Y tế - Văn hóaThư giãn

Mùa tựu trường vùng biên

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đó mà đã gần 20 năm… Ngày ấy tôi còn là sinh viên lớp 19K9A (niên khóa 1995-1998)của Trường CĐÐSư phạm Đồng Tháp – nay là Trường ĐH Đồng Tháp. Tôi và các bạn đã tình nguyện tham gia chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè 1997” tại Hồng Ngự. Cũng như các bạn, tôi khăn gói lên đường. Lần đầu tiên tôi đến vùng biên giới xa xôi ấy: đường bộ chỉ cách biên giới Campuchia 3 cây số; còn đường thủy chỉ cách 1 con sông. Đêm ngủ, thỉnh thoảng nghe tiếng súng bắn báo động giật cả mình: nào là tín hiệu báo bể đê, nào là bộ đội biên phòng đi tuần… Người dân ở đây còn nói: “Đồ đạc các cô không được lấy ra, cứ để ở trong giỏ, không ổn thì chạy!”. Quả thật, do năm đó có diễn ra bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nên mọi người canh gác rất nghiêm…

Thế rồi mọi việc cũng qua. Tôi được phân công dạy 11 học viên ở mức 1 tại điểm Trường Tiểu học Thường Thới Hậu A – thuộc xã Thường Thới Hậu, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Trong đó có 2 chị và 1 anh ở độ tuổi trên 40, số học viên còn lại thì nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi dạy học vào buổi tối vì ban ngày họ phải đi làm. Đặc biệt, là vào mùa thu hoạch lúa – họ thường nghỉ học để đi cắt lúa. Thỉnh thoảng tôi cũng đi cùng họ. Nhìn những cánh đồng lúa vụ 3 bị bể đê ngập nước, mất trắng vì lúa chưa chín… mấy ai không thấy chạnh lòng… Cuộc sống khổ cực như thế đấy, vậy mà mọi người vẫn theo học cho đến mãn khóa.

Tôi nhớ rất rõ chị Phượng, một trong những học viên của lớp tôi. Chị nói: Tôi trông các cô lên dữ lắm để học cho biết chữ. Thiệt tình là trông dữ lắm! Tôi nói cô đừng có cười nghen. Mỗi lần đi chợ Hồng Ngự, tôi phải để ý lúc đi tôi đi chiếc đò nào, nó màu gì, để khi về cũng xuống ngay chiếc đó. Người ta có để tên nhưng có biết chữ đâu mà đọc. Còn những khi thấy người ta làm lúa trúng, tôi hỏi họ xịt thuốc gì. Họ chỉ tên thuốc, rồi chỉ tên cửa hàng mua. Có lần đó tôi đi mua thuốc, đứng ngay cửa tiệm mà tôi còn hỏi thăm… Bởi vậy, “dốt” khổ lắm cô ơi!”. Trong lớp tôi dạy, chị là người học giỏi nhất, chị tiếp thu bài rất nhanh. Chỉ sau 2 tuần chị khoe với tôi: “Tôi đọc tên bài hát trên ti vi được rồi đó cô”. Nghe chị nói thế tôi rất vui. Tối hôm sau tôi thử kiểm tra bài chị. Quả đúng như thế – chị đã biết đọc, tuy nhiên chị đọc còn hơi chậm.

Vài ngày sau đó, chị tìm gặp tôi và nói với vẻ luyến tiếc: “Gia đình tôi khó khăn lắm. Tôi rất ham học để biết chữ. Nhưng 3 ngày nữa, tôi phải đi cắt lúa mướn ở đồng xa phải gần 1 tháng mới về”. Biết chị ham học nên tôi vội ngắt lời: “Vậy em viết bài cho chị, chị đem theo mà học có được không? Khi nào không biết chị hỏi mấy người đi chung với chị đó”. Vừa dứt lời, tôi thấy trong mắt chị như lóe lên một tia hi vọng. Chị khẽ nói: “Nếu được như vậy thì tôi cám ơn cô nhiều lắm!”. Và ngay tối hôm đó, tôi đã thức thật khuya, nắn nót soạn nhiều trang giáo án cho chị bỏ túi mang theo để học… Thế là chị đã vắng học.

Thời gian cũng trôi đi thật nhanh, hơn tháng sau chị đã trở về. Và chị đã không làm tôi thất vọng, bởi chị đọc và viết bài khá tốt. Không những thế, chị còn giúp tôi chỉ bài các học viên khác. Hai tuần cuối của chuyến đi, tôi hướng dẫn học viên làm toán: cụ thể là các phép tính cộng – trừ – nhân – chia. Khóa học rồi cũng kết thúc. Nồi chè đậu xanh chị và các học viên khác đã âm thầm nấu sẵn để đêm cuối cùng chia tay nhau, thật bùi ngùi xúc động biết nhường nào. Múc từng muỗng chè mà tôi nghe mặn cả đôi môi.

Tôi vẫn còn nhớ hôm tôi lên đò trở về trường để tiếp tục việc học của mình. Còn mấy bữa nữa thôi là ngày tựu trường năm học mới đã đến. Trời biên giới mưa dầm dề vì nghe đâu đó bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Chị tiễn tôi ra tận bến đò trong màn mưa, cầm tay tôi chị nói: “Lát nữa, cô về mạnh khỏe. Cám ơn cô thật nhiều. Nhờ cô mà tôi biết chữ. Nhờ cô mà chồng tôi ổng hết chê tôi. Bởi hở một chút là ổng nói: Bà dốt biết cái gì”. Tôi chưa kịp nói gì thì đò đã rời bến. Chỉ còn lại những cái vẫy tay và tiếp theo đó là tiếng sóng vỗ sột soạt vào mạn thuyền. Lòng tôi chợt dâng lên một nỗi buồn khó tả, tôi nhớ đến câu nói của ai đó: “Dốt nát là nguồn gốc của sự nghèo khó”. Và câu chuyện mùa tựu trường ở vùng biên giới vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí tôi dù nó đã lùi xa vào quá khứ gần 1/5 thế kỷ.

Trần Thị Hồng Nguyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)