Y tế - Văn hóaThư giãn

Việt Nam chỉ đạt 4,1 bản sách/ người/ năm

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là số liệu từ Hội nghị tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” do Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 5-7 tại TP.HCM.

​Việt Nam chỉ đạt 4,1 bản sách/ người/ nămTheo đó, một trong các mặt hạn chế hiện nay của ngành xuất bản là tính đến năm 2015, số bản sách trên đầu người mới đạt xấp xỉ 4,1 bản sách/ người/ năm, không thực hiện được mục tiêu đề ra trong Chỉ thị 42 là phải đạt 6 bản sách/ người vào năm 2010.

Tuy nhiên, ngành xuất bản đến nay vẫn còn tồn tại các hạn chế mà việc không đạt 6 bản sách/ đầu người/ năm chỉ mới là một, bên cạnh đó là chưa khắc phục được mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh dẫn đến phát triển thiếu vững chắc, chưa có bước tiến mang tính đột phá.

Trong phần tham luận, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách, hệ thống pháp lý để hỗ trợ xuất bản. Ông Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – nhắc lại trường hợp Luật Hình sự 2015 với Điều 344 các khoản đều hình sự hóa các hành vi mang tính hành chính, nghiệp vụ, thủ tục thuần túy…

Ông Doãn cho biết Hội Xuất bản sẽ có văn bản chính thức kiến nghị vấn đề này, nếu không thì “các lỗi sửa bản in, nộp lưu chiểu… lỗi nào cũng có thể bắt bỏ tù được cả”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB Trẻ – lưu ý đến năm 2020 Việt Nam sẽ phải thực hiện sâu các cam kết khi gia nhập WTO trong đó có xuất bản. Và hiện nay các tập đoàn xuất bản nước ngoài đang đẩy mạnh liên kết với Việt Nam để khai thác thị phần trong nước, nếu mình không mạnh lên, thị trường hẳn sẽ thuộc về người ngoài trong cuộc cạnh tranh sắp tới.

Ông Nhựt cũng đề nghị Nhà nước nên sớm ban hành Chiến lược sách Việt Nam, để làm phương tiện như một loại kim chỉ nam cho hoạt động xuất bản.

Nhiều ý kiến cho rằng nội dung của Chỉ thị 42 có nhiều tiến bộ, nên tiếp tục thực hiện Chỉ thị này trong thời gian tới.

Trong phần phát biểu tổng kết, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương – chia sẻ với các khó khăn của ngành xuất bản được các đại biểu phản ánh. Ông cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng cần rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển, kể cả tính đến những điều kiện để hội nhập với quốc tế, phát triển sách điện tử và giữ vững sự phát triển lành mạnh của ngành.

Ngày 25-8-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 42-CT/TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.

Sau mười năm, ngành xuất bản đã có nhiều tiến bộ. Ghi nhận tại Hội nghị cho thấy nhịp độ phát triển của xuất bản được duy trì, chất lượng sách được nâng lên, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 4%/ năm và đến năm 2015 thì toàn ngành đạt 369 triệu bản sách, tương đương 29.000 đầu sách.

Hệ thống các nhà xuất bản được giữ vững, lúc Chỉ thị 42 ra đời cả nước có 48 nhà xuất bản, đến năm 2016 cả nước có 64 nhà xuất bản và đến nay còn 60 nhà xuất bản. Hiện nay số lao động trong ngành xuất bản là 6500 người, tăng 2 lần so với năm 2004.

 

LAM ĐIỀN/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)