Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh không được, khó tự chủ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1-7-2015, quy định về quyền tự chủ từ nội dung chương trình giảng dạy, tài chính, tài sản… Tuy nhiên, đến nay chưa có trường nào mạnh dạn triển khai ngoài vài trường thực hiện thí điểm.

Các em học sinh THCS và THPT tham quan mô hình đào tạo nghề của Trường CĐ Lý Tự Trọng tại một ngày hội hướng nghiệp. Ảnh: T.Tri

Ông Cao Văn Sâm (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, không ít các trường có khả năng tự chủ tốt nhưng còn ngại bởi lâu nay đã quen với việc được bao cấp. Chủ trương tự chủ tài chính đã có, đây được xem là một trong những giải pháp để các trường tự thay đổi mình, từ đó thu hút người học, song hiện nay rất nhiều trường chưa xây dựng được lộ trình cụ thể.

Chưa thể “dứt sữa” ngay

Bà Phạm Quỳnh Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12) cho biết, đến nay trường vẫn chưa xây dựng được lộ trình tự chủ. Còn ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Thủ Đức) cho hay, đến thời điểm này trường cũng chỉ tự chủ một phần theo Nghị định 43. Muốn tự chủ được thì phải tuyển sinh được, trong khi đó không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay “đốt đuốc” tìm người học. Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) cho rằng việc tự chủ tài chính chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trường nghề như đứa con đang cho bú sữa mà phải dứt ra ngay thì không ổn. “Chúng tôi ủng hộ tự chủ với điều kiện phải có đầu vào”, ông Hòa nói.

Hiệu trưởng một trường TC nghề tại TP.HCM (xin giấu tên) nói: Tự chủ tài chính, đơn giản đó là tự cân đối thu, chi để có lãi. Vậy tại sao phải đặt vấn đề này như là một chiến lược phát triển? Thu tức là thu học phí từ người học và chi cho lương cán bộ quản lý và giáo viên. Để tự chủ được thì thu ≥ chi. Tuy nhiên, tăng thu không thể tăng học phí (theo quy định) mà phải tăng số lượng tuyển sinh. Giảm chi không thể giảm lương và thù lao (vì đã thấp tới đáy rồi) mà phải giảm số lượng cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu.

“Một cái ao có nhiều cá, người bắt cá giỏi sẽ bắt được nhiều, người kém thì bắt được ít. Còn hiện tại cũng có một cái ao nhưng… không có nhiều cá mà có quá nhiều người bắt. Việc dễ làm nhất là giảm giáo viên cơ hữu để khỏi phải tốn thêm chi phí, cứ chuyển họ sang giáo viên thỉnh giảng là xong. Vấn đề là các hoạt động chuyên môn như biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức hội giảng, nghiên cứu khoa học… trở thành thứ xa xỉ. Như vậy, việc đặt ra tự chủ tài chính như là một việc giải quyết phần ngọn giống như người hái trà vậy, cứ phải có đọt để hái mà không cần biết cây phát triển ra sao. Để việc “cơm áo gạo tiền” cho các trường tự bươn chải, tranh giành học sinh với nhau, biến hệ thống giáo dục nghề nghiệp như một cái chợ”, vị hiệu trưởng bộc bạch.

Cần lộ trình

Vị hiệu trưởng trường TC nghề nói trên đề xuất: Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và nhất là cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải hiểu được hiện trạng của đơn vị mình, tìm ra vấn đề và giải quyết nó, không loại trừ việc thay cả người đứng đầu nếu cần thiết. Đó mới đúng là lãnh đạo có trách nhiệm và giải quyết đúng người, đúng việc chứ không chỉ đơn giản bảo rằng “phải tự chủ”, như thế ai chả nói được.

“Đến năm 2018, trường nghề phải tự chủ là hơi gấp, theo tôi, chúng ta cần có lộ trình và ngân sách cắt giảm từ từ theo hướng giảm dần, và sau đó dứt hẳn chứ dứt liền thì rất khó”, TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) nói.

TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) chia sẻ, để tự chủ được phải thu học phí cao nhưng người học không thể chấp nhận được học trường nghề nhưng học phí xấp xỉ với ĐH.

Cái khó nhất hiện nay, theo TS. Nguyễn Phan Hòa, vẫn là cơ chế. Khi đã tự chủ tài chính thì trường có quyền hạn gì, thực thi ra sao là điều quan trọng. “Đến năm 2018, trường nghề phải tự chủ là hơi gấp, theo tôi, chúng ta cần có lộ trình và ngân sách cắt giảm từ từ theo hướng giảm dần, và sau đó dứt hẳn chứ dứt liền thì rất khó. Trường chúng tôi cũng đã bàn với UBND Q.3 theo hướng là sẵn sàng tự chủ nhưng phải có chế độ gì đó cho mình”, ông Hòa nói. Về kế hoạch, ông Hòa cho rằng khi đã tự chủ, trường cũng sẽ phải tính toán lại về đội ngũ giáo viên, cân đối lại nhiều mặt…

Ông Võ Phước Nguyện (Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) chia sẻ: “Cái lợi của tự chủ tài chính ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì có cho nhà trường, tuy nhiên nếu cắt ngân sách thì không ít trường sẽ “chết”. Vì vậy cần có lộ trình tự chủ từng phần, sau hướng đến toàn phần”.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)