Hôm 25/9, kính thiên văn lớn nhất thế giới – Thiên Nhãn (Trung Quốc) đã chính thức đi vào hoạt động với sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.
Kính thiên văn "The Five-hundred-meter Aperture Spherical Telescope" (FAST), tên Trung Quốc:Thiên Nhãn (tỉnh Quý Châu) là chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới, kích thước tương đương 30 sân bóng đá và có đường kính 500m. FAST được ghép từ 4.450 tấm panô tam giác cạnh 11m.
Kính thiên văn Thiên Nhãn đã bắt đầu hoạt động từ hôm 25/9.
Kính thiên văn FAST nằm trên một thung lũng có địa hình hình cầu gần như hoàn hảo. Điều này có thể giúp thoát nước tốt, đảm bảo nước mưa không ngấm vào và làm hỏng bề mặt phản chiếu của kính thiên văn.
FAST được thiết kế và xây dựng suốt 5 năm qua với kinh phí 180 triệu USD (tương đương với 4 nghìn tỷ đồng). Sứ mệnh của nó là tìm kiếm sóng hấp dẫn hoặc dấu hiệu âm thanh lạ từ các hành tinh khác, từ đó tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Mục tiêu cuối cùng của FAST là khám phá quy luật phát triển của vũ trụ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng đến các nhà khoa học và kỹ sư xây dựng kính thiên văn Thiên Nhãn. Ông viết: "Sự ra đời của FAST thể hiện bước đột phá lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Trung Quốc và có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược thúc đẩy sự đổi mới của đất nước".
Kính thiên văn FAST có đường kính tới 500m.
Kính thiên văn FAST đã có một khởi đầu khá hứa hẹn. Trong thử nghiệm gần đây, FAST đã nhận được một tập hợp sóng điện từ khá rõ được gửi từ khoảng cách 1.351 năm ánh sáng.
Các nhà khoa học nước ngoài được chào đón đến Trung Quốc và sử dụng Thiên Nhãn để nghiên cứu khoa học. Sẽ mất khoảng 2 – 3 năm, FAST mới có thể hoạt động một cách ổn định và tối đa công suất.
TT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)