Đó là khẳng định của Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) tại họp báo thường kỳ nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của bộ trong 6 tháng đầu năm tổ chức sáng 5-7 tại Hà Nội.
Cá chết tại bờ biển miền Trung hồi tháng 5-2016 do chất thải từ Formosa. Ảnh: I.T |
Tại cuộc họp báo, vấn đề được quan tâm nhất vẫn là việc xảy ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Với vai trò, chức năng quản lý của mình, Bộ KH-CN chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và các bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH-CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học chuyên ngành hỗ trợ Bộ TN-MT có chứng cứ, bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, khách quan trong việc kết luận nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại miền Trung. Thêm vào đó, hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan. Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) được kết hợp với Hydroxit sắt tạo thành phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua… có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam. Chính các độc tố này cùng với tình trạng thiếu ôxy đã gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt bởi, nhất là các loài cá tầng đáy. Chiều ngày 30-6, tại phiên họp báo Chính phủ, nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường đã được công bố. Sau khi có kết luận thì Bộ KH-CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị tham gia khắc phục sự cố môi trường trong phạm vi quản lý của mình.
Đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển
Ngày 5-7, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi các địa phương ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng về việc thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển. Theo Chủ tịch Hội đồng đánh giá thiệt hại tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng: Hiện tại tỉnh có chủ trương khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản tập trung. Bên cạnh đó, tỉnh đã giao các địa phương ven biển rà soát lại quy hoạch đất vùng cát để đẩy mạnh chương trình cải tạo vùng cát ven biển theo hướng kinh tế sinh thái để có thể sản xuất rau, củ, quả trên vùng đất cát…
Trước đó, ngày 3-7, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể để khắc phục sự cố, ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương trong tỉnh. Theo đó, việc đánh giá thiệt hại theo nguyên tắc bảo đảm chính xác, đúng luật và công bằng cho người dân; việc đánh giá này không chỉ đến cuối năm 2016 mà còn đánh giá đến cả những năm tiếp theo và lâu dài.
Tại Thừa Thiên – Huế, ngày 4-7, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển trên địa bàn. UBND tỉnh lưu ý các giải pháp về khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phải dựa trên cơ sở đánh giá chuyên môn và các quy định pháp luật hiện hành cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại nhằm xác định mức độ thiệt hại để thực hiện bồi thường chính xác, đúng đối tượng. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu Sở TN&MT tăng mật độ quan trắc và chịu trách nhiệm về vấn đề này (nhất là tại địa bàn thị xã Kỳ Anh). Các ngành chức năng tiến hành điều tra khảo sát nguyện vọng của người dân về chuyển đổi nghề. Các địa phương khẩn trương thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân của tỉnh. |
Liên quan đến việc sử dụng công nghệ khi đầu tư của Formosa, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ thuộc Bộ KH-CN cho biết: Tại thời điểm Formosa đầu tư thì cơ quan chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt đầu tư là UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo quy định, tỉnh Hà Tĩnh có gửi công văn kèm theo báo cáo tiền khả thi cho Bộ KH-CN năm 2008 xin ý kiến. Với nội dung thông tin trong báo cáo tiền khả thi (đó là báo cáo sơ bộ, chưa có nội dung đầu tư), Bộ KH-CN trả lời: “Công nghệ lò cao truyền thống là công nghệ phổ biến được các nhà máy thép trên thế giới sử dụng và đây không phải công nghệ mới”. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình tiếp theo, nhất là việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì Bộ KH-CN không thẩm định mà do Bộ Công thương thẩm định nên trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương. Việc thay đổi công nghệ của Formosa cũng do Bộ Công thương chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi của báo chí về phương án khắc phục sự cố môi trường sau sự cố Formosa xả thải sẽ phải mất thời gian bao nhiêu lâu, kinh phí thế nào, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc nhận định, đây là vấn đề rất rộng lớn. “Trong bộ máy Nhà nước, mỗi cơ quan, đơn vị có một chức năng nhất định, không thể làm thay được. Việc kiểm soát chất thải ở Formosa là trách nhiệm của Bộ TN-MT. Còn chúng tôi lập hội đồng các nhà khoa học để hỗ trợ cho Bộ TN-MT, hỗ trợ cho các cơ quan điều tra có chứng cứ trong việc tìm nguyên nhân, thủ phạm gây ra tình trạng cá chết”, ông Tạc nói.
Trả lời bổ sung vấn đề này, PGS.TS Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) cho biết thêm, việc xây dựng phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường sau khi xác định Formosa xả thải gây ô nhiễm, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT. Hội đồng khắc phục sự cố này do Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân là Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường là Phó Chủ tịch. Hội đồng còn có sự tham gia của đại diện 4 tỉnh miền Trung và đại diện Bộ KH-CN.
T.Lam/VGP/SGGP
Bình luận (0)