ý đến các điểm hạn chế trên, cần phải thấy rằng, thay vì bài văn thường có ba phần (mở, thân và kết bài viết thành nhiều đoạn) với nhiệm vụ riêng của nó, thì đoạn văn cũng có ba phần là mở đoạn, triển khai và kết đoạn, nhưng chỉ viết một đoạn. Ở phần mở đoạn, nếu vấn đề nghị luận yêu cầu thí sinh rút ra ý nghĩa từ văn bản thì phải xác định cho đúng để mở đoạn đúng hướng, nếu không xem như lạc đề. Nếu đề cho là một ngữ liệu trích dẫn từ văn bản thì nên dùng nó để mở đoạn trực tiếp. Phần triển khai đoạn văn, tùy theo đề bài mà vận dụng kết hợp các thao tác lập luận cho hiệu quả, nên ưu tiên thao tác nào, thao tác nào không cần thiết. Tư duy thông thường trong hành văn, có các thao tác lập luận theo trình tự sau: giải thích, phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh, bác bỏ… Phần kết đoạn phải cho người đọc thấy được suy nghĩ, nhận thức, cũng như bài học rút ra từ vấn đề của người viết.
Nghị luận văn học: bố cục phải rõ ràng, hợp lý
Ở câu 2 (5 điểm)/phần làm văn), đề sẽ có nhiều dạng yêu cầu khác nhau. Đối với văn bản thơ, ở chương trình lớp 12 có 5 bài thơ được học chính thức (gồm “Tây Tiến” – Quang Dũng, “Việt Bắc” – Tố Hữu, “Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm, “Sóng” – Xuân Quỳnh và “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo). Các văn bản này đều dài, vì thế tình hình ra đề cũng khá đa dạng. Có các yêu cầu thường gặp sau đây: phân tích/cảm nhận về đoạn thơ (ví dụ một đoạn thơ trong bài “Việt Bắc”); phân tích một khía cạnh về nội dung hoặc nghệ thuật bao trùm toàn bộ bài thơ (ví dụ hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến”, như đề minh họa lần 1 của bộ vừa rồi); phân tích kết hợp bàn luận về một ý kiến nhận định về bài thơ (ví dụ phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên để làm rõ một nhận định nào đó); hoặc phân tích kết hợp so sánh đối chiếu hai đoạn thơ của hai bài thơ khác nhau…
Đối với văn xuôi và kịch, đề cũng có sự kết hợp nhiều yêu cầu trong một đề bài. Ví dụ đề đưa ra hai ý kiến nhận định khác nhau về một tác phẩm (như nhận định về nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” của Kim Lân, đề tham khảo lần 3 vừa rồi). Đề trích một phần của văn bản và yêu cầu nghị luận về một ý kiến. Tích hợp giữa văn học và xã hội; so sánh, đối chiếu giữa hai nhân vật trong hai tác phẩm (ví dụ bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” – Kim Lân với người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu)… Cần chú ý là, do thời lượng làm bài giảm xuống còn 120 phút nên đề tích hợp thường theo xu hướng đơn giản.
Quan trọng nhất ở phần này là thí sinh phải biết xây dựng một dàn bài hợp lý về bố cục các phần, như giới thiệu, phân tích riêng như thế nào; sau đó so sánh đối chiếu ra sao; từ đó nhận xét, đánh giá từ việc so sánh và rút ra kết luận những điểm giống và khác nhau về nội dung, nghệ thuật… Đối với 2 câu hỏi nghị luận xã hội và văn học, ngoài phần cho điểm trực tiếp trên hiện thực bài làm, thang điểm đáp án còn kèm theo những yêu cầu khác như: đảm bảo cấu trúc bài làm, làm rõ được luận đề, sáng tạo của người viết, và điểm về chính tả, dùng từ, đặt câu… Những yêu cầu này chiếm một số điểm không nhỏ, muốn bài văn đạt điểm cao cần phải chú ý.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)